Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh TT-Huế, trên địa bàn hiện có 1.884 phương tiện tàu thuyền với 10.685 lao động.
Đến sáng 5/9, tỉnh này còn 33 phương tiện tàu thuyền với 229 lao động hoạt động trên biển. Trong đó có 16 phương tiện (182 lao động) hoạt động ở vùng lộng và vùng khơi khu vực từ Quảng Trị đến Chân Mây (TT-Huế); 17 phương tiện (47 lao động) hoạt động vùng bờ.
Các chủ phương tiện còn hoạt động trên biển đã nắm thông tin, dự báo hướng đi, vùng ảnh hưởng của cơn bão số 3. Trong sáng 5/9, các bến bãi trên địa bàn đã sắp xếp, hướng dẫn cho 5 tàu thuyền ngoại tỉnh (56 lao động) vào neo đậu, trú tránh bão.
Theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh TT-Huế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải Huế đã tăng cường thời lượng thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng còn hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 3.
Lực lượng chức năng đã tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn hoạt động trên biển biết diễn biến của bão số 3 để thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Sở Thông tin và Truyền thông TT-Huế đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức diễn tập công tác bảo đảm an bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các thông tin về dự báo, cảnh báo, chỉ đạo ứng phó với thiên tai.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của mưa bão, các địa phương, đơn vị tại TT-Huế đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
Hai huyện miền núi dễ bị chia cắt, cô lập do bão lũ là Nam Đông và A Lưới đã chủ động dự trữ tại chỗ các mặt hàng thiết yếu như mì ăn liền, xăng dầu, nước uống đóng chai... để phục vụ người dân.
Các địa phương, ban ngành đã vận động người dân chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu bảo đảm dùng liên tục từ 7-10 ngày khi có thiên tai, lụt bão xảy ra. UBND các huyện, thị xã, TP. Huế đã tổ chức rà soát phương án di dời dân ứng phó với mưa bão, nước dâng do bão lũ.
Theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi bão số 3 với cường độ mạnh ảnh hưởng đến TT-Huế, trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có 13.510 hộ dân, với 46.073 nhân khẩu, được di dời đến nơi an toàn.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế còn yêu cầu Sở Du lịch chỉ đạo các cơ sở dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí ven biển, sông, suối, các khu du lịch cắm trại, dã ngoại ngoài trời... có phương án đảm bảo an toàn cho du khách trước khi bão đến và mưa lớn.
Các chủ đầu tư phải chỉ đạo nhà thầu thi công công trình xây dựng, thủy lợi, giao thông trọng điểm ven biển như cầu vượt cửa biển Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây… kiểm tra công tác đảm bảo an toàn máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện đề phòng gió mạnh, sóng lớn, nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối về tài sản, tính mạng công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động khi xảy ra mưa bão.
Tỉnh Nghệ An ra công điện khẩn ứng phó với bão số 3
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An , Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã ký ban hành công điện hỏa tốc về việc khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3 năm 2024.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh; Giám đốc các Sở, ban ngành; Chủ tịch các huyện thành thị và các đơn vị liên quan triển khai công tác ứng phó bão số 3 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Trong đó, yêu cầu Sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến bão , mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Đối với tuyến biển, cần rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết để không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn. Các đơn vị chức năng sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống. Kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão vào.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển cần chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người. Chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Chủ tịch tỉnh Nghệ An yêu cầu Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; Yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT theo dõi sát tình hình bão, lũ; chủ động chỉ đạo, triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản; Sở Công Thương chủ động chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ.
Yêu cầu Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo, phối hợp, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.
Tính đến ngày 4/9, số tàu thuyền đang neo đậu tại bến là 1.926 phương tiện với hơn 8,5 nghìn lao động. Số phương tiện đang hoạt động trên biển là 907 phương tiện với hơn 5 nghìn lao động. Hiện nay, Nghệ An không có tàu cá hoạt động trên vùng biển nguy hiểm. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của Bão số 3.
Các công trình do các Công ty TNHH Thủy lợi quản lý có 9 hồ đầy nước; 18 hồ có mực nước trên 70%; 23 hồ có dung tích từ 50-70%, 53 hồ có dung tích <50%.