Tiềm năng lớn của metaverse

Như Anh, Theo VTV 11:45 30/08/2022

Theo McKinsey, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, hơn 120 tỷ USD đã được đổ vào xây dựng các công nghệ cũng như hạ tầng cho metaverse, gấp đôi so với năm 2021.

Metaverse (vũ trụ thực tế ảo) đang là từ khóa nóng của giới công nghệ. Những cái tên lớn như Meta, Microsoft hay Google đang muốn bứt lên dẫn đầu cuộc đua vũ trụ thực tế ảo, vì kỳ vọng vào tiềm năng lớn của thị trường này trong tương lai.

Metaverse là gì?

Metaverse là một thế giới ảo song song. Mỗi chúng ta khi tham gia có thể tự tạo cho mình một nhân vật đại diện (avatar).

Kính thực tế ảo là một thiết bị quan trọng. Ta đeo vào và bắt đầu gia nhập vào thế giới ảo hiện ra trước mắt.

Khi bước chân vào vũ trụ ảo, nhân vật đại diện của bạn có thể tham gia các hoạt động như ngoài đời thực. Ví dụ, mua bán đất đai, tham gia hội thảo, sự kiện, thậm chí mua sắm các món đồ, tài sản ảo.

Nghe đơn giản, nhưng dẫn đầu metaverse không hề dễ. Điển hình như câu chuyện của Meta, công ty mẹ của mạng Facebook.

Tiềm năng lớn của metaverse - Ảnh 1.

Theo một chuyên gia của McKinsey, tới năm 2030, giá trị thị trường vũ trụ thực tế ảo được kỳ vọng có thể lên tới 5.000 tỷ USD (Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC)

Tiềm năng lớn của metaverse

"Hôm nay chúng tôi chính thức ra mắt Horizon Worlds ở Pháp và Tây Ban Nha. Rất mong mọi người đến khám phá và xây dựng thế giới nhập vai", ông chủ mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg đã hào hứng chia sẻ trên trang cá nhân cách đây vài ngày. Mạng xã hội - một nơi cộng đồng đã rất thẳng thắn khi nhận xét về xấu đẹp.

"Nói thật nhìn hơi giống ứng dụng cho trẻ con. Tôi tò mò không biết sản phẩm của anh sẽ cạnh tranh thế nào với những phần mềm thực tế ảo đẹp hơn và siêu thực hơn", một tài khoản mạng xã hội bình luận.

"Nhiều họa sĩ đã chết ngất khi nhìn thấy cái ảnh 3D này", một tài khoản khác cho hay.

"Trò chơi The Sims 1 còn có đồ họa đẹp hơn", một tài khoản khác nhận xét.

Trong ảnh, avatar của Mark Zuckerberg đứng trong một khung cảnh cằn cỗi với phiên bản thu nhỏ của một vài danh lam thắng cảnh phía sau.

Trước những lời chê bai không thương tiếc đó, dù có là ông chủ của Facebook cũng phải chột dạ. Mark Zuckerberg đã phải đính chính rằng đó chỉ là bức ảnh thô sơ đăng vội lên để chúc mừng. Đồ họa trong vũ trụ ảo Horizon sẽ đẹp hơn thế nhiều.

Sau 18 tháng, dự án vũ trụ ảo metaverse đã lỗ hơn 10 tỷ USD. Quý 2 vừa qua, bộ phận phụ trách thực tế ảo của Meta lỗ gần 3 tỷ USD, nhưng không thể phủ nhận tiềm năng của thị trường thực tế ảo là rất lớn.

Theo McKinsey, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, hơn 120 tỷ USD đã được đổ vào xây dựng các công nghệ cũng như hạ tầng cho vũ trụ thực tế ảo, gấp đôi so với năm 2021.

Microsoft, Apple và Google cũng bày tỏ sự quan tâm đối với thực tế ảo. Nếu mạng Internet đã thay đổi cuộc sống của thế hệ X, Y thì thực tế ảo được kỳ vọng sẽ thu hút được thế hệ Z.

Anh Choi Ji-Ung là một ví dụ. Ở độ tuổi của anh, rất khó để có tiền mua đất, mua nhà và anh Choi đã quyết định mua đất ảo trên không gian thực tế ảo. Với 43.000 USD, anh đã có trong tay một số bất động sản mô phỏng khu Gangnam đắt giá trên một nền tảng ảo.

"Kể từ khi tôi mua tới giờ, miếng đất ảo của tôi đã tăng giá hơn 40%. Ở ngoài đời thực, chẳng bao giờ tôi dám mơ tới việc sở hữu đất Gangnam", anh Choi Ji-Ung, người dùng thực tế ảo, cho biết.

Tháng 9 tới, hội thảo trí thông minh nhân tạo toàn cầu 2022 sẽ diễn ra tại Quảng Đông, Trung Quốc. Vũ trụ thực tế ảo (metaverse) sẽ có một màn xuất hiện ấn tượng. Khách tham dự có thể dùng thiết bị để bước chân vào thế giới ảo, nơi họ có thể lập tức đặt chân tới mặt trăng, hoặc nhìn ngắm người ngoài hành tinh đi lại xung quanh mình.

Cũng theo một chuyên gia của McKinsey, tới năm 2030, giá trị thị trường vũ trụ thực tế ảo được kỳ vọng có thể lên tới 5.000 tỷ USD, bằng với GDP của cả Nhật Bản.