Mới đây, trang Dailymail đã đăng tải những bức ảnh chụp lại cảnh lao động của những người làm nghề chuyên nhặt lượm phế liệu ở các bãi rác ở Sylhet, một thành phố trên bờ sông Surma ở đông bắc Bangladesh và cũng là một trong những thành phố giàu có nhất đất nước này.
Những đứa trẻ vui sướng và tạo dáng khi tìm thấy một chiếc vỏ tivi hỏng.
Tuy vậy, cuộc sống của nhiều người lại khác biệt hoàn toàn với thế giới giàu sang bên ngoài kia. Nơi họ ở thực chất là khu ổ chuột và công việc hàng ngày họ phải làm là đi nhặt lượm những phế phẩm từ bãi rác của thành phố về tái sử dụng. Có mặt ở bãi rác từ sáng sớm đến tối mịt, những người lao động nghèo cố gắng nhặt tất cả mọi thứ có thể bán hoặc sử dụng lại được: Đó là những chiếc hộp nhựa, những thanh sắt vụn hay những đôi dép, bó rau có thể đem về nhà dùng.
Mỗi lần nhặt lượm được một thứ gì đó, những đứa trẻ lại vui sướng nhảy cẫng lên và hò reo. Nụ cười hiện rõ trên gương mặt mỗi đứa trẻ thế nhưng ẩn sâu bên trong, người ta vẫn thấy sự khắc khổ mà các em đang phải trải qua.
Nhặt lượm được bó rau từ bãi rác có thể đem về nhà ăn.
Làm việc trong một môi trường thiếu vệ sinh nhưng không hề có bảo hộ lao động.
Họ làm việc trong một môi trường ô nhiễm mà không hề có găng tay, khẩu trang hay thậm chí là đôi dép. Theo thống kê của tổ chức xã hội ChildHope ở Bangladesh, có khoảng 7% trong tổng số những người đang đi nhặt rác ở đất nước này là trẻ em dưới 14 tuổi, hơn một nửa trong số đó là các trẻ em bị thiếu cân trầm trọng. Và tất cả họ đều bị mù chữ.
Tái chế là một trong những ngành công nghiệp "béo bở" ở Bangladesh. Có khoảng 200 nhà máy tái chế vật liệu để xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan,… Chính vì vậy, nhặt lượm rác thải trở thành một nghề của những người nghèo. Mỗi ngày họ phải làm việc ít nhất 12 tiếng trong một môi trường độc hại cho sức khỏe nhưng lại chỉ nhận được một khoản tiền ít ỏi.
Được biết, mỗi người chỉ kiếm được khoảng 1 đến 1,5£ (khoảng 32.000 đến 48.000 VNĐ) cho mỗi ca làm trong 12 tiếng đồng hồ ở thủ đô Dhaka, nơi có gần 100.000 người hiện đang làm việc ở những bãi rác khác nhau.
Những đứa trẻ không được đến trường.
Trẻ em không có tương lai. Niềm vui của họ là nhặt được những món phế phẩm có thể bán hoặc sử dụng lại.
(Nguồn: Dailymail)