Tờ Guardian đã trích dẫn 1 bài báo được đăng trên Thời báo Bình Nhưỡng cho biết nhà máy thực phẩm Taedonggang đã không ngừng cải thiện đồ uống trong nhiều năm qua, thay thế đường bằng loại cơm cháy gạo nếp giúp loại bỏ cả vị cay lẫn cồn trong rượu.
Một người đàn ông Triều Tiên đang hát karaoke tại 1 khách sạn ở Mount Kumgang, Triều Tiên. Ảnh: AP.
"Rượu Koryo Liquor được làm từ nhân sâm 6 tuổi Kaesong Koryo, vốn được xem là có dược tính cao nhất, và cơm cháy, vốn được các chuyên gia và người yêu rượu đánh giá cao bởi hương vị tinh tế và tính chất không gây say", bài báo đưa tin.
Vào tháng Tám năm ngoái, hãng thông tấn Triều Tiên cũng từng đưa tin trường Đại học Koryo Songgyungwan đã nghiên cứu để cải thiện chất lượng của loại rượu Kaesong Koryo Insam Liquor. Hay trước đó, vào năm 1999, 1 bài báo của Triều Tiên cũng khẳng định loại rượu này là "1 vị thuốc tiên".
Andray Abrahamian, giám đốc trung tâm nghiên cứu Choson Exchange - người thường xuyên tới thăm Triều Tiên - cho biết ông chưa từng nếm thử loại rượu không say này, tuy nhiên, ông rất thích các loại rượu của Triều Tiên bởi chúng rất ngon.
"Có nhiều loại rượu cao cấp chỉ được sản xuất ở Triều Tiên. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, chưa có loại rượu nào uống không say trên thế giới cả", ông Abrahamian chia sẻ.
Nếu như thông tin về loại rượu không say này được kiểm chứng, loại rượu này chắc chắn sẽ phải rất phổ biến ở Triều Tiên. Theo tổ chức WHO, mỗi một người Triều Tiên thường uống 12,1 lít rượu mỗi năm, cao hơn trung bình tất cả các nước ở châu Á.
Năm ngoái, truyền thông Triều Tiên cũng từng đưa tin nước này đã phát minh ra nhiều phương thuốc chiết xuất từ thực vật chữa được các dịch bệnh khủng khiếp như Mers, Sars và thậm chí cả HIV-AIDS.
(Nguồn: Guardian)