Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn.
Nhìn lại công tác xét tuyển đại học năm 2022, Bộ GD-ĐT có những đánh giá gì? Bức tranh điểm chuẩn đại học năm nay có sự chênh lệch ra sao giữa các ngành, các phương thức xét tuyển? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn dành cho phóng viên VOV2 cuộc phỏng vấn liên quan đến vấn đề này.
Bộ Giáo dục-Đào tạo không làm phức tạp vấn đề tuyển sinh
PV: Thưa Thứ trưởng, hệ thống xét tuyển đại học năm nay phải xử lý cơ sở dữ liệu rất lớn. Vậy đến thời điểm, Bộ GD-ĐT có đánh giá gì về kết quả xét tuyển?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Nếu như các năm trước, hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT chỉ hỗ trợ các trường xử lý lọc ảo đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng năm nay đã mở rộng lọc ảo đối với tất cả các phương thức, tổ hợp xét tuyển. Về mặt thuật toán không thay đổi. Tôi cũng xin nhấn mạnh, hệ thống không phải là xét tuyển chung mà chỉ hỗ trợ thí sinh đăng ký, xử lý nguyện vọng (NV) theo thứ tự ưu tiên.
Bên cạnh đó, năm nay hệ thống xét tuyển mở rộng thêm chức năng cung cấp dữ liệu kết quả học tập THPT của thí sinh cho các trường đại học; Cho phép thí sinh thanh toán trực tuyến cũng như xác nhận nhập học trực tuyến.
Về cơ bản đến nay hệ thống hoạt động trơn tru và tương đối ổn định. Hệ thống mang lại nhiều kết quả tích cực như: Thí sinh được quyền lựa chọn nguyện vọng mình ưu tiên; Các trường tập trung dữ liệu để có được kết quả trúng tuyển từ hệ thống; Bộ GD-ĐT có được cơ sở dữ liệu thống nhất, minh bạch trong toàn hệ thống và khắc phục nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý.
Dĩ nhiên trong quá trình chạy hệ thống cũng có những trục trặc nhất định như buổi đầu tiên thí sinh xác nhận nhập học có xảy ra hiện tượng hiển thị thông tin trúng tuyển lặp lại. Lỗi này được khắc phục ngay sau đó và không ảnh hưởng đến kết quả trúng tuyển của thí sinh; Việc thanh toán lệ phí trực tuyến ban đầu cũng gặp một số vấn đề nhưng sau khi kéo dài thời gian và phân luồng thanh toán đã khắc phục tình trạng nghẽn, quá tải…
Ngoài ra, do có quá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau đưa vào hệ thống nên trong quá trình đăng ký xét tuyển thí sinh có sự nhầm lẫn trong việc sắp xếp NV. Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn để tổ kỹ thuật, các trường đại học sửa các lỗi nhầm lẫn, sai sót đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp đăng ký nhầm nguyện vọng, đăng ký nhầm mã ngành rất khó xử lý vì không thể xác định được đây là sự nhầm lẫn hay thí sinh muốn thay đổi NV.
Về tổng thể việc tổ chức xét tuyển năm nay có sự chuyển đổi rất mạnh về mặt công nghệ; Đảm bảo quyền lợi thí sinh và giảm lượng thí sinh ảo; Góp phần cho việc thúc đẩy chuyển đổi số - một ví dụ tiêu biểu để chúng ta có những bước tiếp theo trong việc chuyển đổi số trong quản lý giáo dục đại học và giáo dục nói chung.
PV: Cụ thể với kết quả xét tuyển đến thời điểm này, tỷ lệ thí sinh ảo có giảm như đúng kỳ vọng, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Có thể vẫn có tỷ lệ ảo nhất định do thí sinh trúng tuyển nhưng cuối cùng lại không xác nhận nhập học vì NV trúng tuyển không phải là NV1 mà chỉ là trúng tuyển ở các nguyện vọng 3, 4…
Thứ hai có thể khi trúng tuyển nhưng ngành học có mức học phí quá cao thí sinh không đủ điều kiện để theo học nên các em không xác nhận nhập học và chờ cơ hội xét tuyển bổ sung. Tất cả điều này sẽ được Bộ GD-ĐT tổng hợp, phân tích sau khi có dữ liệu đầy đủ.
Tuy nhiên, chỉ trong 3 ngày đầu tiên tổ chức cho thí sinh xác nhận nhập học (18/09, 19/09, 20/9) đã có 72,41% thí sinh xác nhận nhập học. Như vậy chỉ 3 ngày đầu cho thấy tỷ lệ ảo đã giảm mạnh so với nhiều năm.
PV: Việc tổ chức xét tuyển đại học năm nay như khẳng định của Thứ trưởng là có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT quá ôm đồm và ít nhiều làm giảm quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường. Quan điểm của Bộ thế nào?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Khi Bộ GD-ĐT xây dựng hệ thống xét tuyển không nằm ngoài mục đích nào khác để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của thí sinh và nếu làm tốt việc này cũng đảm bảo quyền lợi cho các trường. Nếu thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn thì các trường cũng có cơ hội tuyển sinh tốt hơn, phù hợp hơn.
Ở góc độ quản lý mặc dù các trường có quyền tự chủ trong việc đưa ra các phương thức xét tuyển nhưng Bộ GD-ĐT có cơ sở dữ liệu đầy đủ vể tình trạng thí sinh đăng ký NV; Kết quả trúng tuyển ra sao? Xác nhận nhập học như thế nào? Trên cơ sở dữ liệu đó, Bộ sẽ có những phân tích, nhận định để làm tốt hơn công tác quản lý và hỗ trợ các trường trong việc đưa ra phương thức xét tuyển phù hợp, công bằng và đảm bảo chất lượng.
Nếu như các trường có nhiều phương thức xét tuyển phức tạp, không đảm bảo quyền lợi, sự công bằng giữa các thí sinh hoặc xét tuyển vượt số lượng chỉ tiêu theo quy định thì Bộ có căn cứ và công cụ để điều chỉnh việc này.
Dĩ nhiên với cách làm này sẽ khiến các trường bớt tự do hơn trong một số trường hợp nhưng quyền tự chủ của các trường Bộ GD-ĐT hoàn toàn tôn trọng.
Năm 2022, Bộ GD-ĐT tổ chức lọc ảo tất cả các nguyện vọng, phương thức xét tuyển trên cùng một hệ thống.
Cũng có ý kiến cho rằng, hệ thống xét tuyển của Bộ phức tạp và ngay cả việc xác nhận nhập học trên hệ thống chung là không cần thiết. Tuy nhiên, đây là một bước quan trọng trong một quy trình. Việc thí sinh đăng ký một NV và xác nhận nhập học theo NV đó là điều rất quan trọng đối với chính các em. Hệ thống phần mềm cũng phải xây dựng để đảm bảo những bước cần thiết như xác thực, xác nhận nhằm giảm thiểu rủi ro cho thí sinh, không để các em đưa ra một quyết định quá nhanh chóng mà không có xác nhận.
Tóm lại, Bộ GD-ĐT xây dựng và nâng cấp hệ thống phần mềm để hỗ trợ các trường, hỗ trợ thí sinh và chỉ yêu cầu làm đúng các bước cần thiết chứ không làm phức tạp vấn đề.
Điểm chuẩn chỉ chênh lệch 0,1 không nói lên được sự phân hóa thí sinh
PV: Thưa thứ trưởng, điểm chuẩn trúng tuyển đại học dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay không xảy ra hiện tượng điểm chuẩn tuyệt đối 30/30 hoặc trên 30 điểm. Nhưng vẫn có hiện tượng điểm chuẩn gần như tuyệt đối ở một số trường, một số ngành. Điều này gây ra ý kiến trái chiều trong dư luận, quan điểm của Bộ thế nào?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Nói mặt bằng điểm chuẩn năm nay là cao thì không đúng mà có sự phân hóa mạnh. Có những ngành điểm chuẩn tăng cao nhưng cũng có ngành điểm chuẩn giảm rất nhiều.
Ở đây những ngành nào chỉ tiêu ít nhưng số lượng thí sinh đăng ký đông thì đương nhiên điểm chuẩn phải cao. Đặc biệt những ngành nhu cầu xã hội nhiều như Công nghệ thông tin, Kinh tế, Quản lý… điểm chuẩn của những ngành này lúc nào cũng cao chứ không riêng gì năm nay. Gần đây một số ngành Khoa học xã hội, Sư phạm điểm chuẩn tăng lên thì cũng có lý do như sư phạm được hỗ trợ học phí, nhu cầu xã hội tăng…
(Thủ khoa khối C00 của cả nước đạt 29,75 điểm trong khi điểm chuẩn có ngành lấy 29,95).
Vấn đề cần bàn ở đây là vì sao điểm chuẩn cao đến mức vượt trên cả điểm thủ khoa. Điều này Bộ GD-ĐT đã phân tích và cảnh báo từ trước. Một trong những lý do là liên quan tới việc cộng điểm ưu tiên chưa thực sự công bằng đối với những ngành có tính cạnh tranh cao. Những ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhưng chỉ tiêu ít thì khi điểm chuẩn bị đẩy lên cao như vậy rõ ràng điểm cộng ưu tiên dù là 0,1 – 0,2 đã rất quan trọng chưa nói tới việc có thể được cộng tối đa tới 2,75 điểm.
Về điều này Bộ GD-ĐT đã có dự thảo điều chỉnh việc cộng điểm ưu tiên và nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Sau khi tính toán chúng ta có sự thống nhất là việc điều chỉnh này cần có một độ trễ nhất định nên việc áp dụng sẽ từ năm 2023. Nếu áp dụng ngay từ năm 2022 chắc chắn sẽ không có hiện tượng điểm chuẩn cao đến vậy.
Một vấn đề nữa, đối với ngành có điểm chuẩn cao, một thí sinh đạt 29,5 điểm và một thí sinh đạt 29,6 điểm liệu nó tạo ra sự khác biệt lớn về chất lượng thí sinh hay không? Chúng ta biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây được thiết kế để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT chứ không phải là kỳ thi THPT Quốc gia như trước nữa. Nó đáp ứng yêu cầu đánh giá kết quả học tập thí sinh sau 12 năm học, trong đó tập trung đánh giá kiến thức, năng lực cấp THPT, đặc biệt lớp 12 làm căn cứ để xét tốt nghiệp. Kỳ thi cũng nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh, phương pháp, chất lượng dạy của các trường, các địa phương.
Dù muốn hay không kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có thể sử dụng làm căn cứ để xét tuyển. Thực tế hiện nay nhiều trường còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác như xét tuyển học bạ nên việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển cũng là điều hết sức bình thường.
Tuy nhiên, đối với những ngành có tính cạnh tranh cao, việc sử dụng kết quả học bạ hay kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể chưa đảm bảo tính phân loại. Nó dẫn tới hiện tượng chênh lệch điểm chỉ 0,1- 0,2 và sự chênh lệch này chưa nói lên nhiều điều về sự phân hóa trình độ thí sinh; Chưa đảm bảo sự công bằng hoặc lựa chọn được thí sinh thực sự phù hợp với những ngành có sự cạnh tranh cao, những ngành có tính chuyên biệt về năng lực, kỹ năng…
Hiện nay, một số trường đã xét tuyển dựa trên những kỳ thi đánh giá năng lực; Xét tuyển kết hợp phỏng vấn… Đối với những ngành có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi năng lực chuyên biệt, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tổ chức kỳ thi bổ sung hay có phương pháp, phương thức xét tuyển đảm bảo tính phân loại cao hơn, đánh giá năng lực chuyên biệt tốt hơn.
PV: Một trong những lý do khiến điểm chuẩn một số trường, một số ngành bị đẩy lên cao vì các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Trong đó nhiều trường ưu tiên và dành chỉ tiêu đáng kể cho việc xét tuyển kết hợp, xét tuyển căn cứ vào các chứng chỉ ngoại ngữ, đánh giá năng lực quốc tế và giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT, điều này có gây ra sự bất bình đẳng trong tuyển sinh, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Điều này ở một số trường và một số ngành là có cơ sở. Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy điều này khi các trường mở rộng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, đặc biệt là những phương thức xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập THPT (học bạ), xét tuyển kết hợp… khó đảm bảo sự công bằng tương đối chứ chưa nói đến sự tuyệt đối.
Cụ thể với một ngành mà cơ sở đào tạo đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khó đảm bảo sự công bằng khi các trường đặc biệt là các trường khi phân bổ chỉ tiêu ngay từ đầu. Điều này đã được Bộ GD-ĐT cảnh báo và đưa vào quy chế năm 2022 là yêu cầu giữa các phương thức, hình thức xét tuyển phải đảm bảo sự công bằng; Việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức phải phù hợp và các cơ sở đào tạo phải giải trình được lý do phân bổ chỉ tiêu cũng như quyết định điều kiện trúng tuyển của các phương thức.
Danh mục 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2022.
Các cơ sở đào tạo phải đánh giá được việc xét tuyển giữa phương thức chất lượng học tập của sinh viên sau này như thế nào để từ đó có sự điều chỉnh. Bộ GD-ĐT cũng sẽ phân tích dữ liệu để chỉ ra sự bất hợp lý.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy, đối với những phương thức xét tuyển sớm nếu các trường đặt ra chuẩn đầu vào cao thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu xét tuyển sớm mà chuẩn đầu vào không cao bằng hoặc thấp hơn xét tuyển sau thì thí sinh sẽ bị thiệt thòi cũng như tạo ra sự chênh lệch giữa các phương thức xét tuyển.
Vì vậy chúng tôi khuyến cáo sau khi phân tích dữ liệu, các trường cần có sự cân nhắc để các phương thức xét tuyển không có sự chênh lệch lớn hay là có sự bất thường.
Đối với phương thức xét tuyển kết hợp các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế hay năng lực ngoại ngữ quốc tế… điều này tùy thuộc vào từng ngành, từng lĩnh vực và yêu cầu của mỗi trường. Bộ chỉ yêu cầu trong quy chế là các trường phải giải trình được việc sử phương thức xét tuyển này có đánh giá được năng lực hay sự phù hợp của thí sinh đối với ngành học, chương trình học đấy hay không? Thứ hai là có đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển hay không? Trường phải giải trình với xã hội, với người học điều này. Bộ GD-ĐT cũng sẽ phân tích dữ liệu, chỉ ra những trường hợp bất hợp lý một cách rõ ràng và sẽ làm việc với từng trường. Còn đối với từng ngành, từng trường việc đưa ra phương thức tuyển sinh thế nào là quyền tự chủ các trường.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.