Khi mọi người trên khắp thế giới cầu nguyện cho Paris, chẳng hạn như trong bức ảnh chụp ở London dưới đây, thì những người Syria tại Paris đang tìm mọi cách để giúp đỡ cộng đồng tại quê hương mới.
Người dân London cầu nguyện cho các nạn nhân ở Paris. Thảm họa khủng bố tại Paris đêm 13/11 thực sự khủng khiếp, người dân Paris đã hốt hoảng, vội vã tìm kiếm người thân và tìm cách trở về nhà an toàn. Trong số đó có cả những người dân Syria, những người đang cố gắng chạy trốn ký ức kinh hoàng.
"Tôi ngay lập tức gọi những người bạn của tôi và sau đó theo dõi tin tức, tình hình bạn bè qua Facebook tới tận 5h sáng", Eyad, một thanh niên Syria 28 tuổi, người đã tới châu Âu trên những chuyến tàu vượt biển qua Hy Lạp và tới Pháp sau thời gian dài lang thang khắp lục địa già hồi đầu năm, cho biết.
Một người bạn Syria của anh có mặt tại sân vận động Stade de France khi vụ đánh bom tự sát xảy ra bên ngoài nhưng may mắn là anh ta đã được sơ tán an toàn cùng với hàng ngàn người đang xem trận giao hữu Pháp - Đức.
Ít nhất 129 người đã thiệt mạng sau hàng loạt vụ tấn công tại thủ đô nước Pháp. Tổ chức khủng bố IS đã đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ tấn công này.
Những thảm họa tang thương khá quen thuộc với những người Syria bởi họ tới Pháp để chạy trốn khỏi cuộc xung đột tàn bạo tại quê hương họ. Nơi mà cả chính quyền của Tổng thống Syrua Basha Assad và IS đều theo đuổi những chính sách bạo lực tàn ác.
"Chúng tôi hiểu cảm giác khi bạn bị một ai đó tấn công. Chúng tôi cũng đã từng trải qua những thảm họa tương tự", Eyad nói.
Nhóm người Syria ở Douma, Damascus, Syria cầu nguyện các cho nạn nhân. Eyad đang tìm mọi cách để giúp đỡ. Ông nghĩ tới việc tổ chức một sự kiện tại trường đại học nơi anh đang học tiếng Pháp và chuẩn bị xin học bổng theo học ngành nghiên cứu nghệ thuật cổ điển. Anh cũng đã thiết kế một biểu ngữ "Paris Peace" đăng tải lên Facebook để kêu gọi hòa bình cho Paris.
"Chúng tôi không phải người Pháp nhưng chúng tôi đang sống ở đây. Vì vậy, chúng tôi nên làm điều gì đó cho thành phố này", Eyad nói. "Chúng tôi lo lắng cho Paris như những gì người Pháp lo lắng cho thành phố này vậy".
Từ năm 2011 tới nay, hơn 4 triệu người đã rời khỏi Syria. Khoảng 5.000 người trong số này đã tị nạn tại Pháp từ năm 2012. Đầu năm nay, khi cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu xảy ra, Paris đã đồng ý tiếp nhận thêm 24.000 người tị nạn trong hai năm tiếp theo.
Chính sách tiếp nhận người Syria đang được Pháp và các nước trên thế giới xem xét lại bởi mới đây cảnh sát Pháp đã phát hiện ra hộ chiếu Syria gần thi thể của một trong những kẻ tấn công khủng bố Paris.
Chủ tịch đảng Mặt trận Tổ quốc Pháp, Marine Le Pen, cho rằng Pháp nên "lấy lại quyền kiểm soát biên giới" và "trục xuất những người nước ngoài, những người đang đang gieo rắc hận thù tại Pháp cũng như những người di cư bất hợp pháp, họ chẳng đóng góp được gì cho Pháp".
Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Mỹ, Donald Trump và Ted Cruz, cho rằng Mỹ nên xem xét lại kế hoạch đón 10.000 người Syria trong năm tới. Một quan chức Ba Lan thì cho rằng châu Âu sẽ phải rà soát lại kế hoạch di dời những người tị nạn và Ba Lan sẽ không tiếp nhận người tị nạn mà không được đảm bảo về an ninh quốc gia.
Người đàn ông giương cao lá cờ độc lập Syria để bày tỏ sự ủng hộ người Syria tại Paris vào tháng Chín.
Cảnh sát chưa công bố danh tính của những kẻ tấn công nhưng tiết lộ rằng một trong số chúng là người Pháp có liên quan tới chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh tấm hộ chiếu Syria được tìm thấy tại hiện trường.
Những người di cư và tị nạn, chủ yếu là người Syria, chuẩn bị rời khỏi khu trại tạm của họ vào ngày 2/10 sau khi chính phủ Pháp xua đuổi. Layla, 27 tuổi, tới từ Damascus, đã ở Paris được gần một năm để học thạc sĩ kiến trúc cho biết những kết luận liên quan tới hộ chiếu rất vô lý.
"Không một ai trong chúng tôi mang theo hộ chiếu khi đi tị nạn và một kẻ đánh bom liều chết lại càng không cần mang theo hộ chiếu", cô nói.
Cô cho biết những chi tiết liên quan tới người Syria trong cuộc tấn công có thể khiến cho cuộc sống của người Syria tại Paris trở nên khó khăn hơn, trở về Syria thì lại càng khó khăn hơn nữa.
Những người Syria tại Douma đã bày tỏ sự chia sẻ, đồng cảm của mình với nhân dân Pháp trên mạng xã hội sau cuộc tấn công. Họ đã tổ chức một buổi cầu nguyện nhỏ trong khu vực. "Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể giúp đỡ những người khác để làm cho thế giới của chúng ta an toàn hơn, văn minh hơn", nhóm người Syria đăng tải trên Facebook.
(Tham khảo Huffingtonpost)