Thường ngày vẫn gọi vui là boss với sen, nhưng xét cho cùng, mối quan hệ giữa người và vật khăng khít và gắn bó hơn thế. Bất chấp giống loài, bất kể kích cỡ, thói quen hay thời gian đôi bên dành cho nhau, vật nuôi luôn được xem là thành viên không thể thiếu trong một gia đình.
Sinh - lão - bệnh - tử, vạn vật trên đời đều không nằm ngoài quy luật ấy. Nhưng khi thành viên 4 chân ấy đang ở thời khắc cuối của cuộc đời, ai mà không đau lòng kia chứ?
Có thể chia chủ nuôi ra làm 2 loại: những người muốn có mặt trong phòng thú y khi các bác sĩ đang điều trị cho các boss, và những người không làm vậy. Dĩ nhiên, họ có lý do của riêng mình, và không ai có quyền trách cứ gì.
Tuy nhiên theo Evan Shaw - bác sĩ thú y tại Kansas (Mỹ), một người chủ thực sự cần phải ở lại khi vật nuôi đang bước vào thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình.
Sinh tử là chuyện trời định, nhưng đừng bỏ rơi thú nuôi vào thời khắc đó
Trong một bài viết mới của mình, bác sĩ Shaw thẳng thắn cho rằng khi quyết định nuôi một con vật, chúng ta cũng phải xác định luôn rằng thời điểm chúng ra đi là điều không thể tránh khỏi. Chẳng ai muốn nhắc đến, nhưng đó là quy luật của cuộc sống.
Chỉ là khi ấy, bạn buộc phải ở đó, vì đó là lúc vật nuôi cần bạn nhất.
"Đừng để thời khắc sinh tử của vật nuôi lại diễn ra trong một căn phòng toàn những người lạ mặt. Chẳng bé nào thích như vậy cả. Chúng sẽ đưa mắt tìm bạn, và bạn thì không ở đó."
"Hãy thử đặt mình vào vị trí của thú nuôi mà xem. Bạn sẽ nhận ra rằng chúng không hiểu vì sao bạn bỏ đi, vào thời điểm chúng mệt mỏi, sợ hãi, già nua, và đang cạn dần sinh lực."
Chúng cần bạn, vì chỉ có bạn - người ở bên chúng phần lớn thời gian trong đời, trải qua đau đớn, khổ sở cùng nhau - mới mang lại sự thoải mái cho tâm hồn. Đó chính là điểm chung không thể chối bỏ giữa người và vật, vì chúng ta cũng muốn nhìn thấy người mình yêu thương nhất vào thời khắc sinh tử.
Shaw cho biết, ông đã từng phải tự tay thực hiện cái chết nhân đạo cho vô số vật nuôi không còn cơ hội cứu chữa. Và trong phần lớn trường hợp như vậy, khách hàng đều tỏ ra hối tiếc.
"Chủ nuôi quay lại, và khi biết mình không thể ở bên thú cưng trong thời khắc cuối, họ thấy hối tiếc cùng cực. Tôi hiểu đó là một trải nghiệm khó khăn, nhưng sinh tử là điều không tránh khỏi, và chúng ta phải đối mặt với nó."
Theo Shaw, ai cũng có lý do của riêng mình. Nhưng hãy nghĩ lại trước khi để thú nuôi trong một căn phòng xa lạ mà rời đi. Sự có mặt của bạn khi đó là cực kỳ ý nghĩa.
Hãy nắm chặt tay chúng lần cuối, điều đó sẽ làm tâm trạng thú nuôi tốt lên, và xua tan phần nào cảm xúc đau đớn chúng đang phải chịu. Hãy yêu thương, sẽ chia với chúng khi bạn còn có thể.
Nuôi một con vật mang lại niềm vui rất lớn, nhưng đòi hỏi trách nhiệm đi kèm không hề nhỏ. Hãy nhớ lấy điều đó.