Đại dịch Covid-19 đã để lại nỗi đau sâu sắc cho gia đình Aurum, 18 tuổi sống ở tỉnh Beksasi, miền Tây Java. Chỉ trong vòng 1 tháng, Aurum và 3 người em bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi khi lần lượt cả bố và mẹ đều qua đời vì Covid-19. Chứng kiến cảnh bác sĩ phải buộc hai tay mẹ cô vào giường để không cố gắng lấy máy thở ra khỏi miệng và rồi bà tử vong khi độ bão hòa oxy trong cơ thể đột ngột giảm xuống đã trở thành nỗi ám ảnh với Aurum. Trong khi Covid-19 đã khiến cho các bệnh lý nền của bố cô trở nên trầm trọng và tử vong.
Sau sự ra đi của bố mẹ, những gánh nặng cuộc sống bỗng chốc đổ dồn lên vai Aurum: Chăm sóc nhà cửa và nuôi nấng 3 em nhỏ còn đang đi học. Aurum phải bỏ dở giấc mơ làm sinh viên để đi làm thêm kiếm tiền nuôi các em.
Không chỉ Aurum, nhiều trẻ em khác ở Indonesia bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi do đại dịch. Hiện vẫn chưa có con số chính xác về trẻ em mồ côi trong đại dịch ở Indonesia. Tuy nhiên Ủy ban Bảo vệ Trẻ em ước tính, con số này lên đến hàng nghìn, do tỷ lệ tử vong cao ở Indonesia. Theo báo cáo của Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19, tổng số ca tử vong do Covid-19 ở Indonesia tính đến ngày 20/7 đã lên tới 76.200 người.
Ủy ban Bảo vệ Trẻ em Indonesia đang kiến nghị chính phủ quan tâm đến những đứa trẻ mồ côi trong đại dịch, đưa ra những sự giúp đỡ kịp thời, trong đó cần có một cổng dữ liệu để cập nhật số trẻ chưa đến tuổi vị thành viên mất bố mẹ trong đại dịch.
Bà Siti Aminah Tardi, Thành viên Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ cho rằng, chính phủ cần cung cấp các dịch vụ tâm lý cho những trẻ em đột ngột mất cha hoặc mẹ hoặc thậm chí cả hai trong thời kỳ đại dịch. Bà lưu ý, khi cha mẹ qua đời, trẻ em gái và trẻ em khuyết tật là những đối tượng dễ bỏ học nhất. Sau khi trở thành trẻ mồ côi các em sẽ gặp trở ngại trong việc tiếp cận giáo dục vì phải thay thế vai trò của cha hoặc mẹ trong gia đình. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn cũng sẽ gia tăng do những đứa trẻ bị bỏ lại có xu hướng lấy chồng để đáp ứng nhu cầu gia đình. Bà Siti cũng cảnh báo về khả năng bạo lực và buôn bán trẻ mồ côi xảy ra trong đại dịch.
Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ Indonesia đề xuất chính phủ giáo dục cho cộng đồng về việc chuẩn bị giảm thiểu rủi ro cho các gia đình. Khi người cha hoặc người mẹ mắc Covid-19 và tự cách ly, họ cần phải bàn bạc với các thành viên trong gia đình càng sớm càng tốt về người tiếp theo sẽ chăm sóc và nuôi dạy con cái của họ nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, đặc biệt nếu đứa trẻ bị bỏ lại vẫn là trẻ mới biết đi hoặc vị thành niên.
Chính phủ cần có những hỗ trợ đặc biệt cho những trẻ mồ côi thuộc tầng lớp trung lưu trở xuống dưới các hình thức như học bổng, hỗ trợ y tế và các nhu cầu cần thiết khác.
Hiện nay, Indonesia đang xem xét học hỏi Ấn Độ trong việc thống kê số trẻ mồ côi. Theo số liệu tại Ấn Độ, tính đến ngày 5/6, đã có 3.632 trẻ em trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ và có 26.176 em đã mất một trong hai người thân do đại dịch Covid-19. Điều tương tự cũng đang xảy ra ở Indonesia khi số ca mắc ngày một tăng và hệ thống y tế đã trở nên quá tải.