Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi CNBC và Generation Lab vào cuối tháng 1/2024 cho thấy: Dù đã kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng nhiều người trưởng thành thuộc thế hệ GenZ (18-27 tuổi) và thế hệ Millennials (28-34 tuổi) vẫn đang gặp khó khăn trong việc thiết lập ngân sách đầu tư, cụ thể hơn là đầu tư chứng khoán.
63% người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ nhận thức được thị trường chứng khoán là nơi tuyệt vời để đầu tư và làm giàu, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc nhận thức mà thôi. Không có bất cứ hành động rót vốn nào được đưa ra từ nhóm những người này.
Theo khảo sát của Youth & Money (Mỹ): Hầu hết người trẻ đang kiếm được nhiều tiền hơn trong 12 tháng trở lại đây: 32% người đã được tăng tương ít nhất 10%, 31% vẫn có mức thu nhập tương đương như năm cũ. Dẫu vậy, họ vẫn khẳng định bản thân không có đủ tiền để tính tới chuyện đầu tư.
Clifford Cornell - Cố vấn tài chính của Bone Fide Wealthy (New York, Mỹ) cho biết: "Thế hệ này thực sự không có tiền tiết kiệm và đó là lý do chính cản bước họ đầu tư".
Ảnh minh họa
Kết quả cuộc khảo sát cũng chứng minh điều tương tự với lời khẳng định của Clifford Cornell.
Khi được hỏi về Quỹ khẩn cấp (khoản quỹ dùng để trang trải cuộc sống nếu không may thất nghiệp, hoặc ốm đau và không thể kiếm tiền):
- Chỉ 3% người tham gia khảo sát tự tin khẳng định vẫn có thể "sống cực kỳ thoải mái".
- 18% nói rằng "nếu cố gắng cắt giảm chi tiêu thì vẫn có thể duy trì cuộc sống".
- 41% cho biết dù có tiền trong quỹ khẩn cấp nhưng vẫn cần gia đình hỗ trợ nếu thất nghiệp quá 3 tháng.
- 38% nói rằng họ tiêu hết toàn bộ thu nhập hàng tháng và không thể hình dung được nếu không có nguồn thu nhập ấy thì cuộc sống sẽ thế nào.
53% người tham gia khảo sát thừa nhận thu nhập của họ gần như chỉ dùng để trang trải chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại.
Khi được hỏi về việc kế hoạch sắp xếp, ổn định cuộc sống, 40% cho biết họ sống cùng gia đình để cắt giảm chi phí thuê nhà, 27% phải ở ghép cùng người khác và chỉ có 13% có đủ khả năng sống một mình.
Ảnh minh họa
Theo Susan M. Wachter - Giáo sư Tài chính tại trường Đại học Pennsylvania (Mỹ): "Số lượng thanh niên sống với cha mẹ đang ở mức cao lịch sử do chi phí nhà ở quá cao. Thực tế này đang đưa chúng ta quay trở lại năm 1940 - Thời điểm kết thúc cuộc đại suy thoái".
Chi phí sống ngày càng tăng cao do lạm phát đã hạn chế khả năng dành tiền để tiết kiệm và đầu tư của GenZ, Millennials. Theo báo cáo của Đại học Pennsylvania, trong nhóm sinh viên đã tốt nghiệp 5-7 năm, chỉ 11% có đủ tiền tiết kiệm để trang trải chi phí sinh hoạt trong một năm nếu họ không có thu nhập, trong khi đó, 48% không thể trang trải chi phí trong hai tháng.
Theo CNBC