Thương Nhớ Ở Ai tập cuối mở đầu bằng cảnh Hạnh mang con về quê ra mắt mẹ đẻ và Vạn. Từ sau đêm ân ái với Hạnh hơn 4 năm trước, Vạn đã trở nên lầm lì và lãnh cảm. Sự kiện Hạnh trở về với đứa con cũng chỉ như một giọt nước nhỏ xuống chum nước đầy. Vạn đã không còn gì để mất, anh chỉ còn cách chấp nhận hiện thực trước mắt.
Trong khi đó thì bà Nhân không những không cảm thấy ngại ngùng mà còn mừng cho con gái. Dù sao, đây cũng là hạnh phúc mà người phụ nữ nào cũng xứng đáng được có. Bà sai Dâu đi mổ gà để đãi con gái về nhà.
Cô con gái của Hạnh sống một mình với mẹ và các dì trong xóm ế chồng đã lâu nên không quen với sự có mặt của một người đàn ông lạ lẫm. Với vẻ ngoài lạnh lùng, lầm lì của Vạn, bé Ban Mai hỏi mẹ là có phải bố bị câm không.
Hạnh không biết làm sao ngoài giải thích cho con rằng bố cũng chỉ chưa quen với hạnh phúc như Mai chưa quen với bố mà thôi. Vạn đi lấy nước cho hai mẹ con tắm về thì nghe thấy câu nói đó của con. Tủi thân, ông chạy vào nhà đứng một mình. Hạnh đến đằng sau ông để động viên, mong anh đừng chấp lời trẻ con mà hãy dang tay đón nhận hạnh phúc. Vạn chỉ lặng lẽ đáp: "Hạnh, đừng thương hại chú. Đời chú thế là hết rồi".
Đến chiều, ông Vạn dọn cơm ra cho 2 mẹ con ăn. Hạnh tranh thủ ra ngoài tắm trước để Vạn bón cho con ăn. Bé Mai cũng dần quen với bố và không còn sợ ông như trước nữa. Nhìn thấy 2 bố con chơi với nhau ở xa, Hạnh thầm nhủ cuối cùng hạnh phúc đã đến với mình. Làng Đông vẫn là một thứ gì đó gần như máu thịt của cô. Khi biết mình có thai với Vạn cũng là lúc cô nhận ra rằng số phận của mình đã định là phải quay trở về đây sinh sống.
Tuy nhiên, hạnh phúc ở làng Đông chưa bao giờ là dễ dàng. Nhất là đối với mối quan hệ của Hạnh với Vạn. Người làng bắt đầu bu lấy 2 người và xỉa xói mỗi lần đi qua trên đường.
Họ chỉ vào mặt Hạnh và nói rằng cô là đồ loạn luân, quan hệ với người tình cũ của mẹ. Đã quen với điều này, Vạn chỉ im lặng đi ra chỗ khác chứ không phản ứng gì. Tuy nhiên, Hạnh thì khác, cô không chịu để yên cho dân làng thích làm gì thì làm. Cô vừa lớn tiếng phản bác lại họ, vừa quỳ xuống cầu xin họ hãy để cho tổ ấm của cô được yên.
Nhìn thấy chuyện đó, Dâu chạy về nhà báo với bà Nhân đến để giải vây cho Hạnh. Bà Nhân đến đỡ con dậy, bảo: "Thôi, không sống được ở cái làng này đâu con" nhưng Hạnh vẫn không chịu đứng dậy. Cô đáp: "Con biết phải làm thế nào để cứu lấy cuộc sống của mình. Dâu vốn mạnh mẽ nhưng cũng đã dần trở nên chai lì hơn với hoàn cảnh, cô chỉ dám đứng nhìn bạn mình từ xa mà rơm rớm nước mắt chứ không xông pha đương đầu với đám đông như ngày xưa.
Tối hôm đó, Hạnh ôm con vào giường Vạn nằm. Vạn đã dần biết cách chấp nhận sự có mặt của đứa con và Hạnh cũng cảm nhận được sự yêu thương của ông dành cho mình. Dù trước đó đôi lần, ông vẫn xưng là chú chứ không đổi cách gọi với cô.
Cả ba người đang dần chìm vào giấc ngủ thì bỗng dưng đám đông trong làng xô tới bám đầy vào bên ngoài các bức vách. Họ chọc thủng tấm vách để nhìn vào trong buồng ngủ, cùng nhau chỉ trỏ, bàn tán rồi cười khúc khích với nhau.
Quá uất giận, Vạn cầm cuốc ra ngoài đuổi hết mọi người về. Sáng hôm sau, Hạnh thức dậy thì chỉ thấy có 2 mẹ con đang nằm. Cảm thấy có chuyện gì không ổn. Cô chạy đi tìm Vạn thì thấy bà Hơn đang nhìn về phía con thuyền ở xa. Vạn đang ở trên đó, tìm cách chạy trốn khỏi làng Đông.
Vậy là vẫn chỉ còn lại Hạnh một mình với đứa con như những người phụ nữ hoá đá chờ chồng trước kia ở đây. Tuy nhiên, cô vẫn giữ một niềm tin lạc quan rằng một ngày nào đó chồng mình sẽ về.
Như vậy, Thương Nhớ Ở Ai đã chia tay khán giả với đoạn kết bớt đau thương hơn so với bản gốc. Ông Vạn không treo cổ tự vẫn mà bỏ làng ra đi. Vẫn còn một hy vọng nào đó cho hạnh phúc trong tương lai của Hạnh và con gái.
Những lời tự sự cuối cùng của Hạnh: "Tôi trở về với làng. Làng Đông sẽ cùng tôi và con gái, bé Ban Mai. Ngày mới đang bắt đầu" mang đầy tinh thần lạc quan và hướng về một tương lai tươi sáng hơn.
Sự thay đổi này có phần phù hợp hơn với phiên bản phim truyền hình. Sau hàng loạt những mảnh đời đau thương nối dài suốt chiều dài 34 tập phim, một điểm sáng nho nhỏ ở tập cuối sẽ giúp bộ phim tránh khỏi trạng thái một màu và quá đơn điệu.