Dương Tự Văn từ thời còn học sinh đã rất thích "chạy đi chơi" ở vùng biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar.
Có một lần, anh cùng một người bạn đồng hương đi dạo chợ phỉ thúy ở vùng biên giới và mua được một khối đá thô từ người dân Myanmar với giá 180 NDT (hơn 638.000 VND). Sau đó, anh đã chuyền tay bán lại khối đá với số tiền 18.000 NDT (hơn 63,8 triệu VND). Lợi nhuận tăng lên gấp trăm lần khiến Dương Tự Văn thích thú và nung nấu kế hoạch sau này.
Ngay sau đó, câu chuyện về một người phụ nữ tên Trương A Phụng trở nên giàu có khắp vùng Vân Nam bằng nghề buôn phỉ thúy đã tiếp thêm nhiều động lực làm giàu cho Dương Tự Văn.
Sau khi tốt nghiệp, Dương Tự Văn bắt đầu dấn thân vào giới buôn đá quý. Ban đầu chỉ bày bán sạp nhỏ, lại cộng thêm thời đại phát triển thần tốc của sản nghiệp phỉ thúy Vân Nam, Dương Tự Văn rất nhanh đã trở thành một thương nhân buôn phỉ thúy nổi tiếng.
Cuộc làm ăn giúp Dương Tự Văn "thành danh" chính là khi anh cùng người bạn chi 12 triệu NDT (hơn 42 tỷ VND) mua một khối đá thô nặng 41,5kg. Với con mắt lành nghề, Dương Tự Văn vừa nhìn là biết khối đá thô này không hề đơn giản như bề ngoài.
Sau vài nhát đục đẽo đầu tiên, Dương Tự Văn thấy khối đá lộ ra bên trong có màu xanh lục. Thế là anh quyết định mời thợ điêu khắc ngọc về để đẽo khối đá thành "Tuế Hàn Tam Hữu Bút Đồng".
Kết quả, viên đá không chỉ giúp anh thu lại tiền vốn mà còn kiếm được nguồn lợi nhuận khổng lồ. Chiến tích "lượm đá thô thành ngọc" này của Dương Tự Văn đã trở thành vụ việc chấn động giới sưu tầm đá quý và cổ vật.
Khu đá thô phỉ thúy "Hậu Giang Trường Khẩu" ở Myanmar đã được đưa vào khai thác từ năm 1963.
Đến năm 2010, người dân Myanmar tìm được một khối đá thô khổng lồ nặng 8 tấn có bao gồm tạp chất. Dương Tự Văn nghe được thông tin thì tức tốc chạy đến Myanmar bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua khối đá mang về Trung Quốc.
Sau khi làm sạch tạp chất và cắt bỏ đất đá không giá trị, Dương Tự Văn thu được khối đá phỉ thúy thô nặng 3 tấn với chiều dài 1,5m và chiều rộng 1,4m. Phía ngoài khối đá còn lộ ra một mảng xanh phỉ thúy, chất ngọc trong sáng lấp lánh.
Thời bấy giờ, khối đá phỉ thúy thô của Dương Tự Văn được định giá có giá trị lên đến 1 tỷ NDT (hơn 3,5 nghìn tỷ VND) và được cho là viên đá đẳng cấp nhất Châu Á có "1-0-2".
Sau khi viên đá được đưa ra các buổi triển lãm, giới truyền thông đăng tin không ngớt. Bên cạnh đó, còn có người cho rằng khối đá của Dương Tự Văn là làm giả vì đá thô không thể có giá 1 tỷ NDT (hơn 3,5 nghìn tỷ VND) được.
Thế nhưng, chuyên gia trong giới phỉ thúy lại cho rằng cái giá như vậy không hề quá đáng một chút nào.
90% thành phần chính của khối đá là ngọc phỉ thúy, lớp đá thô bên ngoài cũng không hề đơn giản vì chúng có đặc tính lấp lánh, chưa kể là khối đá lại nặng đến 3 tấn. Đây chính là viên đá phỉ thúy cực phẩm "Á Châu Nhất Hiệu" không thể nào bàn cãi.
Dương Tự Văn vô cùng tự tin với khối đá của mình, không những mang nó đi triển lãm trên toàn quốc mà năm 2013 anh còn mời đạo diễn và diễn viên về quay một bộ phim cùng tên "Á Châu Nhất Hiệu".
Dương Tự Văn chia sẻ, viên đá thô phỉ thúy có tiềm lực nâng cao giá trị vô cùng lớn, đến khi khối đá được mài giũa kỳ công thì con số không dừng lại ở 1 tỷ NDT (hơn 3,5 nghìn tỷ VND) mà còn lên đến 5 tỷ NDT (hơn 17,7 nghìn tỷ VND) nếu cắt ra và tận dụng triệt để chất ngọc.
Thế nhưng, khối đá phỉ thúy "Á Châu Nhất Hiệu" đã được công bố qua 10 năm nhưng vẫn chưa có ai chịu bỏ ra số tiền khổng lồ để mua lại.
Hơn nữa, Dương Tự Văn cũng giảm giá từ 1 tỷ NDT (hơn 3,5 nghìn tỷ VND) xuống còn 0,8 tỷ NDT (hơn 2,8 nghìn tỷ VND) và thậm chí chỉ còn 520 triệu NDT (hơn 1,8 nghìn tỷ VND). Kết quả sau ngần ấy thời gian, viên đá vẫn nằm im thuộc sở hữu của Dương Tự Văn.
Thật ra, tình huống bán đá phỉ thúy "ế ẩm" của Dương Tự Văn cũng là chuyện hết sức bình thường trong giới buôn đá quý. Công nhận rằng viên đá rất quý giá, nhưng bản chất nó vẫn chỉ là một khối đá thô nên ít ai dám bỏ ra 1 tỷ NDT (hơn 3,5 nghìn tỷ VND) để mua lại.
Hơn nữa, nếu cắt đá ra có thể kiếm được 5 tỷ NDT (hơn 17,7 nghìn tỷ VND) thì tại sao Dương Tự Văn không khai thác mà nhất quyết phải bán đá thô? Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến giới buôn ngọc có phần hoài nghi trước viên đá phỉ thúy của Dương Tự Văn.