Đối với nhiều đứa trẻ trên thế giới, những quả bóng bay đầy màu sắc mang ý nghĩa vui tươi và gắn liền với những buổi tiệc đầy sôi động. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ đang phải làm việc cật lực mỗi ngày trong các xưởng sản xuất bóng bay tại Bangladesh, những quả bóng bay ấy sẽ giúp cho các em kiếm được một khoản tiền nho nhỏ để giúp đỡ cha mẹ trang trải cuộc sống. Thay vì được cắp sách tới trường, được hưởng niềm vui và hạnh phúc của tuổi thơ, những đứa trẻ này lại phải chui rúc trong hàng loạt các nhà xưởng bẩn thỉu, bụi bặm và cặm cụi ngồi phân loại đống bóng bay độc hại theo màu sắc hoặc hình dáng, ngoài ra, những đôi tay bé nhỏ ấy còn thường xuyên phải khuân vác những kiện hàng nặng trĩu có khi còn hơn cả số cân nặng của các em.
Đáng thương hơn, những đứa trẻ ấy còn phải làm việc quần quật từ 6 giờ sáng tới 5 giờ chiều nhưng chỉ kiếm được 10-25 USD/tháng (khoảng 200-500,000 VNĐ). Theo thống kê, có tới hàng triệu đứa trẻ từ 10 tới 14 tuổi đang phải làm việc trong các cơ sở sản xuất như thế tại Bangladesh.
Cậu bé Arif, 11 tuổi là một trong hàng triệu những đứa trẻ đang phải làm việc tại Bangladesh để giúp đỡ gia đình.
Những đứa trẻ không được đến trường mà phải làm việc vất vả từ sáng sớm đến tối mịt trong môi trường bụi bặm và độc hại.
Những đứa trẻ này thường xuyên phải khuân vác những kiện hàng nặng đến nỗi nhiều người lớn cũng phải lắc đầu.
Nhiều đứa trẻ tại đây mới chỉ 10 tuổi trong khi luật pháp Bangladesh quy định tuổi làm việc tối thiểu của trẻ em là 14 tuổi.
Làm việc từ sáng tới tối mà không có cơ hội học tập sẽ ảnh hưởng tới rất lớn tương lai của các em.
Một ngày làm việc của những đứa trẻ đang tuổi cắp sách đến trường này sẽ kéo dài liên tục 11 tiếng đồng hồ. Đổi lại, chúng sẽ được trả công khoảng 10 USD một tháng và tối đa là 25 USD với những đứa trẻ có kinh nghiệm. Đây thực sự là một con số thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu mà chính phủ Bangladesh quy định (60 USD /tháng) cho lao động phổ thông sau thảm họa Trung tâm thương mại Rana vào năm 2013.
Thế nhưng, đối với nhiều gia đình tại Bangladesh thì khoản tiền ít ỏi trên là quá đủ để họ gửi con em mình vào những xưởng sản xuất như vậy thay vì cho chúng tới trường, khiến tương lai của các em bị mắc kẹt trong vòng xoáy nghèo đói với những công việc thu nhập thấp.
Một đứa trẻ đang thổi để kiểm tra chất lượng của một quả bóng bay
Những đứa trẻ phải làm việc cả ngày với mức lương thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu.
Banglasdesh là một trong những quốc gia cung cấp hàng giá rẻ trên thế giới.
Những đứa trẻ bị buộc phải làm việc với mức lương còm cõi để giữ cho chi phí sản xuất được đảm bảo ở mức thấp nhất có thể.
Một số đứa trẻ cho rằng bỏ học để đi làm là một sự lựa chọn đúng đắn.
Đa số những đứa trẻ này đi làm nhằm kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Zakir Hossain - chủ xưởng sản xuất bóng bay cho rằng, những đứa trẻ được đối xử tốt và chúng sẽ phải ra đường trộm cắp nếu không làm việc tại đây.
Theo UNICEF, hiện có gần 5 triệu trẻ em dưới 14 tuổi đang phải làm việc tại Bangladesh - trong đó có khoảng 1 triệu trẻ em từ 10 tới 14 tuổi. Những đứa trẻ này thường xuyên phải làm việc trong môi trường độc hại như trong các nhà máy, các xưởng xe hơi, các trạm xe lửa, các khu chợ hay các xưởng đúc kim loại với mức lương bèo bọt hoặc thậm chí là không được trả lương. Đối với đa số những đứa trẻ tại đất nước kém phát triển này thì việc phải bỏ học để làm việc là cần thiết vì chúng chỉ muốn giúp đỡ cho gia đình mình bớt khó khăn mà không hề nghĩ đến tương lai rộng mở phía trước.
Hiện tại, Bangladesh là một trong những quốc gia chuyên cung cấp những sản phẩm có giá thành thấp cho thị trường thế giới. Để có thể giữ được mức giá này, nhiều cơ sở đã sử dụng lao động trẻ em như một nguồn nhân công giá rẻ. Họ cũng cho rằng, việc sử dụng lao động trẻ em là điều hết sức bình thường. Zakir Hossain - chủ xưởng sản xuất bóng bay còn thẳng thắn thừa nhận việc ông ta sử dụng lao động trẻ em và khẳng định những đứa trẻ này luôn được đối xử tốt giống như con trai của mình vậy. Thậm chí, chủ xưởng cũng cho rằng, nếu những đứa trẻ không được làm việc tại đây thì sẽ ra đường trộm cắp để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Do vậy, gia đình lũ trẻ cảm thấy rất yên tâm khi cho con em mình làm việc tại đây.