"The Girl On The Train", "Gone Girl" hay những cuộc hôn nhân nguy hiểm

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 09:31 08/03/2017

Cả "Gone Girl" và "The Girl On The Train" này đều là những câu chuyện xoay quanh "hệ quả" của những cuộc hôn nhân.

Năm 2014, Gone Girl (Cô Gái Mất Tích) của David Fincher đã gây ra một cơn bão tại các phòng vé khi thu về hơn 360 triệu đô. Bộ phim ngay lập tức trở thành một hiện tượng và đề tài để mọi người bàn tán về sự "nguy hiểm" của hôn nhân. Dù diễn xuất của Rosamund Pike rất xuất sắc, giúp cô lọt vào hàng loạt đề cử nhưng Gone Girl cũng là một cầu nối hiệu quả để Ben Affleck trở về với địa hạt diễn xuất trước khi chính thức xuất hiện trong bộ áo Batman.

The Girl On The Train, Gone Girl hay những cuộc hôn nhân nguy hiểm - Ảnh 1.

Rosamund Pike và Ben Affleck trong "Gone Girl"

Không bàn đến chất lượng của Gone Girl ở đây vì đã có quá nhiều thứ được nói. Nhưng không thể phủ nhận bản thân bộ phim và tiểu thuyết gốc của Gillian Flynn đã tạo được nguồn cảm hứng cực kì mạnh mẽ cho các tác giả khác. Trong đó có Paula Hawkins với "The Girl on the Train" ra mắt năm 2015 và được chuyển thể điện ảnh vào năm 2016 bởi đạo diễn Tate Taylor.

The Girl On The Train, Gone Girl hay những cuộc hôn nhân nguy hiểm - Ảnh 2.

Emily Blunt trong vai Rachel - "The Girl on the Train"

Xét về tổng thể, cả tiểu thuyết lẫn bản phim của The Girl on the Train đều không được đánh giá cao như Gone Girl. Doanh thu phòng vé cũng chỉ khoảng một nửa (172 triệu đô). Nhưng, The Girl on the Train tuyệt đối không phải một tác phẩm "ăn theo" rẻ tiền mà nó vẫn có những thứ rất đắt giá, từ tiểu thuyết cho đến điện ảnh.

Cả hai tác phẩm đều xoay quanh nhân vật chính là những cô gái có vấn đề với hôn nhân, hay cụ thể là trở thành nạn nhân của ngoại tình. Amy (Gone Girl) hay Rachel (The Girl on the Train) đều cực kì nguy hiểm, ít nhất là trong suy nghĩ. Trong cả hai câu chuyện, vấn đề tâm lý cũng như bản năng phụ nữ của các nữ chính đều được xoáy sâu còn tất cả những nhân vật nam khác đều chỉ làm nền.

The Girl On The Train, Gone Girl hay những cuộc hôn nhân nguy hiểm - Ảnh 3.

Rosamund Pike trong vai Amy - "Gone Girl"

Paula Hawkins hay Gillian Flynn thật sự tài năng khi đưa nhân vật của mình vào một hoàn cảnh khiến người xem kinh sợ nhưng vẫn có thể cảm thông. Những chi tiết, tuyến vai của các nhân vật nam, thậm chí là nam chính như Nick (Gone Girl) hay Tom, Scott (The Girl on the Train) đều chỉ mang tính tham khảo và phát triển nội dung. Có thể do hai nữ tác giả không tự tin khi đào sâu suy nghĩ đàn ông hoặc đơn giản là họ không cần làm thế. Bởi vì chỉ cần tập trung vào Amy hay Rachel là đã có thể tạo ra một ma trận vô cùng phức tạp của hôn nhân. Người xem lúc nào cũng có cảm giác mắc kẹt trong những manh mối và cảm giác căng thẳng, chẳng biết những cô gái kia đang suy nghĩ gì.

Rachel, Megan và Anna - Những kẻ đố kị

The Girl on the Train khai thác một lúc 3 nhân vật nữ. Rachel, Megan và Anna đều có những liên kết với nhau về mặt nào đó và cả ba đều là những phụ nữ có vấn đề trong hôn nhân. Anna là người đã "cướp" Tom từ Rachel khi cô trở thành một kẻ nghiện rượu, gây ra những khó khăn trong chuyện chăn gối. Megan là bảo mẫu ở nhà Anna khi Anna dọn về sống cùng Tom. Megan cùng gã người tình quyến rũ Scott cũng chính là sự khao khát của Rachel khi cô bị lọai khỏi cuộc sống hôn nhân, trở thành cô gái kì lạ trên chuyến tàu lửa mỗi ngày.

The Girl On The Train, Gone Girl hay những cuộc hôn nhân nguy hiểm - Ảnh 4.

Haley Bennett trong vai Megan - "The Girl on the Train"

Phiên bản phim có cách bắt đầu bám sát với tiểu thuyết khi chia làm từng đoạn suy nghĩ xoay quanh từng nhân vật. Tuy rằng cách kể này sẽ gây "khó khăn" ít nhiều với khán giả trong việc theo dõi nhưng nó tạo được không khí căng thẳng và hoang mang rất cần thiết cho The Girl on the Train. Khán giả sẽ từ từ nhận ra những cô gái này là ai cùng những vấn đề họ đang mắc phải. Điểm chung của Rachel, Megan và Anna chính là "sự đố kị" lẫn nhau.

Anna và Rachel là tình địch và có sự "đổi ngôi" trong việc giành lấy trái tim Tom nên chắc chắn sự đố kị của họ chính là hạnh phúc của người còn lại. Cả Rachel hay Anna khi trở thành "người chiến thắng" thì đều phải sống trong tâm thế lo sợ sự tấn công của người kia.

The Girl On The Train, Gone Girl hay những cuộc hôn nhân nguy hiểm - Ảnh 5.

Rebecca Ferguson trong vai Anna - "The Girl on the Train"

Rachel còn đố kị với Megan vì cô có cuộc hôn nhân trong mơ mà Rachel nhìn thấy mỗi ngày trên tàu. Rachel luôn nhìn vào ngôi nhà của Megan và Scott mỗi khi đi qua, nơi họ ân ái và  đắm chìm trong thứ hạnh phúc "vợ chồng son" mà Rachel cũng từng có.

Những tưởng là cô gái đơn giản nhất trong bộ ba vì có được cuộc sống trọn vẹn nhưng Megan là người gánh chịu những thương tổn nặng nề vì bi kịch trong quá khứ. Cô là một bảo mẫu nhưng lại không muốn trở thành một người mẹ, cô đố kị với Anna - một người mẹ hạnh phúc.

The Girl On The Train, Gone Girl hay những cuộc hôn nhân nguy hiểm - Ảnh 6.

Luke Evans và Haley Bennett

Nếu Gone Girl chỉ hoàn toàn tập trung vào Amy cùng những toan tính khủng khiếp của cô thì sự chồng chéo trong những suy nghĩ tự thân giữa Rachel, Megan và Anna chính là điều tạo ra sự hấp dẫn cho The Girl on the Train. Khán giả phài không ngừng chuyển "mũi dùi" vào từng nhân vật để tìm ra kẻ thủ ác trong vụ án sát nhân.

Nhưng, có lẽ điều khiến The Girl on the Train bị "mất điểm" so với Gone Girl chính là cả ba nhân vật đều không quá nguy hiểm như Amy. Họ không tự điều khiển cả cuộc đời mình mà bị thao túng bởi những suy nghĩ dành cho người khác cũng như hoàn cảnh bản thân. Do đó mà câu chuyện của The Girl on the Train ngỡ là phức tạp hơn Gone Girl nhưng dư âm để lại không nặng nề. Sự ngao ngán dành cho hôn nhân chỉ dừng lại ở mức "nhận ra" chứ không "ám ảnh". Nhiều người đã nói đùa rằng có khi vì đóng Gone Girl mà Ben Affleck đã nảy sinh vấn đề với người vợ bấy lâu son sắc.

The Girl On The Train, Gone Girl hay những cuộc hôn nhân nguy hiểm - Ảnh 7.

Ngoại tình - "con sâu" kinh khủng nhất của hôn nhân

Tất thảy những bi kịch trong hai bộ phim đều xoay quanh việc "ngoại tình". Người chồng hay người vợ trở thành nạn nhân đều không quan trọng, vấn đề ở đây chính là sự đổ vỡ trong cuộc sống đôi lứa. Là Nick đã tằng tịu với cô giúp việc, Anna đã léng phéng với Tom sau lưng Rachel hay Megan luôn muốn quyến rũ tay bác sĩ tâm lí đều giống nhau. Sự trả thù, sự kiểm soát, sự hung ác dẫn đến những cái chết không vì ai là nạn nhân của ngoại tình mà bắt đầu từ chính nơi mà sự ngoại tình đã nhen nhóm.

The Girl On The Train, Gone Girl hay những cuộc hôn nhân nguy hiểm - Ảnh 8.

Amy - Một nhân vật nữ "ghê gớm" của điện ảnh

Khi Amy quá bận bịu với việc hoạch định sự nghiệp hay ám ảnh với cuộc đời mình chính là lúc vô tình ban cho Nick cơ hội trăng hoa. Khi Rachel trở thành một kẻ nghiện rượu mất kiểm soát, cô không thể trách bản thân đã để mất Tom. Vì có được người tình từ vị trí người thứ ba nên Anna không thể tin tưởng vào hạnh phúc mà cô đang có. 

Megan cũng vậy, khi cô không thể tha thứ cho bản thân mình ngày xưa thì cô sẽ chưa bao giờ bình yên ngay cả khi đã có một người yêu tuyệt vời. Megan là nạn nhân thương tâm nhất trong bộ phim cũng chính bởi vì cô là người bất ổn nhất. Từ chỗ hạnh phúc được bắt đầu trở lại, Megan lại dần đánh mất nó và biến mình thành trung tâm của những mầm tội.

The Girl On The Train, Gone Girl hay những cuộc hôn nhân nguy hiểm - Ảnh 9.

Emily Blunt với diễn xuất đỉnh cao, gần như làm chủ cả bộ phim

Paula Hawkins hay Gillian Flynn đã khơi gợi được những cảm giác đáng sợ mà không ai muốn đối mặt trong hôn nhân. Những cô gái "nguy hiểm", những gã đàn ông phụ bạc, những cái chết kinh khủng thực chất cũng chỉ là chất liệu để hai nhà văn viết nên cái khó khăn trong việc làm vợ chồng. Và thật may mắn khi cả David Fincher và Tate Taylor đều có những thủ pháp chuyên nghiệp để khắc họa những thứ mang tính cảm giác đó lên màn ảnh rộng.

Tất nhiên không thể bỏ quên công đầu của những người đàn bà vừa đẹp vừa tài năng. Ngoài Rosamund Pike và Emily Blunt đều đã mang về những giải thưởng nhờ hai bộ phim này thì Haley Bennett và Rebecca Ferguson trong The Girl on the Train đều rất đáng biểu dương. Haley và Rebecca không cần phải thể hiện sự phức tạp trong tâm lý như Emily Blunt nhưng hai cô gái này hoàn toàn biết vận dụng những thế mạnh bản thân khi sắm vai. Trừ Haley Bennett, những cô còn lại đều đã từng trải qua cuộc sống hôn nhân nên có thể đó là lý do để họ thể hiện rất tốt diễn biến tâm lý những người vợ.

The Girl On The Train, Gone Girl hay những cuộc hôn nhân nguy hiểm - Ảnh 10.

Có thể Gone Girl hay The Girl on the Train đều tạo ra cảm giác hơi "quá đà" trong suy nghĩ của phụ nữ Việt Nam về hôn nhân. Nhưng lại là một chú "homerun" trên sân nhà Hollywood, nơi mà những cuộc tình đến rồi đi cũng nhanh như khi một bộ phim ra rạp. Amy, Rachel, Megan hay Anna âu cũng chỉ là đại diện cho những vấn đề về tư tưởng và bản năng của phụ nữ đối với người chồng. Đó là lý do dù không trở thành "hit" nhưng The Girl on the Train vẫn đoạt giải thưởng "People's Choice" mới đây cho thể loại phim tâm lí kinh dị của năm.