The Tunnel - Bài ca tình người và khát vọng sống của điện ảnh Hàn

Ân, Theo Trí Thức Trẻ 13:49 22/09/2016

Sau Train to Busan, một tác phẩm khác của Hàn Quốc tiếp tục gây ấn tượng bằng câu chuyện cảm động.

Năm 2014, đạo diễn Kim Seong Hun gây tiếng vang ở LHP Cannes với bộ phim tội phạm/kịch tính A Hard Day. Sau thành công này, ông biệt tăm hai năm trước khi quay lại với tác phẩm The Tunnel (Đường Hầm). Lần này, Kim Seong Hun chọn đề tài thảm họa, lồng ghép thái độ phê phán xã hội Hàn Quốc.

Đường dây chính của phim khá đơn giản. Trên đường lái xe về nhà, Jung Soo (Ha Jung Woo) gặp tai nạn sập hầm và mắc kẹt trong đống đổ nát. Một đội cứu hộ nhanh chóng được điều đến hiện trường. Tuy nhiên vì nhiều lý do như sụp đổ lan rộng, đánh giá sai, công việc giải cứu kéo dài hơn dự định. Ở bên dưới, Jung Soo phải nỗ lực sống còn chỉ với chiếc điện thoại, hai chai nước và một cái bánh kem.

The Tunnel - Bài ca tình người và khát vọng sống của điện ảnh Hàn - Ảnh 1.

Jung Soo mắc kẹt dưới hầm

The Tunnel không chỉ nói về cuộc đấu tranh sinh tồn đơn độc giống bộ phim Mỹ 127 Hours. Kịch bản do chính đạo diễn Kim Seong Hun chắp bút khéo léo mở rộng hai câu chuyện song song. Dưới đường hầm là Jung Soo đang mắc kẹt, trên mặt đất là nhiều con người đang thực hiện công tác cứu hộ gian nan. Đó là chưa kể đến làn sóng dư luận của người dân Đại Hàn tỏ ra muốn dừng cuộc giải cứu. Cả ba bối cảnh này đều có các tình tiết thú vị, đan xen tạo nên một đường dây hoàn chỉnh.

Điều thú vị của The Tunnel là không quá lạm dụng kỹ xảo như nhiều phim thảm họa khác. Thay vào đó, khả năng xoay sở, cách con người đối mặt với nghịch cảnh mới là chủ đề chính của tác phẩm. Dù gặp biến cố lớn nhưng Jung Soo vẫn duy trì tinh thần lạc quan và tin tưởng vào cuộc sống. Thậm chí, anh còn nhiều câu nói đùa để giảm căng thẳng và tạo ra không khí hài hước.

The Tunnel - Bài ca tình người và khát vọng sống của điện ảnh Hàn - Ảnh 2.

Cách xây dựng nhân vật lạc quan tương tự tác phẩm "The Martian" của Hollywood

Hình ảnh của Jung Soo hiện lên rất đời thường mà không bị phô trương, làm quá theo chủ nghĩa anh hùng. Khi gặp người bị nạn khác, anh có chút ngần ngừ trong việc chia sẻ nhu yếu phẩm. Khi thời gian kéo dài, Jung Soo cũng bắt đầu tuyệt vọng và phải dựa vào sợi dây liên kết với gia đình mới bám trụ được.

Thế nhưng anh không hề đánh mất niềm tin và vẫn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Có lẽ chỉ có một con người với nghị lực mạnh mẽ như vậy, với tình cảm gia đình bền chặt như vậy mới có thể vượt qua được mọi giới hạn về thể chất. Khán giả đồng cảm với Jung Soo vì họ thấy chính mình trong đó, hoặc phần tốt đẹp của bản thân mà họ muốn hướng đến.

Thoạt đầu, hẳn người xem cũng suy nghĩ, tại sao phải cố gắng cứu một kẻ vô danh? Tại sao tính mạng của một người lại khiến cả nước tốn nhiều công sức như vậy? Thế nhưng bản chất của nhân loại không phải những cỗ máy được lập trình để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất. Việc giải cứu Jung Soo không chỉ là cứu một sinh mệnh, mà còn là để thể hiện tình người, lòng bác ái của một giống loài không bao giờ bỏ đồng loại lại phía sau. Ngoài ra, đó còn là danh dự của quốc gia, nếu hôm nay anh từ bỏ người dân, ngày mai còn ai dám đứng cạnh anh?

The Tunnel - Bài ca tình người và khát vọng sống của điện ảnh Hàn - Ảnh 3.

"Gánh xiếc rong" bám theo cuộc giải cứu

Tuy nhiên, ngay cả những giá trị đó cũng vẫn bị thách thức trong xã hội đương đại. Trớ trêu thay, nếu giải cứu nạn nhân bên trong hầm sập lại đồng thời cản trở một đường hầm hoàn chỉnh gần đó. Mỗi ngày bỏ ra để cứu Jung Soo, cả nước lại thiệt hại hàng triệu USD. Dư luận mâu thuẫn và chia ra hai phe ủng hộ việc giải cứu hoặc không. Ranh giới giữa nạn nhân và tội đồ bị xóa nhòa. Bỗng nhiên, Jung Soo trở thành cái gai trong mắt nhiều người dù anh chẳng làm gì sai. The Tunnel thú vị còn vì nó đặt ra nhiều câu hỏi về phạm trù đạo đức mà không dễ trả lời rạch ròi.

Ngoài ra, tác phẩm còn mang tính châm biếm sâu sắc xã hội Hàn Quốc. Có thể nói, The Tunnel là câu chuyện của một người "khuất mặt" bên dưới và rất nhiều người "đeo mặt nạ" bên trên. Những công trình bị rút ruột, cánh nhà báo bất chấp tất cả để săn được tin nóng, giới lãnh đạo phát ngôn hùng hồn nhưng sâu bên trong chỉ quan tâm đến hình ảnh của mình, tất cả đều được thể hiện đầy đủ và đầy chân thực. Khán giả Việt Nam xem đến đây cũng sẽ gật gù đôi chỗ vì nhận ra có gì đó "gần gũi" ở câu chuyện này.

The Tunnel - Bài ca tình người và khát vọng sống của điện ảnh Hàn - Ảnh 4.

Bae Doo Na vào vai vợ nhân vật chính

Về thủ pháp điện ảnh, Kim Seong Hun vẫn tiếp tục chứng tỏ phong độ của mình sau A Hard Day. Ông mang đến cách tiếp cận hiện đại, thoát dần khỏi phong cách lê thê và chú trọng lấy nước mắt của phim Hàn. Các tình tiết được bố cục hợp lý và chuyển cảnh gảy gọn giữa các đoạn trên và dưới mặt đất. Điều này khiến phim duy trì được sự căng thẳng mà không cần đẩy nhanh nhịp độ. Điểm trừ là ở vài chỗ, cách xử lý mâu thuẫn của phim còn dễ dàng, chưa đẩy đến tận cùng.

Nếu Train to Busan thu hút ở cách dựng di chuyển tiếp nối từ toa này đến toa khác giữa các cảnh thì The Tunnel lại gây ấn tượng bởi bối cảnh không gian hẹp. Sự chật chội giữa cơ thể người, chiếc xe, gạch đá tạo nên nỗi sợ hãi vô hình cho khán giả. Trong không gian hẹp, đạo diễn vẫn tạo được nhiều tình huống sáng tạo để nhân vật tương tác với các vật dụng xung quanh. Hiệu ứng kỹ xảo của phim không nhiều nhưng đủ mãn nhãn trong các cảnh hầm sập.

The Tunnel - Bài ca tình người và khát vọng sống của điện ảnh Hàn - Ảnh 5.

Đoàn phim công phu dựng cảnh trong đường hầm

Thành công của một tác phẩm theo mô-típ sống còn phụ thuộc phần lớn vào diễn viên chính. Trong vai này, Ha Jung Woo có màn trình diễn xuất thần, phần lớn thời gian anh độc diễn trước máy quay. Chỉ trong năm nay, tài tử 38 tuổi có đến hai vai diễn ấn tượng với phong cách hoàn toàn khác nhau. Trong The Handmaiden, anh là một tay lừa bịp xảo trá lẫn si tình, nhưng đến The Tunnel, Ha Jung Woo lại hóa thân thành một người đàn ông đầy lạc quan và luôn hướng về gia đình.

Trong khi đó, diễn viên gạo cội Oh Dal Su cũng diễn đạt vai vị đội trưởng cứu hộ tận tâm, nỗ lực đến giây phút cuối cùng để không bỏ rơi người bị nạn. Nét chân thật, bộc trực của anh tạo được sự tương phản với lối diễn biến hóa của Ha Jung Woo. Nữ diễn viên xuất thân "trâm anh thế phiệt" Bae Doo Na (từng đóng Cloud Atlas) vào vai vợ của Jung Soo. Ngoài sự đau khổ khi chồng mắc kẹt, nhân vật này còn mang đến thông điệp tích cực khi bản thân cô cũng có mặt tại hiện trường hỗ trợ cho nhóm cứu hộ. Ngoài ra phim còn một "diễn viên" cực dễ thương khác để làm bạn đồng hành với nhân vật chính trong đống đổ nát, điều bất ngờ này xin dành lại cho khán giả tự "trải nghiệm".

The Tunnel - Bài ca tình người và khát vọng sống của điện ảnh Hàn - Ảnh 6.

Oh Dal Su vào vai đội trưởng cứu hộ

Cũng như các phim khác cùng chủ đề, The Tunnel mang lại nhiều kiến thức khoa học về sự sinh tồn. Song, ý tưởng chủ đạo của phim xoay quanh tình người và khát vọng sống, hai chủ đề chưa bao giờ lỗi thời trên màn ảnh.

Tác phẩm còn mang đến nhiều dụ ngôn thú vị về hiện thực cuộc sống. Nếu Train to Busan minh họa cách phản ứng của xã hội khi đương đầu với thảm họa, thì The Tunnel lại dùng câu chuyện của một người trong thảm họa để nhìn ra đặc tính của xã hội đương đại. Một lần nữa phải ngả mũ với các nhà làm phim xứ Hàn về một tác phẩm chất lượng, ý nghĩa và đầy xúc động.

Trailer "Đường Hầm" (Tunnel)

Phim Tunnel (Đường Hầm) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 23/09/2016.