Gần một năm sau thảm họa sập nhà xưởng 8 tầng Rana Plaza ở vùng ngoại ô thủ đô Dhaka (
Bangladesh) làm 1.155 người chết, những người lao động ở đất nước này vẫn phải làm việc trong môi trường vô cùng nguy hiểm, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Không riêng gì người lớn, nhiều trẻ em ở Bangladesh phải bỏ học để đến làm việc trong các nhà máy, nhà xưởng nhỏ. Theo quy định độ tuổi lao động tối thiểu ở Bangladesh là 14, nhưng có tới 93% số lao động trẻ em làm việc trong các nhà xưởng ở dưới độ tuổi quy định này.
Các em là đối tượng chính của nạn bóc lột sức lao động, bị chủ nhân ngược đãi và lạm dụng về tình dục, phân biệt chủng tộc. Giờ làm việc kéo dài, tiền lương bèo bọt, môi trường làm việc độc hại, tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm... sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như tinh thần của các em.
Một cậu bé cùng mẹ làm việc trong xưởng tái chế vỏ chai nhựa ở Dhaka.
Kết quả một cuộc điều tra ở thủ đô Dhaka cho thấy có khoảng 4.000 trẻ em đang làm những công việc nguy hiểm trong các nhà xưởng, xí nghiệp tại đây, tính trên cả nước có tới hơn một triệu lao động nhỏ tuổi phải làm việc cực nhọc hàng ngày. Một ngày làm việc của các em kéo dài 12 tiếng, tiền công nhận được luôn thấp hơn 66 đô la Mỹ - mức lương tối thiểu ở Bangladesh.
Đa số lao động nhỏ tuổi làm việc trong các xưởng tái chế nhựa, các công trường xây dựng hoặc ngành công nghiệp may mặc... Một số trẻ em làm việc trong các trang trại, hàng ngày phải mang vác các vật nặng và tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ vô cùng độc hại.
Ở một đất nước còn nghèo nàn, dịch vụ y tế lạc hậu, những đứa trẻ không may bị thương trong lúc làm việc sẽ không được chữa trị triệt để. Những chấn thương về xương cột sống, vết thương bị nhiễm trùng liên tục hành hạ những đứa trẻ nhỏ bé ở đây.
Dưới đây là chùm ảnh ghi lại cảnh làm việc trong nhà xưởng tái chế nhựa và sản xuất bóng bay với sự tham gia của nhiều nhân công nhỏ tuổi ở ngoại ô Dhaka, Bangladesh:
Trong khi bố mẹ đang phân loại vỏ chai thì cậu bé hồn nhiên chơi đùa giữa “núi” vỏ chai khổng lồ. Môi trường làm việc đầy độc hại trong các nhà xưởng đôi khi lại trở thành một sân chơi “miễn phí” cho trẻ em ở đất nước Bangladesh.
Momen mới 10 tuổi hiện đang làm việc trong một nhà xưởng sản xuất bóng bay. Rất nhiều em nhỏ ở độ tuổi của Momen đang phải làm những công việc vất vả, độc hại như thế để kiếm tiền cùng cha mẹ.
Hóa chất trong các nhà xưởng sản xuất bóng bay thực chất vẫn chưa phải là loại nguy hiểm nhất. Ở Bangladesh nhiều trẻ em còn phải làm việc trong các nông trại, phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…
Cậu bé 12 tuổi làm việc vất vả suốt nhiều giờ trong nhà máy sản xuất bóng bay để nhận về những đồng tiền ít ỏi.
Công nhân trong các nhà máy hay xưởng sản xuất quy mô nhỏ ở Bangladesh có thể là người lớn hoặc cả trẻ nhỏ. Tất cả đều phải làm việc vất vả như nhau nhưng tiền lương một đứa trẻ nhận được luôn thấp hơn so với người lớn.
Người lớn và trẻ em cùng nhau làm việc trong nhà máy sản xuất bóng ở Kamrangir Char, Dhaka.
Rất nhiều đứa trẻ bị nhiễm trùng hay chấn thương cột sống trước khi bước vào tuổi trưởng thành.
Thời gian làm việc tại xưởng sản xuất bóng bay của Ripon (9 tuổi) kéo dài khoảng 12 giờ đồng hồ. Nhiều trẻ em phải bỏ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Công nhân nhỏ tuổi này đang cho những quả bóng bay vào thùng thuốc nhuộm.
Qua vệt màu bám lên tường có thể thấy những quả bóng đang được sơn màu hồng và tím. Những loại thuốc nhuộm này vô cùng độc hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ em.
Nụ cười hiếm hoi của hai cậu bé trong nhà xưởng chật chội, độc hại.
Trẻ em thường chọn những công việc trong nhà xưởng mặc dù nó tiềm ẩn nhiều rủi ro và môi trường làm việc rất độc hại.
Cả người lớn và trẻ nhỏ ở Bangladesh phải chấp nhận làm việc trong các nhà xưởng tồi tàn với giờ làm việc kéo dài hơn 8 tiếng, mức lương họ nhận được vô cùng bèo bọt.
(Nguồn: Theo Dailymail)