Chưa thực hiện phân tầng tốt
Chiều 31/7, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về công tác chống dịch COVID-19.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên ở cộng đồng vào ngày 28/6, đến nay đã ghi nhận 1.363 ca. Số ca đang điều trị là 1.301 ca. Hiện nay, số ca mắc COVID-19 mới ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ yếu ở trong khu phong tỏa và cơ sở cách ly tập trung.
"Trên địa bàn có 40 chuỗi lây nhiễm liên quan đến các ca mắc COVID-19", ông Nguyễn Văn Lên, Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói.
Sau 12 ngày thực hiện Chỉ thị 16, ngành y tế Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định số người nhiễm COVID-19 phát hiện nhanh và nhiều, đều đã nằm trong diện kiểm soát được. Số ca mắc mới ngoài cộng đồng đã giảm hẳn. Dự báo trong những ngày tới số ca nhiễm COVID-19 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tăng nhưng không có đột biến.
Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập 8 bệnh viện điều trị COVID-19, với tổng số giường bệnh là 1.402. Tỉnh có 7 hệ thống xét nghiệm và đang thực hiện tối đa là 2.450 mẫu đơn/ngày, xét nghiệm mẫu gộp được 24.500 mẫu/ngày. Tuy nhiên, ông Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu lo lắng, trong những ngày gần đây số bệnh nhân diễn biến nặng tăng nhanh và đề nghị Bộ Y tế cử chuyên gia về hỗ trợ.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, qua khảo sát nhanh một số cơ sở điều trị, Bà Rịa-Vũng Tàu chưa thực hiện phân tầng tốt, đặc biệt là tầng 1 và tầng 2 theo mô hình tháp điều trị 3 tầng của Bộ Y tế. Ngành y tế cần phải chấn chỉnh ngay việc này.
Bà Rịa-Vũng Tàu chưa thực hiện phân tầng tốt, đặc biệt là tầng 1 và tầng 2 theo mô hình tháp điều trị 3 tầng của Bộ Y tế.
"Cần huy động bệnh viên ngoài công lập tham gia cùng với y tế công lập tầng 2. Tỉnh có Bệnh viện Vũng Tàu rất mới vừa đưa vào sử dụng trong thời gian này, có thể thiết lập ở đây 100 giường hồi sức tích cực, nhưng cũng cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng. Bà Rịa-Vũng Tàu phải giữ vững nguyên tắc không để bệnh nhân ra viện tầng 3", ông Hiếu nói.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lo ngại về số giường bệnh điều trị của Bà Rịa-Vũng Tàu hiện đã đạt gần 80%. Với số người nhiễm tiếp tục tăng, chẳng bao lâu sẽ lấp đầy số giường còn lại. Ông Khoa đề nghị, tỉnh cần nhanh chóng thiết lập thêm bệnh viện dã chiến để thu nhận bệnh nhân.
Dịch đang ở nguy cơ rất cao
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa -Vũng Tàu Phạm Viết Thanh nói, ngay đầu tuần tới, Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành quyết định cho thí điểm cách ly F1 tại nhà. Tỉnh có rất nhiều khách sạn đủ điều kiện thực hiện cách ly và sẽ công khai số điện thoại của hệ thống khách sạn, người dân đủ điều kiện sẽ được cách ly ở khách sạn hoặc ở nhà.
"Bà Rịa-Vũng Tàu luôn tạo điều kiện tốt nhất cho ngành y tế trong chống dịch, đặc biệt là về trang thiết bị và vật tư y tế. Nếu ngành y tế hỏi, tỉnh không bao giờ nói thiếu", ông Thanh nói.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, dịch COVID-19 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang ở nguy cơ rất cao, vì vậy lãnh đạo tỉnh quán triệt từ tỉnh đến xã, phường không được chủ quản.
Khu điều trị tích cực của Bệnh viện Vũng Tàu đang được khẩn trương hoàn thiện.
"Thời gian này cần tranh thủ tối đa bóc tách người nhiễm COVID-19 ra khỏi cộng đồng, phải có chiến lược xét nghiệm phù hợp. Tôi giao Viện Pasteur TP.HCM đào tạo về nhân lực, chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm, đánh giá để đưa công suất xét nghiệm của tỉnh phải nâng lên", ông Thuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, các khu công nghiệp, nhà trọ ở Bà Rịa-Vũng Tàu cần có kế hoạch xét nghiệm sàng lọc. Cố gắng phải giữ được an toàn cho nhà máy, công ty. Thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" nhưng các điều kiện sản xuất an toàn trong COVID-19 đúng quy định của Bộ Y tế.
Về điều trị, Bà Rịa-Vũng Tàu cần tập huấn, đào tạo liên tục cho thầy thuốc tuyến dưới qua hệ thống Telehealth, chú ý phân tầng đúng, chuyển tầng đúng. Thực hiện đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phải đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện ICU 100 giường.
Xét nghiệm chưa hiệu quả
TS. Hoàng Quốc Cường, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, với 7 hệ thống xét nghiệm RT-PCR mà Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ xét nghiệm được 2.450 mẫu đơn/ngày là quá ít. Có thể do cách sắp xếp, bố trí nhân lực chưa tốt hoặc còn sử dụng nhiều biện pháp thủ công.