Thí sinh 64 tuổi thi THPT: Chung trường với cháu, đeo đuổi nghiệp học dở dang

Lâm Ngọc/VTC News, Theo VTC News 14:18 16/06/2023
Chia sẻ

Dừng việc kinh doanh, ròng rã 7 năm đeo đuổi nghiệp học còn dang dở, bà Ngô Thị Kim Chi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt nhất trong đời.

Bà Ngô Thị Kim Chi kể về kỷ niệm đi học ở tuổi 64.

Ở tuổi 64, tinh thần học tập của bà Ngô Thị Kim Chi (sinh năm 1959) vẫn rất mãnh liệt. Hằng ngày, bà Chi đều đặn đến trường và hoàn thành tất cả bài tập giống như các bạn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7, TP.HCM.

"Già rồi, sao học nổi?"

Bà Chi là chị cả trong gia đình có 5 chị em. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hết lớp 8, bà phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ lao động, kiếm tiền nuôi các em, dang dở mơ ước trở thành bác sĩ.

"Lúc phải nghỉ học, tôi khóc nhiều lắm. Nhưng xã hội đưa đẩy, hoàn cảnh khó khăn như vậy nên cũng phải chấp nhận. Tôi cố gắng làm việc kiếm tiền, để con cái không bị rơi vào hoàn cảnh như mình, cũng mong muốn có điều kiện để được đi học lại", bà Chi kể.

Thí sinh 64 tuổi thi THPT: Chung trường với cháu, đeo đuổi nghiệp học dở dang - Ảnh 2.

Bà Chi xin phép không mặc áo dài vì đã lớn tuổi, nhưng vẫn luôn mặc đúng đồng phục như các bạn cùng lớp. (Ảnh: Thanh Tùng)

Trước khi tham gia vào lớp học tại trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7, bà Chi từng tham gia học lớp bổ túc văn hóa buổi tối do địa phương tổ chức. Tuy nhiên, lúc đấy, do có gia đình, nhiều công việc, nên một lần nữa bà Chi phải tạm dừng việc học.

"Trước khi đi học lại, tôi có một quán ăn nhỏ. Cũng nhờ quán ăn này, suốt 40 năm, tôi có thể lo được cho 3 con ăn học đầy đủ. Cả ba con của tôi đều đã tốt nghiệp đại học, công việc ổn định. Riêng cậu con trai út đã có bằng thạc sĩ và đang sinh sống cùng vợ tại Mỹ", bà Chi nói.

Năm 2016, bà Chi dừng công việc buôn bán và bắt đầu lại hành trình thực hiện ước mơ đi học.

Tuy là ước mơ, nhưng vì xa trường quá lâu, tâm lý ngại ngần, nên ban đầu bà Chi nộp đơn xin học tại trung tâm giáo dục thường xuyên ở xa nhà để đỡ xấu hổ với láng giềng, nhưng không được nhận. Sau đấy, vượt qua mọi mặc cảm, bà quyết định theo học tại trung tâm gần nhà.

"Nhiều người nói tôi già rồi học làm gì. Chẳng nhẽ không biết xấu hổ hay sao mà còn đi học? Tôi buồn lắm nhưng chừng đó chẳng là gì, tôi chỉ nghỉ học khi nào đau quá không đi nổi thôi. Ngoài ra, đối với tôi, không có gì có thể ngăn được con đường đam mê đi học.

Tôi vẫn nhớ ngày được cô Dương Lệ Thúy, hồi đó là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp quận 7 nhận hồ sơ. Không còn học bạ cũ nên cô Thúy bảo tôi phải học lại từ lớp 6. Lúc đấy, tôi bảo với cô Thúy rằng chỉ cần được đi học lại, lớp mấy cũng được", bà Chi nghẹn ngào.

Thí sinh 64 tuổi thi THPT: Chung trường với cháu, đeo đuổi nghiệp học dở dang - Ảnh 3.

Bà luôn cố gắng học tập để theo kịp bạn cùng lớp. (Ảnh: Thanh Tùng)

Là học viên lớn tuổi nhất lớp, ban đầu, bà Chi thu mình lại, ngày qua tháng lại chỉ chăm chú đến lớp, học bài rồi đi về, cũng không tiếp xúc nhiều với học sinh trong lớp. Một thời gian sau, những đứa trẻ 11 tuổi quen với sự xuất hiện của người phụ nữ đáng tuổi bà, chủ động giúp đỡ và khiến bà cởi mở hơn.

Chỗ nào thầy cô giảng nhanh quá không ghi kịp, bà xem nhờ vở của bạn học. Chữ nào khó nhìn do mắt mờ, bà nhờ bạn xem giúp. Và ngược lại, chỗ nào bài tập phức tạp, bà chia sẻ lại với những bạn chưa hiểu.

Từ khi biết ngày thi tốt nghiệp, lịch học của bà Chi dày đặc hơn. Trừ thứ 3, thứ 5 và Chủ nhật, còn lại các ngày trong tuần, bà Chi đều có mặt ở trường từ 7h đến 17h để học tập và ôn luyện.

Thí sinh 64 tuổi thi THPT: Chung trường với cháu, đeo đuổi nghiệp học dở dang - Ảnh 4.

Bà Chi được nhận bằng khen gương sáng "vượt khó hiếu học" năm học 2016-2017. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Học chung với cháu nội

Trải nghiệm đặc biệt của bà Chi có lẽ là việc học cùng cháu nội. Năm 2016, Trường THCS Huỳnh Tấn Phát - nơi cháu nội bà Chi theo học, xây dựng lại, học sinh phải học tạm bên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7.

Những tưởng sẽ rất vui khi hai bà cháu học chung trường. Nhưng khi thấy các bạn của cháu cười vì bà lớn tuổi rồi mà còn đi học, bà Chi thương cháu chưa hiểu chuyện, sợ cháu ngại khi nghe vậy nên dặn cháu "trên trường, con không cần phải chào hay nhìn bà đâu".

Một thời gian sau, thầy cô Trường THCS Huỳnh Tấn Phát biết chuyện về bà Chi, đã chia sẻ lại cho các học sinh trong trường như tấm gương tự học suốt đời. Thái độ của những người bạn kia cũng thay đổi tích cực, cháu của bà Chi lại càng tự hào về bà.

Với sự ham học hỏi, cầu tiến, từ lớp 6 đến hết lớp 12, bà Chi luôn đạt danh hiệu Học viên giỏi của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7, TP.HCM. Đặc biệt, vào năm học lớp 9 và lớp 12, bà Chi còn đạt giải Nhì và Ba môn Địa lý tại kỳ thi Học viên giỏi cấp TP dành cho hệ giáo dục thường xuyên.

Bà Chi kể trong các môn, Toán, Vật lí và Hóa học là 3 môn luôn làm bà trăn trở, vừa phải nhớ nhiều công thức khô cứng, vừa phải linh hoạt để áp dụng chúng trong các bài tập.

Bà phải cố gắng gấp 2, 3 lần học viên trẻ khác, dành thời gian nhiều hơn để giải đề, ôn tập kiến thức. Chỗ nào chưa hiểu, bà lại hỏi thầy cô, bạn bè trong lớp.

Thí sinh 64 tuổi thi THPT: Chung trường với cháu, đeo đuổi nghiệp học dở dang - Ảnh 5.

Gia đình con trai út bay từ Mỹ về để dự lễ tổng kết cùng bà Chi. (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Quang Phú, chủ nhiệm lớp 12A1 chia sẻ, lần đầu gặp bà Chi năm 2019 tại lớp học, thầy cứ ngỡ có bà ngoại của học sinh trong lớp. Lúc đấy, thầy cũng cảm thấy rất bất ngờ và lúng túng vì không nghĩ sẽ có một người đã lớn tuổi còn chịu đi học như vậy.

"Tôi được dạy bà Chi môn Toán năm lớp 9, lớp 10 và chủ nhiệm lớp 12. Đó là người ham học, nghị lực và quyết tâm học hỏi rất cao", thầy Phú nói.

Thấm thoát 7 năm trôi qua, chỉ mấy ngày nữa, bà Chi sẽ bước vào kỳ thi quan trọng, đặc biệt nhất của cuộc đời. Dù kết quả ra sao, người phụ nữ 64 tuổi này cũng đã có kế hoạch.

Nếu điểm số tốt, bà Chi sẽ học lên đại học với mong ước đỗ vào một trường sư phạm, hoặc sẽ mở lớp học miễn phí dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố để chia sẻ những kiến thức mình đã học được.

6 năm liền, bà Ngô Thị Kim Chi làm Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học của khu phố 3, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM. Bà được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày