Được nhiều người trên thế giới biết đến với công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu, những bản nhạc K-pop sôi động và cuộc sống công nghệ hiện đại, thế nhưng, Hàn Quốc - trong tâm trí của nhiều người trẻ tuổi nơi đây - lại là một "địa ngục". Và ngày càng có nhiều người trẻ muốn chạy trốn khỏi đất nước này.
Người dân Hàn Quốc cho rằng xã hội họ đang sống có sự phân biệt rõ rệt giữa những đứa trẻ được sinh ra cùng một "chiếc thìa vàng" (chỉ những đứa trẻ được sinh ra trong nhung lụa, giàu có) với những đứa trẻ được sinh ra cùng một "chiếc thìa bẩn". Mà ở đó, những đứa trẻ "thìa vàng" sẽ có cơ hội được học tập ở các trường đại học hàng đầu với công việc tương lai ổn định. Còn những đứa trẻ "thìa bẩn" chỉ suốt đời làm việc vất vả với đồng lương ít ỏi.
Nhiều người dân Hàn Quốc thậm chí còn đặt cho đất nước của họ một cái tên đặc biệt là "Địa ngục Joseon" (Joseon là một triều đại phong kiến tồn tại hơn 5 thế kỷ ở Hàn Quốc).
Cô Hwang Min-joo, 26 tuổi, một biên tập viên truyền hình cho biết "Thật khó để tưởng tượng khi nào tôi sẽ lấy chồng và có con. Không có câu trả lời hay tương lai cho chúng tôi".
Hwang thường mang theo quần áo, đồ dùng sinh hoạt để đi làm vào sáng thứ Hai và chỉ trở về nhà vào tối thứ Năm hàng tuần. Mọi sinh hoạt như ăn ngủ, tắm giặt của cô đều diễn ra tại văn phòng. "Một ngày sẽ thật ngắn nếu công việc của tôi hoàn thành vào lúc 9h tối", cô chia sẻ về sự bận rộn của mình.
Cô Hwang Min-joo, 26 tuổi, một biên tập viên truyền hình.
Do chưa được ký hợp đồng lao động chính thức nên thu nhập của cô rất thất thường. Nếu chương trình truyền hình của cô bị ngừng phát sóng, Hwang sẽ mất thu nhập. Bởi thế, vào mỗi đêm trước khi đi ngủ, Hwang thường băn khoăn rằng liệu sáng mai cô có còn giữ được công việc này hay không. Hwang chỉ có thể sống và làm việc theo cách này khi ở cùng cha mẹ, còn nếu cô rời khỏi nhà, điều này sẽ rất khó.
"Nếu bạn có tiền, Hàn Quốc là một đất nước tuyệt vời để sinh sống. Nhưng nếu bạn nghèo...", cô thở dài.
Những lời phàn nàn như vậy ngày càng trở nên phổ biến trong thế hệ của Hwang. Thế hệ ông bà, cha mẹ của Hwang đã sống qua giai đoạn hoàng kim của nền kinh tế Hàn Quốc vào những năm 1960, 1970. Tuy nhiên, với những người sống trong thế hệ của Hwang, mọi thứ đều hoàn toàn khác.
Sau thời kỳ phát triển hoàng kim, kinh tế Hàn Quốc bị chững lại. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, nhiều người trên thế giới đã bị mất việc làm, nhà cửa và hy vọng. Trong bối cảnh đó, những mất mát càng được cảm nhận sâu sắc, rõ rệt ở Hàn Quốc bởi sự đối lập quá rõ ràng giữa cuộc sống khó khăn hiện tại với những ngày thịnh vượng của nền công nghiệp hóa.
Ước mơ tương lai
Nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng chậm chạp với chỉ số 2,6% trong năm ngoái. Chính điều này đã khiến cho số lượng việc làm ở Hàn Quốc trở nên khan hiếm hơn, nhiều người phải làm những công việc không ổn định. Theo số liệu của Viện Lao động Hàn Quốc, gần 2/3 số người trẻ bị mất việc trong năm 2015, trở thành những lao động không ổn định.
Ngay cả các tập đoàn lớn như Samsung, Huyndai hay Doosan cũng buộc phải liên tục sa thải công nhân hoặc cho nghỉ hưu sớm.
Giữa cơn bão khủng hoảng, ngày càng có nhiều người trẻ Hàn Quốc sử dụng Facebook để phàn nàn về hoàn cảnh của mình.
Trang "Hell Joseon" (Địa ngục Joseon) trên Facebook sau khi được lập đã thu hút hơn 5.000 thành viên. Trong khi đó, website "Hell Korea" (Địa ngục Hàn Quốc) cũng liên tục đăng tải những số liệu cho thấy cuộc sống khó khăn, khủng khiếp ở Hàn Quốc: Giờ làm việc kéo dài, tỷ lệ tự tử cao và thậm chí giá đồ ăn cũng cao chóng mặt.
Những công ty sáng đèn vào ban đêm là hình ảnh thường thấy ở Hàn Quốc.
Hàng loạt các diễn đàn đã được lập để đưa ra những lời khuyên cho những người muốn trốn chạy khỏi "địa ngục". Trong số đó có lời khuyên chỉ cách cho người trẻ Hàn Quốc gia nhập quân đội Mỹ, nhập tịch Mỹ, một số khác lại khuyên các bạn trẻ nên đầu tư theo học các ngành nghề hứa hẹn ở Mỹ, Canada như thợ hàn.
Tình hình kinh tế khó khăn với thị trường việc làm ít ỏi không chỉ được bàn tán sôi nổi trên mạng. Rất nhiều nhà văn đã đưa vấn đề nóng bỏng này vào những cuốn tiểu thuyết, câu chuyện của mình.
Năm ngoái, tác phẩm "Because I Hate Korea" (Vì tôi ghét Hàn Quốc) - câu chuyện hư cấu kể về cuộc đời của 1 người phụ nữ di cư tới Úc - của tiểu thuyết gia Jang Kang-myung đã trở thành cuốn sách được bán chạy nhất Hàn Quốc.
Trong khi đó, bài viết với tựa đề "The Declaration of a Ruined State" (Tuyên bố của một quốc gia bị tàn phá) trên tờ Kyunghyang Shinmun của nhà báo Son A-ram cũng nhanh chóng được lan truyền rộng rãi.
Áp lực công việc
"Nếu cuộc đời còn tiếp diễn như này, tôi thực sự không thấy được tia sáng nào cho tương lai", Lee Ga-hyeon (22 tuổi), một nghiên cứu sinh ngành luật cho biết. "Ở Hàn Quốc, công việc bán thời gian thực chất có nghĩa là làm toàn thời gian với mức lương tối thiểu", Lee chia sẻ.
Trước đây, khi còn đi học, Lee làm việc bán thời gian tại 1 cửa hàng McDonald’s và sau đó là 1 cửa hàng làm bánh. Mỗi ngày, ngoài thời gian đi học trên trường, cô phải làm việc 6 tiếng 1 ngày, 5 ngày một tuần. Mặc dù làm việc chăm chỉ nhưng tiền thuê 1 căn phòng nho nhỏ cũng đã tốn đến một nửa số tiền lương mà cô nhận được.
"Tôi muốn trở thành 1 luật sư có trình độ để có thể giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh với mình", cô cho biết.
Nhiều người phải bán mạng kiếm tiền.
Đối với những người có công việc ổn định, cuộc sống của họ có vẻ cũng không mấy dễ chịu, hạnh phúc. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thời gian làm việc kéo dài 14 tiếng 1 ngày cũng không phải là điều hiếm thấy. Vào năm 2012, 1 ứng cử viên tổng thống đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình với khẩu hiệu "Cuộc sống không ngừng nghỉ về đêm".
Song, 1 người đàn ông 34 tuổi, đã phải bỏ việc vào năm ngoái khi vợ anh sinh con. Công việc trước yêu cầu anh làm việc liên tục từ 8h sáng hôm nay tới 1h sáng hôm sau, chính vì vậy, anh đã tìm đến công việc ít áp lực hơn mặc dù không danh tiếng bằng. "Ông chủ luôn nói rằng "Công ty trước nhất, gia đình chỉ đứng thứ hai thôi", anh Song chia sẻ.
Anh Song đã phải bỏ việc khi có con.
Nhiều thanh niên Hàn Quốc cho biết thêm, điều khiến họ khó chịu nhất là ý kiến, suy nghĩ của các "bậc phụ huynh" - những người đã từng làm việc chăm chỉ suốt hàng chục năm qua để xây dựng "giấc mơ Hàn Quốc". Cha mẹ họ thường cho rằng những người trẻ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Yeo Jung-hoon, 31 tuổi, từng làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về môi trường cho biết: "Cha mẹ luôn nghĩ rằng tôi đã không cố gắng hết sức mình".
"Có một lần sau cuộc họp, ông chủ của tôi đã nói trước mặt mọi người tôi không phù hợp với công việc. Tôi cảm thấy như bị sỉ nhục, nhưng tôi không thể bỏ việc được ngay vì tôi cần tiền. Đó là một địa ngục không lối thoát", Yeo chia sẻ.
(Nguồn: WashingtonPost)