Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính: Quan trọng là an toàn, chất lượng

Hiếu Nguyễn, Theo GD&TĐ 15:17 19/10/2020

GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng ban Ban Đào tạo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội, cho rằng: Chỉ nên triển khai thi trên máy với những cơ sở, trung tâm nào thực sự đáp ứng được yếu tố chất lượng, an toàn, bảo mật, khách quan, không lấy mục tiêu số lượng trong thời gian đầu.

Phù hợp xu thế

- Ông có quan điểm như thế nào về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính theo một lộ trình thích hợp?

- Tại hội nghị tổng kết công tác thi, xét tốt nghiệp THPT giai đoạn 2015 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2025, đa phần ý kiến đại biểu thống nhất đề xuất giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong giai đoạn tới; tiếp tục tổ chức thi trên giấy đồng thời từng bước triển khai thi trên máy tính ở những nơi có đủ điểu kiện; tích cực chuẩn bị tổ chức thi theo lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nguyên tắc là bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh; không gây xáo trộn với việc dạy, học của giáo viên và học sinh; không gây bức xúc xã hội; bảo đảm đúng quy định của Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Kế thừa những thành tựu đã đạt được trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015 - 2019 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục; áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tham khảo các mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế, từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới. Huy động và phân bổ hợp lý các nguồn lực để triển khai theo mục tiêu và yêu cầu chất lượng.

Tôi cho rằng, việc tổ chức thi trên máy phù hợp với xu thế hiện nay; tuy nhiên khi thực hiện cần lấy yếu tố chất lượng, an toàn, bảo mật khách quan lên trên hết, chứ không phải quy mô hay số lượng thí sinh tham gia. Việc thi trên máy tính hiện được các tổ chức khảo thí độc lập uy tín trên thế giới thực hiện. Việt Nam cũng có thể theo hướng trên và việc chúng ta có 3 - 5 trung tâm khảo thí trong giai đoạn 2021 - 2023 để lo việc này là hoàn toàn khả thi.

- Nếu thi trên máy tính, điều kiện cốt lõi chúng ta phải chuẩn bị ngay bây giờ và trong lộ trình sắp tới là gì?

- Việc đầu tiên cần chuẩn bị là các văn bản, quy định; bởi thi trên máy không đơn thuần là chúng ta lấy mô hình thi trên giấy sau đó số hóa. Ví dụ, thi trên máy có yêu cầu về số lượng đề đáp ứng đủ nhu cầu thi nhiều đợt trong năm, các đề phải cân bằng về độ khó để bảo đảm thí sinh thi các lần khác nhau nằm trong hệ số tương quan cho phép. Tiếp đến, cần hệ thống phần mềm bảo đảm tính khách quan, trung thực, an toàn, bảo mật. Quy định xét công nhận tốt nghiệp thế nào cũng cần tính đến, vì hiện nay Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh dự thi đồng loạt để lấy kết quả xét tốt nghiệp; trong khi thi trên máy có thể sẽ dải ra nhiều đợt trong năm. Hiệu lực của kết quả các đợt thi trên máy cần được quy định cụ thể để các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng xét tuyển, cũng như sở GD&ĐT sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp.

Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính: Quan trọng là an toàn, chất lượng - Ảnh 1.

Thi trên máy tính là xu thế chung dựa trên nền tảng am hiểu công nghệ (Ảnh minh họa)

Cần am hiểu nghiệp vụ và kỹ năng công nghệ

- Thi tốt nghiệp THPT trên máy là hình thức hoàn toàn mới. Theo GS, cần lưu ý những vấn đề có thể phát sinh như thế nào?

- Trong bất kỳ hình thức thi nào, dù là thi trên giấy hay thi trên máy tính, đều có vấn đề kỹ thuật phát sinh. Đơn giản như thi trên giấy, chúng ta có các vấn đề về quy trình, thủ tục, con người. Trong khi đó, thi trên máy sẽ phụ thuộc nhiều vào điều kiện cơ sở vật chất, máy tính, mạng lưới điện...

Với hình thức thi truyền thống, chúng ta đã có bề dày kinh nghiệm; hầu hết cán bộ quản lý chất lượng, tuyển sinh, đào tạo có đủ kinh nghiệm để xử lý vấn đề nảy sinh, hay có kế hoạch cho những tình huống phát sinh. Nhưng thi trên máy phức tạp hơn ở chỗ không phải các cán bộ đều có kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin để xử lý được mọi tình huống, mà đòi hỏi phải đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Nhưng thông thường, đội ngũ cán bộ kỹ thuật lại chuyên về công nghệ thông tin và phần mềm nhiều hơn là quy trình, nghiệp vụ. Cho nên, đòi hỏi sự phối hợp ăn ý giữa 2 bộ phận, hoặc đòi hỏi cán bộ phải đồng thời am hiểu cả nghiệp vụ và kỹ năng công nghệ là việc khó. Nhưng điều đó, cùng với thời gian, tôi tin chúng ta sẽ tích lũy dần, không thể đòi hỏi một sớm, một chiều.

- GS có thể chia sẻ cụ thể hơn về giải pháp có thể tháo gỡ những khó khăn này?

- Chúng ta có lộ trình từng bước, từ quy mô nhỏ, thử nghiệm ở cơ sở giáo dục có kinh nghiệm. Sau đó, tổ chức các đợt tập huấn, cũng như xây dựng văn bản hướng dẫn để có sức lan tỏa nhiều hơn. Điều quan trọng, chỉ nên triển khai khi cơ sở, trung tâm nào thực sự đáp ứng được yếu tố chất lượng, an toàn, bảo mật, khách quan, không lấy mục tiêu số lượng trong thời gian đầu.

- ĐHQG Hà Nội có sự chuẩn bị gì để đón đầu hình thức thi trên máy?

- ĐHQG Hà Nội đã tổ chức trên máy ở quy mô tương đối lớn những năm 2015 -2016 và chúng tôi vẫn đang duy trì các hình thức đánh giá với khoảng 30 - 40 nghìn sinh viên hàng năm. Nên việc thi trên máy tính ở ĐHQG Hà Nội không là vấn đề gì khó khăn. Có thể nói, chúng tôi hoàn toàn hội tụ đủ điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, con người, kinh nghiệm tổ chức, cũng như ban hành văn bản trong áp dụng triển khai thi trên máy.

- Xin cảm ơn GS!