"Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi ..." là lời bài hát vốn rất nổi tiếng và quen thuộc trong bài hát Cát Bụi của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, thế nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: Mất bao lâu để cát bụi lại quay trở về làm cát bụi?
Nếu chưa thì hãy cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây:
Chúng ta đều biết rằng phân hủy là một quá trình mà trong đó các vật chất hữu cơ sẽ bị tan rã thành dạng vật chất đơn giản hơn. Có cả một ngành khoa học nghiên cứu về sự phân hủy (mồ học hay taphonomy) và nó đóng vai trò rất quan trọng trong pháp y.
Sự phân hủy ở những dạng vật chất khác nhau dưới những tác động khác nhau sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thời gian phân hủy của vật chất đó. Hình ảnh dưới đây là thời gian phân hủy của các vật thông dụng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Thời gian phân hủy cho từng loại rác thải sinh hoạt và hoàn toàn không qua bất cứ quá trình xử lý nào. Ảnh: Facebook/Baby.Health
Trong đó có một vật mà bạn sẽ cảm thấy khá bất ngờ với thời gian phân hủy của nó, đó là bỉm trẻ em (500 - 800 năm mới phân hủy hết!), thậm chí gấp nhiều lần thời gian phân hủy của một lon thiếc.
Bên cạnh tính tiện lợi rất lớn của bỉm là vừa tiện cho mẹ, vừa tốt cho bé, bỉm lại là một vật có "tuổi thọ" chẳng hề kém cạnh túi nylon là bao, nếu bị thải ra môi trường mà không được xử lý thì thật là tai hại.
Vậy tại sao một chiếc bỉm lại có thời gian phân hủy lâu như vậy?
Chiếc bỉm dùng một lần trông bên ngoài thì có vẻ có cấu tạo khá đơn giản nhưng thực chất lại khá phức tạp! Chúng cần khá nhiều vật liệu và hợp chất khác nhau để cấu tạo thành.
Cấu tạo 1 chiếc bỉm trẻ em. Ảnh: Amie
Trong đó đáng chú ý nhất là lớp ngoài cùng được làm bằng màng polyethylen, lớp bên trong, nơi sẽ tiếp xúc với da em bé lại được làm từ polypropylene (cũng được dùng trong đồ lót giữ nhiệt).
Đây là những hợp chất hữu cơ tổng hợp rất bền, là nguyên nhân chính khiến cho một chiếc bỉm trẻ em lại có thời gian phân hủy lâu như vậy!
Lựa chọn việc sử dụng túi nylon, túi giấy và túi vải như thế nào?
Theo bảng trên, chúng ta có thể thấy ngay rằng rác thải từ việc sử dụng túi nylon sẽ có thời gian phân hủy lâu hơn rất nhiều so với thời gian phân hủy của túi vải, còn việc sử dụng túi giấy có vẻ thân thiện với môi trường nhất.
Như vậy nhiều người sẽ cho rằng nên sử dụng túi vải hoặc giấy vì chúng không gây hại tới môi trường, thế nhưng thực tế lại ngược lại, thậm chí quá trình sản xuất túi vải và túi giấy còn gây ô nhiễm hơn nhiều lần so với túi nylon.
Nhưng, đối với túi vải, bạn phải sử dụng khoảng 171 lần nó mới thoát ra lượng CO2 tương đương với một chiếc túi nylon. Hơn nữa, túi vải vẫn có khả năng tái sử dụng nhiều lần (nhưng nhớ là hãy giặt sạch nếu không vi khuẩn có hại sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng).
Còn túi giấy - nếu không phải là nguồn giấy tái chế thì vẫn nên hạn chế, vì nguyên liệu sản xuất giấy là cây xanh và khả năng tái sử dụng túi giấy còn khá thấp.
Tóm lại dù sử dụng loại túi nào đi chăng nữa thì ý thức sử dụng hay phân loại rác, không vứt rác bừa bãi nhằm bảo vệ môi trường mới chính là yếu tố quyết định tới tác hại của các loại túi này tới môi trường.
Nguồn tham khảo: Sciencelearn, Sciencedirect