Hiện nay, đàn ông ở những vùng hẻo lánh tại Ấn Độ rất khó để tìm vợ do tình trạng thiếu nữ giới một cách trầm trọng. Đó chính là hậu quả của “văn hóa” lựa chọn giới tính thai nhi lạc hậu trước kia. Trước năm 1994, phụ nữ Ấn Độ có thể xác định giới tính thai nhi trước khi sinh dẫn đến tình trạng nhiều thai nhi mang giới tính nữ bị phá bỏ. Điều này đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính, đặc biệt ở các vùng hẻo lánh phía bắc Ấn Độ như bang Punjab và Haryana.
Cũng bởi vậy, nam giới ở các vùng này rất khó để có cơ hội cưới vợ, điều đó đồng nghĩa với việc nhiều phụ nữ Ấn Độ sẽ có quyền lựa chọn người đàn ông mà mình sẽ cưới cũng như lựa chọn gia đình nhà chồng nào không đòi hỏi quá nhiều sính lễ. Thậm chí, nhiều phụ nữ Ấn Độ còn muốn cưới chồng cách nhà hàng nghìn km để tránh phải trả khoản sính lễ khổng lồ theo phong tục truyền thống, và họ cũng cho rằng việc học một ngôn ngữ hoàn toàn mới dễ dàng hơn so với gánh nặng kinh tế do khoản sính lễ nhà gái phải trả.
Tuy nhiên, mặt trái của việc này lại chính là sự gia
tăng mạnh mẽ của
tình trạng buôn bán người trái phép. Theo các nhà hoạt
động vì quyền phụ nữ, nhiều phụ nữ và bé gái Ấn Độ đã và đang bị lừa bán cho
những tổ chức môi giới hôn nhân tại những bang như Punjab và Haryana với lời
hứa hẹn sẽ đem đến cho họ một công việc hay một người chồng tốt.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Cơ quan thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ, riêng năm 2013 đã có hơn 25.000 phụ nữ và bé gái tuổi từ 15 đến 30 bị bắt cóc và bán cho các tổ chức môi giới hôn nhân trên khắp đất nước. Đa phần họ bị bán tới những vùng hẻo lánh và sử dụng ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt khiến cho họ không thể tìm được cơ hội để trốn thoát.