Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, đến nay, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp cơ bản đi vào nề nếp, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, tạo điều kiện hơn cho học sinh nhiều cơ hội lựa chọn ngành học.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi
Để Kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2022 được triển khai an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi.
Theo đó, Bộ GD&ĐT trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh ĐH, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; chịu trách nhiệm về đề thi; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi và tuyển sinh ĐH, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức thi, tuyển sinh ĐH, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính thống nhất toàn quốc bảo đảm chính xác, an toàn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra thi và tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH công bố công khai đề án, phương thức tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tuyển sinh bảo đảm công bằng, minh bạch; điều động, phân công viên chức, giảng viên tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tại các địa phương theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Không để thí sinh nào phải bỏ thi vì khó khăn
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi của địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc gồm: Chất lượng việc tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi tại địa phương; bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức Kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng, chống dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự, xây dựng phương án tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19.
Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân của thí sinh ở tất cả các điểm thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh tham dự thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hoặc đi lại khi dự thi.
Trường hợp phát sinh tình huống bất khả kháng cần xử lý kịp thời, phù hợp thực tế, bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh. Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của Thanh tra Chính phủ bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế.
Chỉ thị cũng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị cùng phối hợp thực hiện các giải pháp tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, an ninh, tạo thuận lợi cho thí sinh và người nhà.
Theo Bộ GD&ĐT, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ được tổ chức từ ngày 6-9/7 với 5 bài thi, trong đó, ngày 6/7 thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi; ngày 7-8/7 thí sinh dự thi các môn và ngày 9/7 là ngày thi dự phòng.