Trước băn khoăn của thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, đối với các thí sinh tự do, chúng tôi đã có nhiều kênh truyền thông về các thông tin liên quan tới xét tuyển, cũng như kế hoạch về mặt thời gian để các em có thể sắp xếp, chuẩn bị.
Theo kế hoạch tuyển sinh Bộ GD&ĐT đã công bố, từ ngày 15/6 đến hết ngày 20/7, các em hoàn toàn có thể đăng ký mở tài khoản để đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống tuyển sinh chung. Tất cả các Sở GD&ĐT trên toàn quốc luôn trực mở cửa để đón các em, thầy cô tại Sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn hồ sơ chi tiết.
Như vậy, việc chưa theo dõi đủ thông tin, để đến những phút cuối cùng này vẫn chưa có tài khoản cũng là một phần lỗi của thí sinh. Nhưng em vẫn còn có cơ hội để đến Sở GD&ĐT nơi mình đã được học tập, đã tốt nghiệp THPT để các thầy cô hỗ trợ cho em một cách nhanh nhất.
"Trước đó, chúng tôi cũng đã tập huấn, hướng dẫn cụ thể tới từng đối tượng, từ thí sinh cho đến cán bộ hỗ trợ" - bà Thủy cho hay.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin thêm, thí sinh cần lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT: các em sẽ không cần lựa chọn giữa phương thức hay tổ hợp xét tuyển, có nghĩa chỉ cần đăng ký vào trường, vào ngành mà mình mong muốn.
Cũng theo bà Thủy, các em phải cung cấp đầy đủ thông tin về những dữ liệu, kết quả mà các em sử dụng để xét tuyển. Lúc đó hệ thống sẽ tự xử lý và chọn tổ hợp, phương thức nào tối ưu nhất.
Khi đăng ký lên Hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo mong muốn cũng như thực lực của các em. Có nghĩa thí sinh có thể trúng tuyển sớm tới 10 trường, nhưng các em chỉ có thể vào học ở 1 ngành, 1 trường mà thôi. 9 vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác.
"Đây cũng là cách hệ thống lọc đi số lượng thí sinh ảo và dành vị trí cho các thí sinh khác xếp hàng sau" - bà Thủy nhấn mạnh.