Chúng tôi mang vấn đề này trò chuyện với bác sĩ Jennifer Diep (Bác sĩ Sản khoa, chuyên khoa 1, công tác tại BV Đa khoa quốc tế Becamex với 20 năm kinh nghiệm) và BS Nguyễn Phúc Thu Trang (Giảng viên Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược Huế, Nội trú hồi sức sơ sinh Hospital SUD, CHU de Rennes, Nghiên cứu sinh, khoa Y, Đại học Rennes 1, Cộng hòa Pháp).
Thưa các BS, trên mạng xã hội đang chia sẻ câu chuyện tự sinh con tại nhà không cần hỗ trợ từ đội ngũ y tế chuyên nghiệp, được không ít bà mẹ tin tưởng làm theo. Bác sĩ có nhận xét gì về điều này?
BS Jennifer Diep: Phải nói thẳng đây là một việc làm phản khoa học.
Phương pháp sinh con tự nhiên được người dân ta áp dụng từ xa xưa, khi mạng lưới y tế chưa phát triển như hiện tại. Khi đó đây là việc chẳng đặng đừng, người dân không còn cách nào khác bởi họ sống ở vùng sâu vùng xa, thiếu thông tin, việc đi lại cũng hết sức khó khăn nên buộc phải sinh tại nhà. Nhưng chính vì lý do này (thiếu nhân viên y tế có đủ kiến thức và trang thiết bị để chăm sóc và cấp cứu) mà tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh rất cao. Bà mẹ có thể chết vì băng huyết, vì sót nhau, nhiễm trùng, con có thể chết vì nhiễm trùng, vì uốn ván rốn, vì suy hô hấp.
BS Nguyễn Phúc Thu Trang: Là người làm hồi sức sơ sinh sau sinh, tôi phản đối tất cả các cuộc đẻ không có sự hiện diện của nhân viên y tế được đào tạo hồi sức sơ sinh bài bản. Nếu một đứa trẻ sinh ra khóc to, da dẻ hồng hào thì hầu như không cần can thiệp gì, chỉ cần chăm sóc khám xét cơ bản. Nhưng nếu trẻ sinh ra không khóc, ngạt thì đòi hỏi phải hồi sức nhanh chóng. Việc hồi sức này được tính bằng từng giây một, bởi nếu chậm trễ, trẻ có nguy cơ thiếu khí não, nhận di chứng về sau. Nếu không có mặt nhân viên y tế thì ai đủ khả năng làm điều đó?
Những bà mẹ sinh con theo phương pháp Lotus Birth rất tán dương phương pháp này vì cho rằng nó giúp bé được nhận đầy đủ các tế bào máu giàu tế bào gốc và immunoglobulin, tăng khả năng miễn dịch. Y khoa nhìn nhận điều này như thế nào, thưa bác sĩ?
BS Jennifer Diep: Việc sinh con, không cắt dây rốn , để cho bánh nhau tự khô là vô cùng nguy hiểm, bởi vì khi bánh nhau đã ra khỏi cơ thể người mẹ, để tự nhiên trong môi trường bên ngoài thì nó không còn được nuôi dưỡng nữa. Cộng với việc xâm nhập của vi khuẩn, bánh nhau sẽ bị phân hủy, rất có thể sẽ gây nhiễm trùng cho bé.
Lý lẽ cho rằng cứ để bánh nhau khơi khơi như thế là cho em bé nhận máu giàu tế bào gốc, immunoglobulin, tăng khả năng miễn dịch là không thuyết phục, bởi khi ấy mạch máu trong dây rốn không còn hoạt động tính từ khi bánh nhau bong ra khỏi tử cung.
BS Nguyễn Phúc Thu Trang: Đầu tiên xin nói về lợi ích của kẹp rốn muộn. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nếu tình trạng mẹ và trẻ sơ sinh cho phép, nên đợi 1-3 phút rồi mới kẹp cắt rốn . Kẹp rốn muộn như vậy đã được chứng minh đem lại một số lợi ích: tăng lượng dự trữ sắt, giảm tỷ lệ thiếu máu giai đoạn nhũ nhi, giảm tỷ lệ xuất huyết não, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh, và giảm tỷ lệ trẻ cần truyền máu sau sinh. Thế nhưng để đạt được những lợi ích này, đặc biệt tăng lượng dự trữ sắt thì chế độ ăn của mẹ trong giai đoạn thai kỳ phải phong phú, đa dạng và giàu chất sắt.
Trong một cuộc đẻ, bác sĩ sản và gây mê (nếu đẻ mổ) chịu trách nhiệm tính mạng bà mẹ và bác sĩ nhi khoa chịu trách nhiệm tính mạng em bé. Chính họ, trong từng trường hợp sinh cụ thể sẽ quyết định nên cắt rốn muộn hay cắt rốn sớm chứ không ai khác. Còn viết status trên facebook bảo phải thế này phải thế kia bao giờ cũng dễ vô cùng.
Khuyến cáo hiện tại dừng ở mức 3 phút, còn không cắt rốn luôn và để tự nhiên (phương pháp Lotus Birth) thì mới đây có một báo cáo 3 ca lâm sàng trên tạp chí Women et Birth (1).
Về phương diện sơ sinh, khi để nhau thai khô tự nhiên như vậy cần cảnh giác nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn dẫn đến nhiễm trùng sơ sinh. Trong 3 ca nói trên, người ta rửa nhau thai sau sinh 2-3 giờ, loại bỏ cục máu đông, và cho thảo dược để làm giảm sự xâm nhập của vi khuẩn. Nhưng môi trường ở nước ngoài khác Việt Nam: không có ruồi, không có kiến, khô, ít nấm mốc,…
Ngoài ra trong việc thăm khám trẻ sơ sinh sau sinh cần có bước khám động-tĩnh mạch rốn để phát hiện bất thường động tĩnh mạch rốn.
Vấn đề này có không nhiều nghiên cứu nên nếu muốn đưa ra khuyến cáo cần có nhiều nghiên cứu hơn, ví dụ như làm trên động vật, nghiên cứu hồi cứu các trường hợp đã sinh bằng phương pháp này, rồi thực hiện trên người với sự theo dõi sát sao. Các nghiên cứu đương nhiên cần có hội đồng đạo đức và phác đồ cụ thể. Trong lúc chưa có khuyến cáo của Bộ Y tế, tôi nghĩ các mẹ không nên tự ý làm ở nhà.
Đã đến lúc mọi người thôi việc cãi nhau bằng các comment trên mạng xã hội mà hãy chứng minh bằng nghiên cứu khoa học. Nếu bạn tin tưởng một lý thuyết là đúng, hãy viết bài và tham gia các hội thảo khoa học để được phản biện, hãy đăng trên các tạp chí khoa học để chứng minh.
Tôi đi dự hội thảo Nhi khoa ở Pháp có một phần rất hay là "pour ou contre", nghĩa là ủng hộ hay phản đối. Hai bác sĩ dày dặn kinh nghiệm sẽ đấu tranh để bảo vệ quan điểm của mình về một vấn đề sức khỏe, một người ủng hộ và một người phản đối, tất cả đều phải dẫn chứng từ nghiên cứu để người nghe có cái nhìn toàn diện về một vấn đề, để có sự lựa chọn phù hợp cho mình, vì không phải vấn đề sức khỏe nào cũng thống nhất ý kiến được. Và tôi nhấn mạnh, phải dẫn chứng bằng nghiên cứu, không phải "tôi nghe kể", "gần nhà tôi", "chị bạn tôi",…
Và một khi có nhiều nghiên cứu cho kết quả khác nhau về một vấn đề, các nhà khoa học sẽ tập hợp chúng lại làm meta-analysis để đưa ra khuyến cáo, sau vài năm người ta lại cập nhật thêm nghiên cứu vào để cho ra bài khác cập nhật hơn.
Trở lại liên sinh (Lotus Birth), người ta cũng báo cáo một ca lâm sàng trong đó trẻ sinh ra bị viêm gan. Họ nghi ngờ có liên quan đến liên sinh, vậy nếu phản đối hãy chứng minh ngược lại bằng nghiên cứu (2).
Các bà mẹ cũng chia sẻ việc dùng bánh nhau để xào, luộc… ăn sau khi sinh như thực phẩm bình thường vì cho rằng nó rất tốt cho sức khỏe sản phụ. Theo bác sĩ, việc ăn nhau thai mang lại tác động như thế nào đến sức khỏe sản phụ và bé sơ sinh?
BS Nguyễn Phúc Thu Trang: Tôi không có kinh nghiệm về chuyện ăn nhau thai. Ở Pháp, sau sinh bệnh viện giữ nhau thai để nếu cần có thể làm xét nghiệm rồi sau đó hủy theo rác y tế.
BS Jennifer Diep: Bánh nhau có nhiều chất bổ là sự thực bởi vì đây là nơi trao đổi dinh dưỡng giữa bà mẹ và thai nhi. Tuy nhiên ăn bánh nhau thì thật kỳ lạ, vì hiện nay không thiếu gì thực phẩm bổ dưỡng, sao lại phải đi ăn bánh nhau?
Đặc biệt, nếu sản phụ tự ăn bánh nhau của chính họ thì có thể không sao, nhưng nếu ăn bánh nhau của người khác thì hết sức nguy hiểm, vì bạn sẽ không biết bà mẹ đó có bệnh truyền nhiễm gì hay không. Chẳng hạn nếu ăn bánh nhau của sản phụ bị nhiễm HIV (ở giai đoạn cửa sổ thì xét nghiệm chưa dương tính), người nào chế biến mà không may có vết thương trên tay thì rất dễ bị lây bệnh. Ngoài ra còn các bệnh khác như viêm gan siêu vi, giang mai… đều có thể truyền qua con đường này.
Tổ chức Y tế thế giới và Liên đoàn Quốc tế về sản phụ khoa (FIGO) cho phép các bác sĩ có thể trì hoãn quá trình kẹp dây rốn nhiều nhất 5 phút sau sinh. Điều này có tương tự với việc giữ bánh nhau gắn liền với trẻ trong khoảng 3-10 ngày cho đến khi cuống rốn tự khô hay không?
BS Jennifer Diep: Hai cách làm đó khác nhau hoàn toàn.
Một đằng là kẹp cắt dây rốn sau 5 phút, một đằng để dây rốn tự khô. Khi để bên ngoài cơ thể người mẹ thì bánh nhau ấy đã bị nhiễm khuẩn và cũng đang phân hủy, rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Bạn thử để bánh nhau ở ngoài không khí bình thường, sau 24 giờ có ngửi thấy mùi thối hay không? Mùi thối ấy là do vi khuẩn đang tác động vào để phân hủy bánh nhau từ đó sinh ra độc tố. Với một nguồn độc tố như vậy mà để ngay bên cạnh đứa trẻ là một việc phản khoa học, chưa kể việc vi khuẩn có thể đi ngược từ bánh nhau vào cơ thể đứa trẻ theo dây rốn khi dây rốn chưa thật sự khô, teo.
BS Jennifer Diep và BS Thu Trang không ủng hộ phương pháp này nhưng những người tin tưởng Lotus Birth dẫn chứng thông tin rằng từ năm 1974 một bác sĩ đã áp dụng Lotus Birth thành công cho chính con trai của mình và chính vì vậy nó đã lan tỏa rộng rãi. Như vậy có phải trong chính giới y khoa cũng có những đánh giá trái ngược nhau về phương pháp Lotus Birth?
BS Jennifer Diep: Tôi không biết ông BS ấy áp dụng phương pháp này thành công ra sao nhưng quan điểm của tôi là không ủng hộ bởi những lý do tôi nêu trên, bạn rất khó để giữ cho bánh nhau không bị nhiễm khuẩn. Tôi cũng chưa bao giờ nghe về phương pháp này suốt thời gian sinh viên đại học và sau đại học cũng như chưa đọc được trong bất kỳ tài liệu nào (có thể do tôi đọc chưa đủ).
BS Nguyễn Phúc Thu Trang: Nói về Lotus Birth, hiện nay rất ít nghiên cứu công bố về vấn đề này, chủ yếu vẫn là báo cáo ca lâm sàng. Cá nhân tôi nghĩ phương pháp này có nhiều điều nguy hiểm như tự sinh ở nhà, không dung oxytocin, tự bảo quản nhau thai…, đó cũng là lý do vì sao có ít nghiên cứu.
Nói thêm về sinh ở nhà, không thể phủ nhận việc nằm trên bàn sinh trong phòng sinh có thể gây căng thẳng cho sản phụ. Hiện nay một số bệnh viện ở các nước đã xây dựng phòng đẻ như phòng ở nhà, để sản phụ cảm giác thoái mái hơn, nhưng vẫn là đẻ ở bệnh viện và có nhân viên y tế theo dõi.
Trong y khoa, việc đánh giá khác nhau một vấn đề là chuyện hoàn toàn bình thường, và những nhà khoa học thường chứng minh bằng nghiên cứu. Thậm chí có những êkip nằm trong kết luận thiểu số (đa phần nghiên cứu đều ngược với họ) nhưng họ vẫn bảo vệ quan điểm bằng cách ra thêm nghiên cứu để bảo vệ.
Y văn có ghi nhận lợi ích/ tác hại như thế nào của phương pháp Lotus Birth? Thực tế BS đã gặp những trường hợp Lotus Birth chưa? Trải nghiệm của BS về việc đó như thế nào?
BS Nguyễn Phúc Thu Trang: Tôi chưa gặp Lotus Birth lần nào, nhưng tự đẻ ở nhà có một trường hợp tôi vẫn nhớ. Hồi đó tôi mới ra trường, đi trực từng gặp một trường hợp sinh ở nhà, bé vào viện vì vết thương trên đầu. Lâu rồi tôi không nhớ kỹ nhưng người nhà không khai lý do, bảo sinh ra đã vậy. Lúc đó là ngày cuối tuần, ít nhân viên, nên nhiều việc, tính mạng bệnh nhân quan trọng hơn, phải lo gọi điện hội chẩn ngoại, chuyển phòng mổ để khâu vết thương,… Hồi đó tôi ít kinh nghiệm, nếu bây giờ gặp lại, tôi nghĩ nên mời công an vào cuộc khi gặp vấn đề tương tự.
Tôi mới đọc bài báo về việc con dâu tự sinh ở nhà, sinh khó nên mẹ chồng dùng dao rạch vào tầng sinh môn của con dâu và để lại vết thương dài trên đầu em bé.
Ở Pháp, trẻ con vào viện với vết thương, dù người nhà khai thế nào, bệnh viện cũng sẽ báo công an nếu thấy nghi ngờ. Và đặc biệt hơn, nếu trẻ tử vong ở nhà, dù người nhà không yêu cầu họ cũng làm giám định pháp y. Không ít trường hợp trẻ tử vong và bố mẹ đã phải đi tù cho hành động của mình.
Có thể có những cơ thể phụ nữ đặc biệt đáp ứng được Lotus Birth hay không? Ví dụ những người đã nhiều năm ăn uống theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa?
BS Jennifer Diep: Tôi không nghĩ đó là Lotus-birth mà là một số phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, không có trạm y tế và với quan niệm lạc hậu cho nên họ mới phải sinh theo cách tự nhiên như vậy, tuy nhiên họ không để nguyên bánh nhau mà cắt dây rốn bằng những dụng cụ không vô trùng như liềm hoặc cật nứa. Điều này nghe thật hãi hùng khi chúng ta đã tiếp cận với nền y học tiên tiến. Tỷ lệ bà mẹ tỷ lệ tử vong do phương pháp sinh con tự nhiên này rất cao, nếu bị băng huyết thì chỉ cần trong 30 phút là bà mẹ đã có thể tử vong.
Tại sao y học hiện đại phản đối nhưng vẫn có thêm nhiều phụ nữ tự nguyện sinh con theo Lotus Birth?
BS Nguyễn Phúc Thu Trang: Vì thuận tự nhiên! Ha ha, tôi đùa đó.
Phong trào thuận tự nhiên không mới, nó có từ lâu và tôi khẳng định thuận tự nhiên là tốt. Nhưng thuận tự nhiên khác với quay lại thời đồ đá.
Tôi ví dụ trong hồi sức sơ sinh, đã có một thời gian người ta can thiệp máy móc khá nhiều, giờ người ta nghiên cứu những model máy thở ngày càng phù hợp sinh lý đứa trẻ nhất, đó là thuận tự nhiên. Trong chẩn đoán và điều trị cũng vậy, người ta cố tìm những phương cách nào ít xâm nhập nhất nhưng vẫn hiệu quả, đó là cách y học hiện đại tôn trọng tự nhiên.
Còn hỏi tại sao vẫn có người tin, thì ở đâu cũng vậy, mỗi người họ có niềm tin riêng của họ, rất khó để can thiệp vào niềm tin. Miễn là niềm tin đó không hại đến ai, và trong khuôn khổ pháp luật.
BS Jennifer Diep: Tôi nghĩ họ đã đi ngược lại với văn minh của con người.
Có những phụ nữ cho rằng ăn chay trường là phương pháp tốt nhất để loại bỏ độc tố và trả cơ thể lại với sự cân bằng tự nhiên. Họ tin "Cơ thể sạch thì không bị bệnh", cho nên ăn chay cả trong khi mang thai. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của thai nhi?
BS Nguyễn Phúc Thu Trang: Một chế độ ăn cân bằng, đa dạng là tốt nhất cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên ăn chay là một sự lựa chọn. Nếu bà mẹ chọn ăn chay - đặc biệt ăn chay trong thai kỳ, cũng như bà mẹ chọn chế độ ăn chay và không dùng các sản phẩm từ sữa thì nên có chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn, nắm rõ các nguy cơ có thể xảy ra khi ăn chay, và khám thai xét nghiệm nếu cần. Người ăn chay trường và không sử dụng các sản phẩm từ sữa có nguy cơ thiếu Vitamin B12, Vitamin D... nên cần ăn các thực vật giàu vitamin này cũng như uống bổ sung nếu cần. Tôi nhấn mạnh lại, ăn chay nên là một lựa chọn chứ không nên thần thánh hóa việc ăn chay giúp chữa bệnh này nọ.
BS Jennifer Diep: Khi có thai, bà mẹ cần một lượng chất dinh dưỡng 1,5 lần so với bình thường. Do vậy nếu ăn chay không khoa học thì mẹ sẽ bị thiếu dinh dưỡng dẫn đến việc con bị suy dinh dưỡng theo. Từ việc suy dinh dưỡng đứa trẻ sẽ phát triển kém cả về thể chất và trí tuệ. Xin nhấn mạnh: thời gian trong bụng mẹ là thời gian rất quan trọng, là nền tảng cho một đứa trẻ khỏe mạnh về sau.
Hơn nữa, một bà mẹ ốm yếu thì không thể đảm nhiệm tốt việc mang thai và săn sóc con sau khi sinh.
Tiếp theo là quan niệm về thực phẩm sạch. Hiện nay trên thị trường rất ít thực phẩm được gọi hoàn toàn sạch, kể cả khi bạn ăn chay. Sạch không có nghĩa là không nhiễm chất độc hóa học trong quá trình trồng cấy, mà ngay chính nguồn đất trồng cũng đã bị nhiễm độc nếu trước đó bạn đã từng dùng chất hóa học vô tội vạ.
Y học hiện đại có thể đáp ứng đến mức nào cho các trường hợp sinh đẻ? Các BS có lời khuyên nào cho các sản phụ?
BS Jennifer Diep: Trước đây, khi chị em phụ nữ chưa được tiếp cận với nền y học hiện đại, phải nói rằng tỷ lệ tử vong mẹ và con rất cao, khi mạng lưới y tế về tới tận thôn bản đã khắc phục được phần nào về vấn đề này.
Ở những nơi trung tâm hoặc gần trung tâm thì tỷ lệ tử vong mẹ-con đã giảm rất thấp, 5 tai biến sản khoa trước đây như vỡ tử cung, băng huyết sau sinh, uốn ván rốn, nhiễm trùng hậu sản, tiền sản giật đã được kiểm soát rất tốt. Vì vậy chị em phụ nữ khi có thai nên khám thai đầy đủ.
Bước đầu để biết thai trong tử cung hay ngoài tử cung. Bước 2 để theo dõi thai phát triển ra sao, xét nghiệm các bệnh lây truyền mẹ con để có hướng phòng ngừa, xét nghiệm máu để bổ sung dưỡng chất, thuốc chống thiếu máu, tiêm ngừa vaccine chống uốn ván. Xét nghiệm tầm soát dị tật thai trong giai đoạn đầu thai kỳ để biết con có khỏe hay không. Siêu âm để biết lượng nước ối nhiều hay ít và khi nào cần can thiệp, biết ngôi thai là ngôi thuận hay ngôi ngược, con to hay nhỏ mà tiên lượng sinh thường hay sinh mổ.
Ngoài ra siêu âm còn để phát hiện có nhau tiền đạo hay không mà có hướng phòng ngừa và can thiệp kịp thời tránh việc chảy máu ồ ạt sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng cả mẹ và con. Đo tim thai để biết thai khỏe hay yếu ở những tháng cuối và khi chuyển dạ. Ngoài ra còn kiểm soát những thai có nguy cơ sinh non, tiền sản giật và sản giật… vân vân.
Tôi hy vọng rằng sắp tới không còn phải nghe những vụ việc sinh đẻ đáng lo ngại như thế này nữa.
BS Nguyễn Phúc Thu Trang: Tôi xin nói về góc độ Nhi khoa.
Ở Pháp, khi siêu âm thai có bất thường, bao giờ bác sĩ khoa Sản cũng mời bác sĩ Nhi sơ sinh có mặt cùng để giải thích những tình huống sẽ xảy ra cho trẻ, tiên lượng trẻ thế nào, phương diện sơ sinh có thể làm được gì cho trẻ… Khi trẻ sinh ra luôn có bác sĩ Nhi chịu trách nhiệm hồi sức khi có vấn đề. Nếu trẻ đẻ non dưới 31 tuần hoặc trẻ có bất thường được dự báo trước (thoát vị hoành,..), chỉ bác sĩ chuyên hồi sức sơ sinh mới được hồi sức. Trẻ ra viện được bác sĩ Nhi thăm khám một lần toàn diện và làm sổ sức khoẻ.
Ở Việt Nam, hiện nay các bệnh viện đã dần đưa bác sĩ Nhi vào chịu trách nhiệm hồi sức trẻ sau sinh. Tôi cũng mong sắp tới ở Việt Nam có một cuốn sổ sức khỏe thống nhất toàn quốc với đầy đủ thông tin cần thiết như các nước phát triển.
Thật bổ ích! Mong rằng với các chỉ dẫn nhiệt tình và dễ hiểu như thế này, các bà mẹ sẽ hiểu đúng về việc mang thai và sinh con, để có những đứa con khỏe mạnh và sáng láng cả về thể chất lẫn trí lực. Cảm ơn bác sĩ Nguyễn Phúc Thu Trang và bác sĩ Jennifer Diep về cuộc trò chuyện này.
Đắp chăn kín, bôi tương, nhỏ sữa là phản khoa học
Liên quan đến phong trào thuận tự nhiên, tại Việt Nam, nhiều phụ nữ cũng áp dụng phương pháp thực dưỡng Ohsawa, chỉ ăn chay bằng ngũ cốc, tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh, không đến bệnh viện, nếu bệnh thì chỉ dùng sữa mẹ và tương (tương sắn dây, tương tỏi và tương tamari để ăn trong và bôi bên ngoài, đắp chăn kín và nằm trong phòng đóng kín cửa để mồ hôi toát ra cho khỏi bệnh). Các loại vết thương chảy máu do côn trùng hay chó mèo cào, do giẫm đinh, do bị cắt bởi vật sắc … cũng áp dụng cách chữa này cho cả mẹ và em bé sơ sinh. Bác sĩ đánh giá ra sao về hiệu quả của phương pháp này?
BS Nguyễn Phúc Thu Trang: Tôi vẫn quan niệm ăn đa dạng và cân bằng là tốt nhất. Ngoài ra kết hợp với vận động thể thao.
Thuốc kháng sinh nói một cách dễ hiểu là thuốc dùng để điều trị bệnh do vi khuẩn, nó ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn hoặc tiêu diệt vi khuẩn và KHÔNG CÓ TÁC DỤNG trong trường hợp virus. Thế nên nói cái này cái kia có thể thay kháng sinh là chưa hợp lý, vì khi mắc bệnh thật sự do vi khuẩn, vẫn phải điều trị kháng sinh.
Các quan niệm đắp chăn kín, đóng cửa, bôi tương vào vết thương theo tôi là phản khoa học. Và tôi vẫn giữ ý kiến: nếu ai cho phương pháp của mình là đúng, hãy viết báo khoa học để thuyết phục chúng tôi.
Bạn có thể đi ngược đám đông, có thể nằm trong thiểu số, có thể tự học, tự nghiên cứu, nhưng hãy chứng minh vấn đề đó trước hết bằng khoa học, bằng nghiên cứu có phản biện, nếu không bạn là người vô trách nhiệm.
BS Jennifer Diep: Tôi không hiểu tại sao ở thời điểm hiện tại, thời đại bùng nổ thông tin và nền y học nước nhà đã phát triển tương đối tốt như vậy mà vẫn có những suy nghĩ ấy.
Thứ nhất, các vết thương do côn trùng đốt rất có thể có nọc độc, khi bạn không đến bệnh viện để dùng thuốc kháng độc thì bạn có thể gặp nguy hiểm, bị shock phản ứng dị ứng, có thể tử vong.
Thứ hai, các vết thương do súc vật cắt, cào thì bạn phải đến cơ sở y tế để được tư vấn. Nếu con vật ấy đã tiêm phòng dại rồi và BS đánh giá vết thương có khả năng nhiễm trùng thì bạn chỉ cần uống kháng sinh. Nếu con vật chưa được tiêm phòng thì bạn sẽ được tiêm phòng dại, xin nhớ là bệnh dại nếu lên cơn thì không còn chữa được. Còn khi bị giẫm phải đinh hoặc khi bị những vết thương ở những nơi không sạch thì cần được tiêm vaccine ngừa uốn ván, huyết thanh kháng uốn ván. Việc bôi mấy loại dung dịch dùng làm thức ăn hàng ngày không những không khỏi bệnh mà có khi còn gây nhiễm trùng nặng hơn.
Thứ ba, khi bạn bị bệnh, sức khỏe đang bị tàn phá thì phải được áp dụng một chế độ dinh dưỡng tốt hơn để nhanh hồi phục sức khỏe, lúc đấy mà lại ăn chay thì e rằng không đủ chất dinh dưỡng và khó hồi phục.
Về phương pháp xông hơi, cho đến nay Việt Nam vẫn áp dụng tại nhà và tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Phải thừa nhận phương pháp xông hơi có tác dụng tốt, hơi nóng sẽ làm cho tim đập nhanh, máu lưu thông tốt hơn và một số chất độc cũng có thể thải ra theo con đường mồ hôi, với điều kiện bạn cần phải giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ.
Chú dẫn trong bài:
1. Zinsser LA. Lotus birth, a holistic approach on physiological cord clamping. Women and Birth [Internet]. 2017 Sep [cited 2018 Mar 7]; Available from: http://linkinghub.elsevier.com/retrieve/pii/S1871519217304730
2. Tricarico A, Bianco V, Di Biase AR, Iughetti L, Ferrari F, Berardi A. Lotus Birth Associated With Idiopathic Neonatal Hepatitis. Pediatrics & Neonatology. 2017 Jun;58(3):281–2.