Thương lắm một Nepal kiên cường trong những tháng ngày đen tối

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 14:54 01/10/2015
Chia sẻ

Đã gần nửa năm kể từ khi Nepal hứng chịu 2 trận động đất khiến hàng nghìn người thiệt mạng, đến nay quốc gia Nam Á này lại phải đối mặt với khủng hoảng xăng dầu nghiêm trọng, nhưng người Nepal, đã và đang kiên cường để cùng vượt qua tất cả.

Tháng 4 vừa rồi, hai cơn động đất với cường độ 7.3 Richter tấn công Nepal chỉ trong vòng 1 tháng, hậu quả cơn này chưa khắc phục xong cơn khác đã tới. Hơn 7000 người đã chết, hàng chục nghìn người bị thương và thiệt hại kinh tế nặng nề đã gần như đánh gục quốc gia Nam Á này. Gần nửa năm sau, những tưởng Nepal đang trên đà thuận lợi hồi phục sau thảm họa thiên nhiên, tuy nhiên hiện nay nước này lại phải đối mặt thêm với một khó khăn tiếp theo, đó là cuộc khủng hoảng xăng dầu.

5-0d91c
Nepal đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng sau hai vụ động đất giết chết hàng nghìn người.

Mối quan hệ giữa chính phủ Nepal và Ấn Độ đã xuất hiện rạn nứt sau khi quốc gia này tuyên bố rằng vấn đề thiếu hụt nhiên liệu trong thời gian qua là do Ấn Độ đã cố tình phong tỏa giao dịch xăng dầu, đồng thời ban lệnh đóng cửa biên giới giữa hai nước. Chính phủ Ấn Độ phủ nhận phán xét này từ phía người anh em láng giềng, cho rằng hành động cắt giảm cung cấp nhiên liệu của nước này là do lo lắng cho sự an toàn của các tài xế vận chuyển do nội bộ Nepal đang rất rối ren, hay xảy ra biểu tình, bạo loạn.

Vốn là một quốc gia khan hiếm xăng dầu và phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp là nước láng giềng Ấn Độ, một khi biên giới giữa Nepal và Ấn Độ bị đóng cửa, nhiên liệu phục vụ cả quốc gia có thể sẽ lâm vào tình trạng cạn kiệt do không có nguồn cung cấp khác. Và chuyện không may nhất này đã xảy ra, Nepal đã lâm vào cuộc khủng hoảng nhiên liệu thực sự.

7-0d91c
Các phương tiện rất khó khăn để được đổ xăng.

Cảnh tượng những ngày qua ở Nepal là hàng loạt xe máy, xe hơi và các phương tiện phải xếp xó do không đổ được xăng, người dân buộc phải chọn biện pháp đi bộ. Cực chẳng đã, chính phủ Nepal đã ban hành một biện pháp khá kỳ lạ, đó là chia ngày lưu thông xe dựa trên biển số, xe lẻ đi ngày lẻ, xe chẵn đi ngày chẵn. Thế nhưng biện pháp này cũng chẳng ăn thua là mấy, dân vẫn phải đi bộ, xe vẫn xếp ngoài đường, dòng người xếp hàng đổ xăng mỗi ngày một dài nhưng chưa chắc đã có cơ hội được nạp nhiên liệu.

Hậu quả không chỉ dừng lại ở đó. Sự thiếu hụt nhiên liệu này đã có ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nepal. Không có xăng dầu, giao thông vận tải ngưng trệ, buôn bán trao đổi hàng hóa bế tắc, thậm chí các hãng hàng không quốc tế cũng dần rời bỏ quốc gia này. Ngày 28/09, hãng hàng không Southern Airlines Trung Quốc đã tuyên bố hủy đường bay từ Quảng Châu đến sân bay tại thủ đô Kathmandu, Nepal vì không có trạm tiếp nhiên liệu cho máy bay ở đây. Hãng Malaysian Airlines tuy vẫn duy trì đường bay đến Nepal, tuy nhiên với tình trạng luôn phải sang sân bay Ấn Độ để đổ xăng, có lẽ đường bay này không tồn tại được thêm nữa. 

Ngày thứ 3 (29/9) vừa rồi, tập đoàn xăng dầu Nepal ra thông báo cấm các chuyến bay quốc tế tiếp nhiên liệu tại sân bay Kathmandu để dự trữ phục vụ nhu cầu người dân, khiến nhiều hãng hàng không quyết định hủy tuyến bay đến đất nước này.

Trước tình trạng khan hiếm xăng dầu, xếp hàng dài dằng dặc đổ xăng như bây giờ, đáng lẽ ra người dân phải bức xúc bực bội lắm. Vậy mà người dân vẫn rất trật tự, văn minh, họ không chen chúc, không gào thét, không chửi rủa, họ nhẹ nhàng, quy củ, lần lượt từng người từng người một nhích dần lên. Họ thông cảm lẫn nhau, thông cảm cho tình hình đất nước, họ hiểu, có những cái có vội vã cũng không giải quyết được gì.

1-0d91c
Dãy người chờ đổ xăng dài dằng dặc nhưng vô cùng quy củ gọn gàng.

Nepal từ trước đến nay vốn đã không phải là một quốc gia khá giả, thậm chí cơ sở vật chất còn tồi tàn và cũ nát, mất điện 8 tiếng mỗi ngày, xã hội không bình ổn giờ lại lâm vào một khó khăn mới. Xứ Phật của Châu Á, có lẽ, đã nghèo nay càng nghèo hơn, con đường tiến triển kinh tế xem ra còn chông gai lắm. Có lẽ bây giờ, chỉ mong Nepal sẽ sớm trở về với sự yên bình vốn có, chóng vượt qua những khó khăn, từng bước trở mình và sẽ lại là một điểm đến đầy bình yên của phật tử và những người ham mê xê dịch.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày