"Quy tắc ngầm" trong ngành hàng không Nhật Bản: tiếp viên bị giám sát cuộc sống riêng

Đình Đình, Theo Trí Thức Trẻ 09:01 24/08/2015
Chia sẻ

Một số nữ tiếp viên hàng không đã vô cùng tức giận và kiện công ty của mình ra tòa vì bị theo dõi sát sao suốt 10 năm trời.

Trong mắt mọi người, tiếp viên hàng không là một công việc có giá với mức thu nhập cao và hình tượng đẹp đẽ. Vì vậy, biết bao cô gái xinh đẹp luôn mơ ước mình sẽ được là một thành viên trong phi hành đoàn.

Theo thống kê, thu nhập bình quân của một tiếp viên hàng không mỗi năm rơi vào khoảng 4,5 triệu yên Nhật (tương đương hơn 800 triệu Việt Nam Đồng), cao hơn 30% so với 10 năm trước.

1-22c02
Công việc mà biết bao cô gái trẻ mơ ước

Gần đây, trên mạng xã hội bỗng nhiên xuất hiện một đoạn trích từ báo cáo chi tiết về lịch trình sinh hoạt hàng ngày của một tiếp viên hàng không đã khiến cho những cô gái làm công việc này bị một phen choáng váng. Không chỉ liệt kê chi tiết từng hoạt động của nữ tiếp viên trong từng ngày, tài liệu này còn ghi chép cả sở thích, thói quen sinh hoạt và cả việc kết giao bạn bè, bao gồm cả bạn trai của những cô gái xinh đẹp làm trong ngành. Vụ việc đã khiến những nữ tiếp viên hàng không có tên trong danh sách vừa ngạc nhiên vừa cực kỳ xấu hổ.

Vụ việc này xảy ra tại công ty Hàng không Nhật Bản (JAL), ảnh hưởng trực tiếp đến 9862 nữ tiếp viên hàng không. Có 194 người đã quyết định kiện công ty Hàng không nơi mình đang làm việc và tổ chức Lao động (Công hội) của công ty ra tòa.

Theo như bằng chứng mà nguyên cáo cung cấp, công ty Hàng không Nhật Bản từ 10 năm trước đã bắt đầu tiến hành theo dõi và ghi chép lại toàn bộ thông tin về đời tư của các nhân viên trong công ty, bao gồm: lý lịch, các thành viên trong gia đình, kết giao bạn bè, sở thích, thói quen... Tổng cộng có đến 158 mục được giám sát, trong đó đáng chú ý nhất còn có cả chu kỳ sinh lý, số đo hình thể của tiếp viên, thậm chí họ thích mặc quần lót màu gì cũng đều được ghi chép lại đầy đủ.

Trong tập báo cáo này, nữ tiếp viên hàng không cũng có thể dễ dàng tìm được thông tin về tình trạng hôn nhân, tình trạng kết bạn khác giới và cả thông tin chi tiết về chồng hoặc người yêu của mình, ví dụ như: làm công việc gì, thu nhập bao nhiêu... hoặc lý do vì sao hai người ly hôn, hiện tại đang kết giao với người đàn ông như thế nào...

4-22c02
Nữ tiếp viên hàng không Nhật Bản được đào tạo bài bản

7-22c02
Luôn tươi cười rạng rỡ

Một nữ tiếp viên 24 tuổi cho biết, năm trước, cô từng kết bạn với một người đàn ông, thời gian hai người bên nhau cực kỳ ngắn ngủi,  vậy mà trong tài liệu về cô đã có đầy đủ thông tin chi tiết về anh bạn trai này như: họ tên, địa chỉ sinh sống, nơi công tác, số điện thoại... khiến cô gái trẻ này vô cùng sợ hãi. Đáng giận hơn cả là trong mục "lý do chia tay", bọn họ đã vô duyên vô cớ viết vào một câu khiến cô vô cùng xấu hổ: "Người đàn bà này chắc chắn bị mắc bệnh lãnh cảm".

Trong những tài liệu này còn có những cột ghi chú vô cùng tỉ mỉ và "độc đáo" như: "mới ly hôn, cực kỳ cô đơn", "chỉ đẹp chứ chẳng giải quyết được vấn đề gì", "sắp bị đuổi việc đến nơi rồi", "quý tộc độc thân, cuộc sống chẳng đâu vào với đâu", "miệng hơi to", "có ông chồng bị hói"...

Công hội của công ty Hàng không Nhật Bản sau khi số hóa những tài liệu trên đã bất cẩn để nó bị rò rỉ trên mạng, sau đó bị lưu truyền rộng rãi, vì vậy mà những cô tiếp viên hàng không mới biết đến sự tồn tại của một thứ liên quan mật thiết đến cuộc sống của mình như thế.

Đại diện công ty Hàng không Nhật Bản sau đó cũng đã lên tiếng về vụ bê bối trên. Lãnh đạo công ty cho biết, việc làm này không phải là chỉ thị của các cán bộ lãnh đạo, mà là "việc làm ngốc nghếch" của một bộ phận cán bộ trong Công hội. Đồng thời, công ty này cũng đưa ra danh sách gồm 25 cái tên được cho là có liên quan đến vụ việc.

Thế nhưng, hầu hết nhân viên của hãng này cho rằng, nếu như không nhận được sự tán đồng của các cấp lãnh đạo trong công ty thì các cán bộ Công hội không thể nào thực hiện được một hoạt động trường kỳ và có quy mô lớn như thế.

Những người có tên trong danh sách đã kiện Công hội thuộc công ty Hàng không Nhật Bản lên tòa án Tokyo, đồng thời yêu cầu công ty này bồi thường cho mỗi người 220 nghìn yên Nhật (tương đương hơn 40 triệu Việt Nam đồng).

Ở Nhật Bản, Công hội ở các công ty luôn được coi là tổ chức của người lao động và luôn tồn tại vì lợi ích của người lao động. Vậy mà thật không ngờ, tổ chức Công hội ở công ty Hàng không Nhật Bản lần này lại đột nhiên biến thành "tổ chức đặc vụ" đi bới móc chuyện riêng tư của các nhân viên.

Điều khiến các nữ tiếp viên hàng không buồn rầu và lo sợ nhất chính là làm sao mà những "đặc vụ" này lại biết được những thông tin cực kỳ riêng tư như vậy và rốt cuộc thì xung quanh họ có bao nhiêu cặp mắt đang âm thầm theo dõi đây?
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày