Điểm tín dụng được tính dựa trên lịch sử tín dụng của khách hàng, bao gồm việc bạn đã trả các khoản vay và thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn hay chậm, số lượng tài khoản tín dụng đang mở và số tiền nợ chưa thanh toán.
Điểm tín dụng thường dao động từ 150 đến 750 điểm. Con số này chính là thước đo mức độ uy tín tài chính của khách hàng. Điểm tín dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng được chấp thuận sử dụng các sản phẩm tài chính như vay vốn, thẻ tín dụng.
Nếu điểm tín dụng cao, khả năng khách được chấp thuận cho vay và mở thẻ tín dụng sẽ tăng lên, ngược lại, điểm tín dụng thấp có thể khiến khách gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Tầm quan trọng của điểm tín dụng
Điểm tín dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Nó như một "bản lý lịch" tài chính, phản ánh mức độ đáng tin cậy của bạn trong việc trả nợ.
- Khả năng vay vốn: Một điểm tín dụng cao sẽ giúp bạn dễ dàng được các ngân hàng, tổ chức tài chính chấp thuận cho vay. Ngược lại, một điểm tín dụng thấp có thể khiến bạn bị từ chối cho vay.
- Lãi suất vay: Các tổ chức tài chính thường xem xét điểm tín dụng để đánh giá rủi ro trước khi quyết định lãi suất cho vay. Nếu điểm tín dụng của bạn cao, bạn sẽ có cơ hội vay vốn với lãi suất thấp, tiết kiệm được nhiều chi phí lãi vay trong dài hạn và ngược lại.
- Khả năng mở thẻ tín dụng mới và hạn mức thẻ tín dụng: Khách hàng có điểm tín dụng cao có cơ hội sử dụng thẻ tín dụng mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn và hạn mức tín dụng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chi tiêu của khách hàng.
Những yếu tố ảnh hưởng đến điểm tín dụng
Lịch sử thanh toán (chiếm 35%)
- Đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất và là nền tảng để xây dựng điểm tín dụng cá nhân tốt. Lịch sử thanh toán cho thấy bạn có thanh toán dư nợ đúng hạn hay không.
- Các yếu tố cấu thành:
Số lần trả chậm: Mỗi lần bạn trả chậm một khoản tiền đã “mượn” từ ngân hàng đều sẽ được lưu trong hồ sơ tín dụng và làm giảm điểm số
Mức độ trễ: Thời gian trễ hạn thanh toán càng lâu sẽ càng ảnh hưởng đến điểm tín dụng. Ví dụ, trễ hạn thanh toán 30 ngày sẽ giảm nhiều điểm hơn so với trễ 10 ngày
Số tiền nợ (chiếm 30%)
- Số tiền nợ là tổng số tiền mà bạn đang nợ trên tất cả các khoản vay. Một tỷ lệ nợ cao có thể cho thấy bạn đang gặp khó khăn về tài chính, khiến các tổ chức tín dụng dè dặt khi xem xét cho bạn vay tiếp.
- Các yếu tố cấu thành:
Tổng số tiền nợ: Bao gồm dư nợ thẻ tín dụng, nợ vay tiêu dùng, thế chấp và các khoản vay khác. Nếu tổng số nợ của bạn quá cao so với thu nhập, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến điểm tín dụng.
Tỷ lệ sử dụng hạn mức tín dụng: Đây là tỷ lệ giữa số tiền bạn đang nợ và hạn mức tín dụng được cấp. Tỷ lệ này càng thấp, điểm tín dụng của bạn càng cao, vì tỷ lệ sử dụng hạn mức tín dụng thấp cho thấy bạn chưa sử dụng hết khả năng vay nợ.
Thời gian mở tài khoản tín dụng (chiếm 15%)
Lịch sử tín dụng lâu dài thường cho thấy bạn là một người vay đáng tin cậy và có khả năng trả nợ tốt trong tương lai. Ngân hàng và các tổ chức tài chính thường đánh giá cao những khách hàng có lịch sử tín dụng dài hạn và ổn định.
Các loại tín dụng (chiếm 10%)
Việc sử dụng đa dạng các loại hình tín dụng cho thấy bạn có khả năng quản lý tài chính tốt. Sự kết hợp giữa tín dụng trả góp như vay mua nhà, vay mua xe và tín dụng quay vòng như thẻ tín dụng sẽ giúp tăng điểm tín dụng.
Tài khoản tín dụng mới (chiếm 10%)
Tài khoản tín dụng mới là số lượng các khoản vay mới mà bạn mở trong một khoảng thời gian nhất định. Quá nhiều khoản vay mới trong thời gian ngắn có thể cho thấy một người đang gặp khó khăn về tài chính. Việc mở quá nhiều tài khoản tín dụng mới cũng có thể làm giảm điểm vì nó tạo ra áp lực tài chính và rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
Cách kiểm tra điểm tín dụng cá nhân
- Kiểm tra tại website CIC: Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) là tổ chức nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thu thập, lưu trữ và cung cấp thông tin tín dụng của các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam. Tất cả các thông tin về lịch sử tín dụng của bạn, bao gồm: các khoản vay, thẻ tín dụng, lịch sử thanh toán... đều được CIC lưu trữ và cập nhật thường xuyên.
- Kiểm tra tại ngân hàng: Bạn có thể liên hệ qua hotline hoặc đến trực tiếp phòng giao dịch/chi nhánh ngân hàng đang sử dụng dịch vụ để yêu cầu ngân hàng kiểm tra điểm tín dụng.
Tổng hợp