Tổng thống Mỹ Barack Obama đích thân comment đầy cảm động trên Humans of New York

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 11/12/2015

Sau khi câu chuyện của một người đàn ông tị nạn Syria được trang Humans Of New York chia sẻ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trực tiếp bình luận chia sẻ nỗi đau mất mát tới người đàn ông tội nghiệp.

Lại một lần nữa, Humans Of New York kể về người tị nạn. Điểm đến lần này của nhóm là Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, HONY được nghe kể về câu chuyện đau lòng của một gia đình người Syria, những cuộc đời vụn vỡ vì sự vô tình của chiến tranh.

Đó là câu chuyện của một người đàn ông đến từ Syria, đến thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ 2 năm về trước. Khi còn ở quê nhà, ông tiết lộ mình từng là một Tiến sĩ giỏi giang với thành tích học tập thuở thiếu thời không chê vào đâu được. Ông kể, mình đã từng tốt nghiệp trung học với số điểm cao thứ 3 toàn quốc và tốt nghiệp Đại học với số điểm cao nhất lớp.

 Người đàn ông Syria và câu chuyện bi thảm tại quê nhà.

Cuộc sống êm đềm trôi qua với một cuộc hôn nhân viên mãn với người phụ nữ mà ông gặp ở trường Đại học. Nàng học luật, chàng học khoa học, đôi trai tài gái cũng giỏi giang sớm sinh được 3 người con và sống cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc. Con cái học giỏi, gia đình ấm êm, hàng xóm ai ai cũng quý, những tưởng đời chỉ có vậy là quá đủ rồi.

Và rồi đến một ngày, hạnh phúc nhỏ nhoi ấy bị dập tắt. Hai quả tên lửa tầm nhiệt từ đâu phóng xuống khu vực mà người đàn ông và cả gia đình đang sinh sống. Bên trong mỗi quả tên lửa ấy là 116 quả bom, bên trong mỗi quả bom nhỏ là hằng hà sa số những mảnh đạn, kim nhỏ. Một quả tên lửa đã rơi trúng vào nhà của người đàn ông ấy, nhưng nó không phát nổ, chỉ phá hủy tầng thượng, nơi vợ và một người con gái của ông đang ở, giết chết họ trong chỉ một cái chớp mắt.

 Hình ảnh khu nhà mà đại gia đình ông từng sinh sống hạnh phúc.

"16 người thiệt mạng trong vụ tấn công ấy, hết 7 người là từ gia đình tôi. Lúc ấy tôi đang đi giám sát công trình, chẳng ai ở xung quanh để giúp đỡ bọn trẻ. Con trai tôi phải mang từng mảnh thi thể của mẹ và em gái nó ra khỏi nhà. Lúc ấy nó mới 14 tuổi, nó lại còn rất thông minh. Giờ nó đã khác, ngay sau khi thảm kịch ấy xảy ra. Bây giờ ngày nào nó cũng viết chữ "mẹ" vào vở liên tục liên tục mỗi ngày. Đêm nào nó cũng khóc. Hai năm đã trôi qua nhưng dường như mọi chuyện chẳng hề nguôi ngoai. Con gái của tôi vẫn còn nhiều mảnh đạn trong cổ", người đàn ông gốc Syria chia sẻ.

Kể từ cái ngày ấy, cả đại gia đình hạnh phúc giờ đây chỉ còn 3 người sống sót. Họ chỉ còn sống về mặt thể xác, tâm hồn họ đã chết trong cuộc tấn công oan nghiệt đó rồi. Hai ngày kể từ thảm kịch, tất cả những tài sản còn lại trong nhà người đàn ông ấy bị trộm sạch, ba người lại rơi vào cảnh tay trắng. Cuối cùng họ quyết định tới Thổ Nhĩ Kỳ.

 Ba con người khốn khổ chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm kịch đau lòng.

Tại đất nước này, tưởng rằng sẽ có một lối thoát cho sự khổ đau mà ba cha con phải chịu đựng. Thế nhưng mọi chuyện lại trở nên bế tắc hơn. Cầm trong tay tấm bằng Tiến sĩ, công trình nghiên cứu của mình được đưa vào giảng dạy trong trường đại học nhưng ông lại rơi vào cảnh thất nghiệp, chẳng ai nhận người đàn ông khốn khổ vào làm việc. Con cái cũng chẳng được đi học, chỉ ru rú trong nhà, lại còn không có chút quyền lợi tối thiểu, luôn phải sống trong sự khinh rẻ của dân địa phương.

Cuối cùng ông đành sử dụng kiến thức của mình để chế tạo, thiết kế sản phẩm khoa học và đem bán cho người Thổ Nhĩ Kỳ đổi lấy tiền sống qua ngày. Tuy nhiên họ chỉ trả ông một khoản vô cùng rẻ mạt, có khi chỉ vừa vặn đủ tiền mua nguyên vật liệu mà thôi, còn bằng phát minh sáng chế, người ta ôm sạch. Chẳng có bất cứ sự tôn trọng nào dành cho các phát minh của người tiến sĩ tài hoa.

 Cuộc sống tại Thổ Nhĩ Ky cũng trở nên vô cùng khó khăn.

Đau khổ, tuyệt vọng đã khiến người đàn ông phát bệnh ung thư dạ dày. Giờ đây tâm hồn đã chết, cơ thể lại đau đớn vì bệnh tật, người đàn ông chẳng còn biết phải xoay sở thế nào khi không có bảo hiểm hay trợ cấp.

Tuy nhiên không vì vậy mà ông đánh mất hoàn toàn hy vọng cuộc sống.

"Tôi nghĩ rằng mình vẫn còn cơ hội để tạo ra sự thay đổi trên thế giới. Tôi còn một vài phát minh nữa mà tôi mong sẽ được cấp bằng sáng chế nếu như tôi được đến Mỹ. Tôi muốn có một nơi chốn để nghiên cứu. Hôm nay tôi sẽ tới Troy, Michigan. Tôi chẳng biết gì về nơi ấy, chỉ hy vọng nó sẽ an toàn và người ta sẽ tôn trọng khoa học. Tôi chỉ muốn lại được làm việc. Tôi muốn lại làm một con người. Tôi không muốn thế giới nghĩ rằng tôi tiêu rồi. Tôi vẫn ở đây."

 Ông cho biết mình sẽ tới Mỹ sinh sống.

Câu chuyện của người đàn ông tài hoa nhưng số phận bi đát đã gây cảm động cho tất cả những ai theo dõi đủ 7 kỳ kể chuyện của HONY. Người ta chia sẻ nỗi buồn với ông, bày tỏ hy vọng rằng nước Mỹ sẽ sớm ra tay cứu vớt số phận của người đàn ông này khi ông đặt chân tới bang Michigan. Ông đã phải chịu đựng quá nhiều sự đau khổ, và ít nhất đến lúc này, hãy làm gì đó để xoa dịu nỗi đau ấy.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã đọc được câu chuyện xúc động ấy. Và cũng ở trong vị thế là một người cha, người chồng, Obama hoàn toàn đồng cảm với người đàn ông Syria ấy. Tổng thống đã để lại dòng chia sẻ ngay dưới câu chuyện của người đàn ông:

"Với tư cách là một người chồng, người cha, tôi không thể dù chỉ tưởng tượng nỗi đau mà anh đã phải chịu đựng. Anh và gia đình anh đúng là một niềm cảm hứng. Tôi biết những con người vĩ đại bang Michigan sẽ che chở anh bằng lòng nhân từ và sự tương trợ mà anh xứng đáng được hưởng. Đúng, anh vẫn có thể tạo ra được sự thay đổi cho thế giới, và chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi anh chọn nơi đây là nơi gửi gắm giấc mơ của mình. Chào mừng đến với mái nhà mới của anh, anh sẽ là một phần giúp nước Mỹ tốt đẹp hơn".

 Tổng thống Obama gửi lời chia sẻ, động viên tới người đàn ông Syria khốn khổ.

Lời chia sẻ của Obama đã được hơn 63 nghìn người hưởng ứng, đồng thời hơn 1.200 lời bình luận đã được gửi đến ngay bên dưới, khen ngợi hành động của Tổng thống Mỹ. Và tới khi HONY tiếp tục đăng lại ảnh chụp màn hình lời chia sẻ của Obama, lại có thêm 326 nghìn người bấm like, lượt chia sẻ lên đến gần 27 nghìn lần và hơn 6 nghìn lời bình luận dành tặng cho cả HONY và Obama. Có người cho rằng, Humans Of New York xứng đáng được trao giải Nobel Hòa Bình. Bạn có nghĩ vậy hay không?