Nhân viên y tế phát thuốc điều trị tại nhà cho F0
Nhân viên bệnh viện bán thuốc
Thuốc kháng virus hiện trong giai đoạn thử nghiệm, được quản lý nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế về đối tượng sử dụng phục vụ mục đích điều trị. Từ cuối tháng 8, thuốc đã chính thức được thí điểm dùng cho các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà. Ngay sau khi thuốc kháng virus Favipiravir xuất hiện tại Việt Nam, trên “chợ đen” tấp nập mua bán bất hợp pháp.
Trước tình trạng mua bán thuốc kháng virus diễn ra công khai trên mạng xã hội, thông qua các đầu mối, phóng viên Tiền Phong đã dễ dàng tiếp cận đối tượng bán thuốc. Ngày 21/9, sau khi nhận chuyển khoản 4,2 triệu đồng theo thỏa thuận miệng, người đàn ông có tên Phạm Duy Th. đã di chuyển bằng xe gắn máy đến điểm hẹn giao cho phóng viên hộp thuốc Favipiravir 400mg có nguồn gốc Ấn Độ.
Sau khi giao thuốc và hướng dẫn sử dụng, ông Th. khẳng định: “Thuốc này đang điều trị F0 rất hiệu quả. Liệu trình uống 7 ngày liên tiếp sẽ có kết quả âm tính ngay. Hiện thuốc này được dân Nhật sử dụng rất nhiều. Em an tâm đi, anh là người trong nghề, đây là thuốc thật, quá trình sử dụng có vấn đề gì thì gọi cho anh”.
Qua nhận diện ban đầu, phóng viên xác định, thông tin cá nhân từ tài khoản ngân hàng tiếp nhận chuyển khoản chi phí mua thuốc và tên trên bộ đồng phục người đàn ông mặc trùng khớp với nhau. Mặt khác, trên đồng phục có in logo của bệnh viện. Phóng viên nhận định, người bán thuốc kháng virus nêu trên có thể là nhân viên y tế tại Bệnh viện Trưng Vương.
Phóng viên đã liên hệ với TS.BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, đề nghị phối hợp xác minh. Qua thông tin, hình ảnh, số điện thoại, danh tính của người bán thuốc, BS Chiến khẳng định: “Đây là ông Phạm Duy Th. hiện đang là điều dưỡng chuyên khoa Mắt tại bệnh viện. Tôi đã làm việc trực tiếp với điều dưỡng này, bước đầu ông Th. thừa nhận có sự việc xảy ra. Tuy nhiên, ông Th. cho biết do có người nhờ nên chỉ mua giùm thôi chứ không buôn bán gì”.
PGS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM kiêm thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố cho biết: “Hiện nay, túi thuốc C là thuốc kháng virus đang đáp ứng đủ số lượng và nhu cầu cho bệnh nhân trong diện được điều trị. Loại thuốc này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm vì chưa được cấp phép của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế nên chưa được bán trên thị trường.
Đây là loại thuốc rất đặc biệt, do một doanh nghiệp dược tại TP.HCM được nhượng quyền để sản xuất tại Việt Nam. Đến ngày 22/9 đã có khoảng hơn 10.000 trường hợp F0 đang điều trị tại nhà trong diện đủ tiêu chí đáp ứng với điều trị đã ký cam kết được tiếp cận, sử dụng túi thuốc C”.
BS Chiến nói: “Tôi đã làm việc với đương sự và khuyên không tiếp tục các hành động tương tự và ông Th. cũng đã cam kết không tái diễn. Mặc dù đây là nhân viên của bệnh viện nhưng sự việc diễn ra nằm ngoài phạm vi quản lý của bệnh viện.
Thuốc người này mua bán (nếu có) không phải thuốc từ trong bệnh viện tuồn ra ngoài. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm quyền vào cuộc điều tra, chúng tôi cũng mong sớm làm rõ thông tin”.
Công an sẽ làm rõ
BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định: “Về nguyên tắc, túi thuốc C (thuốc kháng virus) dù được sử dụng ở cộng đồng hay tại các bệnh viện dã chiến đều phải quản lý chặt chẽ, đầy đủ danh sách. Trường hợp thuốc không sử dụng hết, phải trả trở về cho Sở Y tế. Mọi hành vi mua bán đều trái quy định của pháp luật hiện hành”.
Đại diện Tiền Phong đã chuyển thông tin đến cơ quan chức năng đề nghị phối hợp điều tra làm rõ. Sau khi tiếp nhận thông tin, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói: “Tôi đã chuyển thông tin đề nghị Thanh tra Sở Y tế vào cuộc”.
Sau chỉ đạo của Công an TP.HCM, ngày 22/9, lực lượng trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế đã liên hệ với đại diện báo Tiền Phong tại TP.HCM để tiếp nhận cụ thể các vấn đề liên quan đến nội dung được báo phản ánh qua bài viết: “Thuốc điều trị Covid-19: Cấm vẫn bán”. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.