"Đến lượt, tôi bước tới chấm phạt đền. Một loạt ý nghĩ xuất hiện trong đầu tôi, rằng phải thật tự tin, không dao động, đừng nhìn vào thủ môn và không được phép thất bại.
Đột nhiên tôi cảm nhận sự yên tĩnh kỳ lạ ở sân vân động. Cả thế giới đang nhìn vào tôi. Và con đường trở nên dài vạn dặm. Rồi tôi cũng đến được chấm đá phạt, đặt bóng và liếc nhìn vào mục tiêu đã định: góc trái. Nhưng ngay lập tức, tôi nhận ra Andreas Kopke, thủ môn của Đức, hình như đã phát hiện ra. Tôi vội nhìn sang góc bên kia để tạo ấn tượng rằng sẽ sút vào đó. Thật không may, một lần nữa Kopke lại đọc được toan tính ấy.
Quá muộn để thay đổi. Nhưng tôi cũng không muốn mạo hiểm để tung ra cú sút mạnh hoặc vào góc vào góc cao hay xa. Trong sự căng thẳng, pha dứt điểm của tôi quá nhẹ và gần. Kopke dễ dàng cản phá. Tôi ôm đầu và tự hỏi, mình đã làm gì thế này?".
Đó là câu chuyện của Gareth Southgate vào năm 1996, khi tiền vệ của Aston Villa đá hỏng quả phạt đền thứ 6, khiến Anh dừng chân ở bán kết Euro. Sự kiện đó đã không thôi ám ảnh ông.
Trong một thời gian dài, penalty còn là nỗi ám ảnh chung của cả nước Anh. Cứ mỗi giải đấu lớn, nếu phải phân định thắng thua trên chấm phạt đền, kết cục được dự đoán từ trước: Tam sư là đội thất bại.
World Cup 1990, 1998 và 2006, Euro 1996, 2004 và 2012, nước Anh đều kết thúc giấc mơ trên chấm phạt đền. Từ cầu thủ nổi tiếng bản lĩnh như Stuart Pearce, Paul Ince tới những kẻ có thừa sự tự tin như Ashley Cole, Jamie Carrager hay các chuyên gia đá phạt như David Beckham, Steven Gerrard, Frank Lampard đều trở thành tội đồ, giống Southgate.
Tuy nhiên lịch sử đã thay đổi vào đêm thứ Ba, tại Otkritie Arena. Như 22 năm trước, Southgate lại sống trong những giây phút căng thẳng tột độ. Thậm chí bây giờ, sức ép còn khủng khiếp hơn bởi với tư cách HLV, ông là người chịu trách nhiệm chính, nhưng chỉ có thể từ xa và cầu nguyện.
Khi Jordan Henderson dứt điểm hỏng ăn, bóng ma thất bại hẳn đã len lỏi vào tâm trí Southgate. Còn với người Anh, có vẻ như họ đã sẵn sàng để đau khổ thêm lần nữa.
Nhưng đêm nay là một đêm khác thường. Lần đầu tiên tại World Cup, Tam sư hưởng niềm vui chiến thắng sau loạt đá luân lưu. Jordan Pickford xuất sắc. Và Eric Dier xuất sắc. Marcus Rashford, Kieran Trippier cũng vậy.
Một điều gì đó đã thay đổi. Tam sư ngày nay không có nhiều tên tuổi lớn và là tập hợp của những cầu thủ ít kinh nghiệm. Nhưng họ bản lĩnh hơn. Và học được cách sống dưới áp lực.
Trước cú đá quyết định, Dier đứng dưới sức ép ngàn cân, tương tự những gì Southgate đã trải qua. Tiền vệ 24 tuổi chắc cũng nhận ra David Ospina không phải kẻ ngốc. Thủ môn của Colombia sớm nhìn thấu kế hoạch của tuyển Anh, với 3 cú dứt điểm thành công trước đều nhắm vào góc trái khung thành để đổ người theo hướng đó.
Giống ông thầy trong quá khứ, Dier không thay đổi ý định. Điểm mấu chốt là tiền vệ của Tottenham không hề sợ hãi, tự tin tung ra cú sút quyết đoán vào góc xa. Và anh ta đã thành công để trở thành người hùng.
Eric Dier - người hùng của Tam sư trong trận đấu gặp Colombia vừa qua.
Tâm lý thoải mái cũng có thể thấy ở những cầu thủ khác. Trong thời gian chờ đợi để bước vào loạt sút luân lưu, các cầu thủ Tam sư vẫn nở nụ cười. Có cảm giác như họ nô đùa với áp lực. Và thế hệ trẻ của tuyển Anh rất tự tin vào năng lực bản thân.
Như Rashford trước trận đấu đã thẳng thắn thừa nhận, anh chưa từng thực hiện một cú penalty nào trong sự nghiệp. "Nhưng nếu phải lãnh trách nhiệm, 100% tôi sẽ bước lên", anh nói. Thực tế là cú sút của Rashford quá tốt, như một quả phi đạn bắn vào góc xa. Ospina đơn giản là không có mảy may cơ hội.
Là một đội bóng trẻ nhưng Tam sư thực sự trưởng thành và sẵn sàng thay đổi lịch sử. Tuy hành trình phía trước còn nhiều chông gai, trong khi Southgate vẫn chưa có một kế hoạch tốt để đánh bại các đối thủ lớn, song với tinh thần này, sự tự tin này, họ có thể tiến xa.