Dầu dừa là nguyên liệu làm đẹp khá phổ biến và được nhiều người tin tưởng. Không chỉ dùng để dưỡng thể, dưỡng tóc, nhiều người còn cho rằng loại dầu này còn có thể dùng cho da mặt để hạn chế khô nẻ, bong tróc, trị mụn, da nhanh lành, liền sẹo. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "dầu dừa, mụn sẹo mụn" trên Google bạn có thể nhận được gần 400.000 kết quả với nhiều lời hứa hẹn thần kỳ.
Vậy nhưng liệu dầu dừa có thực sự tốt như lời đồn thổi hay không? Liệu bạn có nên dùng dầu dừa như 1 loại dầu dưỡng cho da mặt hay không? Thắc mắc trước điều này, cô nàng Sundy He đã quyết định dùng thử dầu dừa trong 1 tuần để xem kết quả ra sao.
Trước khi thử nghiệm
Da của Sundy là da hỗn hợp vừa nhờn lại vừa khô. Trước đây cô có khá nhiều mụn nhưng hiện tại còn chủ yếu là vết thâm, đốm đỏ và sẹo mụn. Cô nàng rất hy vọng dầu dừa sẽ giúp mình cải thiện tình trạng da hiện tại.
Mỗi tối sau khi rửa sạch mặt cô sẽ lấy khoảng ¼ thìa café dầu dừa, thoa lên mặt đặc biệt là những chỗ có nhiều sẹo mụn sau đó đi ngủ và rửa lại mặt vào sáng ngày hôm sau.
Ngày 1: Chưa có điều gì đặc biệt
Ngày đầu tiên, Sundy thoa dầu dừa lên những khu vực nhiều sẹo mụn chứ không thoa cả mặt. Dầu có mùi khá dễ chịu, chất dầu lỏng, có hơi nặng khi thoa lên da, khiến da cô trở nên bóng nhẫy.
Tỉnh dậy vào sáng ngày hôm sau, Sundy thấy da rất dầu vì vậy cô chỉ muốn ngay lập tức đi rửa mặt. Dầu còn dính vào gối và tóc của cô. Nhưng bù lại cô nhận thấy những vùng da bị khô trước đây thì giờ không còn quá khô.
Ngày 2: Sẹo mụn có vẻ mờ dần?
Ngày tiếp theo cô nàng lấy ít dầu hơn so với hôm trước, nên khi tỉnh dậy da cũng không bị quá bóng nhẫy. Những vết sẹo mụn có vẻ mờ và mịn hơn nhưng Sundy không chắc đây có phải do tác dụng của dầu dừa hay không. Mặt khác, cô thấy những nốt mụn cũ có vẻ nhanh chín và lên nhân nhanh hơn.
Ngày 3: Da tiết nhiều dầu
Vào ngày thứ 3, Sundy nhận thấy da cô tiết rất nhiều dầu. Có thể là do thời tiết bắt đầu nóng hơn, nhưng cũng có thể dầu dừa khiến da cô tiết nhiều dầu hơn. Dù vì lý do gì thì cô vẫn cảm thấy rất khó chịu khi phải sử dụng dầu dừa; nhưng cô vẫn cố gắng để hoàn thành 1 tuần thử nghiệm.
Ngày 4 và 5: Da vẫn không thay đổi
Sundy có thể nhận thấy làn da trở nên mướt, mịn không quá khô như trước, vết sẹo cũng đều màu hơn nhưng không quá rõ ràng. Tệ hơn, cô còn nổi thêm 1 nốt mụn đầu trắng ở khu vực cằm.
Ngày 6: Chưa có sự cải thiện rõ rệt
Sau khi chụp ảnh, Sundy nhận thấy da của cô vẫn chưa có sự cải thiện rõ ràng sau 6 ngày liền thoa dầu dừa đều đặn. Vì vậy cô vẫn chưa thể kết luận việc sử dụng dầu dừa cho sẹo mụn liệu có đem lại hiệu quả thực sự hay không.
Ngày 7: Ngày cuối cùng
Đến ngày cuối cùng, Sundy vẫn không thấy dầu dừa đã giúp ích gì cho vết sẹo mụn của cô. Theo chị của Sundy nhận xét da của cô chẳng có sự khác biệt gì, và việc dùng dầu dừa chỉ lãng phí thời gian mà thôi. Bạn trai của cô cũng thấy da không có gì khác biệt.
Kết luận
Sau 1 tuần, sẹo mụn của Sundy gần như không có sự thay đổi nào. Việc dùng dầu chỉ khiến da cô có vẻ mướt mịn hơn, không còn quá khô như trước đây. Nhưng vì rất ghét cảm giác thoa dầu lên da nên Sundy cho rằng cô sẽ không tiếp tục áp dụng phương pháp này.
Trên thực tế dầu dừa dù rất phổ biến nhưng nó không phải là loại dầu phù hợp với những người có làn da dầu hoặc mụn. Theo bác sĩ da liễu Dendy Engelman, chủ phòng khám cùng tên, cho biết: "Dầu dừa là 1 trong những loại dầu có khả năng gây bí tắc lỗ chân lông rất cao" từ đó có thể khiến da trở nên nhạy cảm, dễ nổi mụn hơn. Chính vì thế, nếu bạn muốn thử dùng dầu dừa trên da, bác sĩ Engelman cũng khuyên bạn "chỉ nên bôi lên 1 vùng nhỏ , để xem dầu có làm da bị kích ứng hay nổi mụn hay không, rồi mới bôi toàn mặt".
Bác sĩ da liễu Dendy Engelman
Như vậy là dầu dừa vừa có khả năng gây mụn, lại không có hiệu quả rõ ràng với sẹo mụn như Sundy đã thử nghiệm. Bởi vậy nếu muốn sử dụng dầu dừa để trị mụn hoặc sẹo mụn thì bạn nên cân nhắc thật kỹ. Bản thân Sundy cũng thừa nhận cô sẽ không tiếp tục áp dụng phương pháp không đem lại hiệu quả rõ rệt như này nữa.