Khán giả xem truyền hình các trận đấu của EURO 2020 đều có thể thấy, hầu như tất cả các đội tuyển tham dự giải đều nhiệt thành hát Quốc ca cùng dàn "fan" hâm mộ trước, hoặc cả sau khi trận đấu diễn ra, như tuyển Hungary. Hát Quốc ca đã trở thành một màn trình diễn ngoạn mục mang đậm tinh thần dân tộc và ý chí của mỗi đội. Nhưng lạ thay, đội Tây Ban Nha thì không.
Các ngôi sao của “La Roja” thường dựa vào nhau, lặng thinh, cùng lắm chỉ lẩm nhẩm trong miệng, và nghe Quốc thiều của đất nước mình. Tất nhiên, họ không hát không phải vì không muốn hát, hoặc không phải vì Quốc ca Tây Ban Nha (Himno Nacional de España) không có lời, mà có lý do của nó.
Cần biết rằng “Marcha Real” (Hành khúc Hoàng gia) là một trong những khúc ca dân tộc lâu đời nhất của Châu Âu và có nguồn gốc không rõ ràng. Tương truyền, bài ca khởi nguồn từ bản hành khúc của những người ném lựu đạn (La Marcha Granadera), sau khi vào năm 1761, Manuel de Espinosa - một nhạc sĩ, người chơi kèn ô-boa - đã biên soạn một danh mục mang tên “Sách Bộ binh Tây Ban Nha về các Kèn lệnh Quân đội”.
Tuy nhiên, phải đến năm 1770, Quốc vương Carlos Đệ tam mới nâng tầm “La Marcha Granadera” trở thành “Hành khúc Nghi lễ” và do đó, bản nhạc được chơi ở những dịp công khai mang tính nghi thức. Vì được vang lên tại những sự kiện công khai với sự hiện diện của Hoàng gia nên dân Tây Ban Nha coi nó là Quốc ca và gọi bằng cái tên “La Marcha Real”.
Dưới thời Cộng hòa Tây Ban Nha đệ nhị (1931 - 1939), một ca khúc có từ năm 1820 mang tựa đề “El Himno de Riego” được sử dụng làm Quốc ca, tuy nhiên, khi Nội chiến kết thúc, nhà độc tài Francisco Franco lại tuyên bố “La Marcha Real” là Quốc ca trở lại, dưới tên cũ “La Marcha Granadera”. Khi đó, Franco có đặt viết một lời khác cho bài hát, nhưng bây giờ không ai còn muốn hát nó nữa.
Nhà soạn nhạc Francisco Grau được ủy thác để viết phiên bản hiện nay của Quốc ca sau khi Hiến pháp 1978 của nước này được thông qua. Tháng 10/1997, Quốc vương Juan Carlos I ra sắc lệnh điều chỉnh cách sử dụng “La Marcha Real” một cách chính thức như bài ca của quốc dân Tây Ban Nha.
Trở lại vấn đề lời bài hát, có thể lấy ví dụ hai nước Đức và Nga, hiện tại đã bỏ lời cũ, không thích hợp thời Đức quốc xã hoặc Stalin, và viết lại lời mới. Tuy nhiên, Tây Ban Nha tới giờ vẫn chưa tìm được lời ca nào xứng đáng cho bài ca dân tộc và làm quên đi những ca từ theo hơi hướng cổ động thời kỳ Franco, ca ngợi một “Tây Ban Nha chiến thắng”, và cùng nhau đứng hát “cuộc đời mới tràn đầy công việc và sự bình yên”.
Nói đúng hơn, Quốc ca Tây Ban Nha cũng có một lời của nhà soạn kịch, nhà thơ Eduardo Marquina, nhưng người dân xứ này không hài lòng và muốn một ca từ hay hơn. Năm 2008, khi chuẩn bị cho kỳ Thế vận hội mùa hè ở Bắc Kinh, một ủy ban đã được thành lập gồm các sử gia, nhà nghiên cứu sử nhạc, nhà văn, luật sư và nhà vô địch Olympic để soạn ra một lời ca mới mà tất cả “con dân” nước này đều đồng lòng hát vang.
Rốt cục, gần 7 ngàn lời ca được gửi về và trong số đó, bài thơ của Paulino Cubero (52 tuổi) - một thường dân sinh sống ở thủ đô Madrid và khi đó đang thất nghiệp đã được lựa chọn. Dầu vậy, nhiều người vẫn cho rằng lời ca này “chưa đạt”, và có gì đó nhắc nhớ dân Tây Ban Nha về những năm tháng đen tối của nền độc tài Franco, chứ chưa khiến toàn dân có thể tự hào và ngẩng cao đầu khi hát.
Cho dù tác giả của nó đã thanh minh rằng ông phải đưa vào bài thơ một câu “hãy cùng nhau cất tiếng ca, ngàn âm thanh nhưng với một trái tim”, nhưng dân Tây Ban Nha vẫn thường lặng im, hoặc cùng lắm là lẩm nhẩm khi bản Quốc ca vang lên, kể cả khi vào năm 2010, khi tuyển nước này không chỉ giành vé tham dự kỳ World Cup tại Nam Phi, mà còn chiến thắng tuyển Hà Lan để có được chức vô địch World Cup đầu tiên trong lịch sử của mình.