Thời khan hiếm việc làm ở Trung Quốc: Du học sinh cũng khốn đốn, cạnh tranh khốc liệt với cử nhân trong nước

Đ.L, Theo Helino 00:27 01/03/2019

Hiện giờ, từ "du học sinh" không còn được người Trung Quốc quá đề cao như họ đã từng.

Theo SCMP, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, khiến giới chức lo lắng hơn về viễn cảnh thị trường việc làm trong tương lai. Bởi vì, đảm bảo được số đầu công việc ổn định cũng chính là yếu tố giúp xã hội bền vững. Trong bối cảnh như thế, tìm kiếm việc làm ở Trung Quốc đang là bài toán khó với tất cả người trẻ, bao gồm cả du học sinh.

Từ câu chuyện của Peter Chen - một hoàn cảnh dễ bắt gặp của các du học sinh Trung Quốc

Một ngày thứ Tư đầu tháng 1/2019, khi đồng hồ điểm 11 giờ tối cũng là lúc Peter Chen vừa hoàn thành công việc tại văn phòng Bắc Kinh. Anh đã nghiên cứu suốt từ 10 giờ sáng hôm ấy về công nghệ tự lái.

Chen là người gốc Vân Nam, lấy bằng cử nhân và thạc sĩ ngành khoa học máy tính ở Hồng Kông, vừa trở về nước. Chưa kịp mừng, anh nhận ra chặng đường gian nan chỉ vừa mới bắt đầu.

Thời khan hiếm việc làm ở Trung Quốc: Du học sinh cũng khốn đốn, cạnh tranh khốc liệt với cử nhân trong nước - Ảnh 1.

Ngoại trừ tiếng Anh, ở các mặt khác, cử nhân đại học ở Trung Quốc có thực lực không thua gì du học sinh (Ảnh: Xinhua)

Peter Chen đầu tư khởi nghiệp một ứng dụng du lịch nhưng thất bại ngay từ giai đoạn thai nghén. Kế đó, anh rẽ hướng, dành thời gian đôi ba năm mày mò về các phương tiện tự động - một trong những xu hướng công nghệ mới. Cuối cùng Chen gia nhập một tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc.

Đó là một dấu mốc thành công của tuổi trẻ, nhưng cũng đi kèm với hàng loạt nỗi đau mà chỉ người trong cuộc mới "thấm". Chen làm việc nhiều giờ liền với mức lương thấp. Thu nhập hàng tháng chỉ đạt phân nửa kì vọng, còn mỗi ca làm kéo dài đến 13 giờ. Bộ phận của Chen gồm tất cả 30 người - đều là tinh anh nhưng cũng đành chấp nhận khoảng thời gian vào nghề vất vả như thế. Đáng nói hơn, trong nhóm chỉ có 5 du học sinh, 25 người còn lại tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc.

Làm việc với những người này luôn khiến Chen phải suy nghĩ. "Tôi tự hỏi lợi thế của du học sinh thực sự là gì. Nói về sự hiểu biết công nghệ, những người tốt nghiệp ở đại lục không hề thua kém, thậm chí còn nhỉnh hơn du học sinh do họ đã luôn phải cạnh tranh gay gắt ở đất nước tỷ dân này", Chen cho biết.

Những trăn trở của Peter Chen cũng là tình cảnh mà hàng loạt du học sinh Trung Quốc phải đối mặt khi trở về nước.

Đến bức tranh toàn cảnh đầy thách thức

Cách đây khoảng 40 năm, Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa, đài thọ cho học sinh đến phương Tây du học, mong muốn họ được tiếp thu công nghệ và cách thức quản lí mới.

Lứa đầu tiên được gửi đi là những cô cậu học sinh thông minh, cừ khôi nhất. Trên thực tế, một vài người trong số họ góp phần thành lập nên các tập đoàn công nghệ sừng sỏ của Trung Quốc như Sohu, Baidu hay Sina.

Thời ấy, chính 2 yếu tố "quý" và "hiếm" của những người được chọn làm du học sinh đã làm hình thành cách gọi thân thuộc dành cho họ ở Trung Quốc. Đó là "hải quy" - những chú rùa biển.

Thời khan hiếm việc làm ở Trung Quốc: Du học sinh cũng khốn đốn, cạnh tranh khốc liệt với cử nhân trong nước - Ảnh 2.

(Ảnh: SCMP)

Chậm mà chắc, các chú rùa kiên cường bơi ra biển lớn. Rồi khi đã trưởng thành, rùa lại băng qua cả một đại dương mênh mông để quay về. "Hải quy" vốn dĩ là danh từ chỉ những du học sinh với niềm tự hào và lòng ngưỡng mộ như vậy.

Nhưng khác với loài rùa biển trong tự nhiên bị đe dọa tuyệt chủng, "hải quy" du học sinh ở Trung Quốc đã không còn quý và hiếm như trước.

Khi nền kinh tế phát triển, ngày càng có nhiều gia đình đủ điều kiện gửi con em ra nước ngoài. Trong khi đó, số người có bằng đại học trong nước cũng gia tăng, chất lượng giáo dục được đẩy mạnh. Ngoảnh đi ngoảnh lại, sau khoảng chục năm, mặt bằng ứng viên việc làm ở Trung Quốc đã nâng cao nhanh chóng, mà trong đó du học sinh đã không còn là "của hiếm" với ưu thế vượt trội.

Thời khan hiếm việc làm ở Trung Quốc: Du học sinh cũng khốn đốn, cạnh tranh khốc liệt với cử nhân trong nước - Ảnh 3.

Hơn 1/2 du học sinh Trung Quốc về nước nhận được mức lương chỉ bằng phân nửa kì vọng (Ảnh: Reuters)

Số liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, có đến 480.900 du học sinh Trung Quốc đã trở về nước tính riêng năm 2017, tăng 11,2% so với năm trước. Trong đó, gần một nửa có bằng thạc sĩ, cao hơn 15% so với năm 2016.

Theo một khảo sát độc lập vào đầu năm 2019 do website việc làm Liepin.com công bố, 80% du học sinh mong muốn mức lương của họ trên 200 nghìn tệ/năm (gần 700 triệu đồng). Nhưng thực tế là hơn một nửa số người được hỏi cho biết, họ chỉ kiếm được ít hơn 100 nghìn tệ/năm. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy du học sinh không còn "đắt giá" như trước.

Aurelien Rigard, đồng sáng lập công ty công nghệ IT Consultis ở Thượng Hải cũng bày tỏ: "Một vài năm trước, tôi sẽ nói du học sinh trở về nước là những ứng viên tốt hơn. Nhưng hôm nay, điều đó không còn đúng nữa. Tôi thực sự ấn tượng với chất lượng và tác phong làm việc của những tài năng trẻ được đào tạo tại quê nhà".

Ngoài ra, sau hàng chục năm, các tập đoàn được khai sinh ở Trung Quốc giờ đã đủ lớn mạnh để cạnh tranh "gắt" với những công ty đa quốc gia ngay trên sân nhà, thậm chí ở tầm quốc tế. Môi trường đó đủ sức cho bất kì ai vẫy vùng, miễn là có thực lực. Nhưng ngày càng nhiều công ty Trung Quốc ưa tuyển tài năng "nội địa" hơn, đơn giản là vì họ am hiểu văn hóa làm việc, thị trường và đã xây dựng mạng lưới mối quan hệ rộng rãi. Đó là những điều khiến cho du học sinh cảm thấy mình "bớt vượt trội" khi trở về nước trong những năm gần đây.

Thời khan hiếm việc làm ở Trung Quốc: Du học sinh cũng khốn đốn, cạnh tranh khốc liệt với cử nhân trong nước - Ảnh 4.

Du học sinh Trung Quốc hiện giờ lập nghiệp ở xứ người đã khó mà về nước cũng không dễ dàng (Ảnh: AFP)

Theo Bộ giáo dục Trung Quốc, trong suốt 40 năm kể từ khi việc du học bắt đầu phổ biến, tổng cộng có 3,13 triệu "chú rùa" bơi ra biển lớn, và 84% đã bơi về. Nhưng thời thế thay đổi, con đường về nhà không còn "xuôi chèo mát mái" như trước nữa. Thậm chí một số du học sinh còn nửa đùa nửa thật nói rằng, hành trình của những "hải quy" trở về nước khó như lội ngược dòng còn gặp cá lớn giành mồi - chính là những cử nhân tốt nghiệp trong nước nhưng đầy bản lĩnh, biết trau dồi ngoại ngữ và mở rộng đầu óc, cập nhật nhanh những xu hướng quốc tế.

(Theo SCMP)