Tuyết đã phủ kín những con đường trên núi. Và thời điểm
này, người dân vùng Zanskar – một thung lũng hẻo lánh bị cô lập với thế giới
bên ngoài 5 tháng mỗi năm sẽ phải đi bộ 145km trên dòng sông Zanskar bị đóng
băng - hay còn gọi là Chadar (“tấm chăn” trong tiếng Hindi) để tới Leh - thủ
phủ của vùng Ladakh phía bắc Ấn Độ, nằm ngay cạnh dãy Himalaya.
Người dân tới Leh
để bán da dê, bơ và đồ đồng rồi mua những nhu yếu phẩm cần thiết để sống sót
trong mùa đông lạnh giá. Họ cũng cần đưa trẻ em tới trường hoặc đi thăm hỏi những
người họ hàng ở xa. Người Zanskari coi đây là một con đường thiêng liêng và
thường kể cho con cháu mình nghe những câu chuyện dân gian về con đường này. Đồng
thời, họ cũng nói cho chúng hiểu rằng, cái lạnh âm độ là sự ban phước của thần
linh, và thần linh đã tạo nên con đường băng để giúp người Zanskari có thể sống
sót trong thời kì khắc nghiệt nhất của năm.
Chadar được mệnh danh là “hành trình gian nan nhất thế giới”.
Hiện nay, họ vẫn tiếp tục di chuyển trên con đường mà tổ
tiên họ đã từng đi trong hàng trăm năm qua. Nhưng giờ đây, họ có thể là thế hệ cuối
cùng được đi trên con đường “lịch sử” này.
Mặt băng trơn bóng gây khó khăn lớn cho việc di chuyển nhưng lại
giúp việc mang theo hành lý và độ đạc được dễ dàng hơn.
Mọi chuyện đã dần thay đổi sau khi Chadar và cuộc sống
của người dân Zanskari trong mùa đông được xuất hiện trong những bộ phim tài
liệu, đặc biệt là chương trình "Human Planet" của đài BBC được phát sóng năm 2011. Hình ảnh người Zanskari
vượt qua con đường băng giá dài gần 150km đã thu hút sự chú ý của nhiều người
ưa thích khám phá. Ngay sau đó, dòng người du lịch đã bắt đầu đổ xô về Zanskar.
Đồng thời, những cuốn sách hướng dẫn du lịch cũng tiếp nối trào lưu trên và xây
dựng hình ảnh Chadar như một điểm đến lý tưởng dành cho những người thích du
lịch mạo hiểm.
Để đến được những hang động trên cao, người ta phải trèo lên những
vách núi dựng đứng.
Và cứ thế, con đường thiêng liêng của người Zanskari đã
được thế giới biết đến như là “hành trình gian nan nhất”. Điều này cũng giúp
cho Chadar trở thành một miếng bánh béo bở khiến ngành công nghiệp du lịch ở
đây trở nên phát triển hơn hẳn.
Khách du lịch được khuyên nên ngủ trong những hang động để tránh mặt
băng sụp xuống bất ngờ trong đêm.
Nói cho cùng thì trên thế giới cũng không có nhiều con
đường xuyên qua một hẻm núi hùng vĩ với những thác nước bị đóng băng, hay đi
trên mặt băng trơn bóng đến nỗi có thể phản chiếu được hình ảnh của bầu trời. Và Chadar cũng không phải là
trường hợp ngoại lệ. Bên cạnh đó là vô số nguy hiểm vẫn đang rình rập xung
quanh khu vực “băng giá” này khi mặt băng có thể sụp xuống bất cứ lúc nào, trải
nghiệm đầy tính nguyên thủy khi ngủ trong những hang động được dòng nước đẽo
gọt qua hàng thế kỷ, cộng thêm nhiệt độ dưới 0oC - Tất cả đã biến
Chadar trở thành chuyến đi thú vị đến mức “phải thực hiện trước khi bạn chết”.
Trẻ em Zanskari được cha mẹ đưa đi học trên xe kéo. Trường học gần
nhất tại Leh cách Zanskar 145km.
Một trong những vấn đề nan giải vào mùa đông là thiếu nước sinh
hoạt. Người dân sẵn sàng mạo hiểm lấy nước ở những chỗ đóng băng không hoàn
chỉnh hơn là đục băng để lấy nước.
Trước khi bị sập vài năm trước thì người đi trên Chadar vẫn thường
đi vòng 4 tiếng để tới vòm đá này. Bởi họ tin rằng, đi qua nó sẽ giúp họ được thần
linh che chở và phù hộ.
Cùng với sự gia tăng của khách du
lịch, chính phủ Ấn Độ đã tiến hành xây dựng một con đường mới qua hẻm núi để có
thể đi lại quanh năm. Một khi được hoàn thành, con đường này sẽ kết thúc sự
biệt lập mỗi khi đông đến của người Zanskari và giúp họ không phải đi bộ qua
hẻm núi đầy gian nan này nữa.
Hành trình 145km với 40kg hành lý trên lưng vốn rất vất vả và khó
nhọc. Điều duy nhất khiến những người này tiếp tục đi về phía trước chính là
hình ảnh gia đình nhỏ đang mong chờ họ trở về
Nhưng kéo theo đó là những truyền thống cũng
dần bị mai một. Khi ấy, nếu trẻ em than vãn về cái lạnh, người lớn sẽ bảo chúng mặc thêm
áo ấm. Ngoài ra, trẻ em sẽ không còn biết xác định độ dày của băng qua màu sắc
hay bằng cách gõ lên mặt băng. Những câu truyện dân gian đã tồn tại hàng trăm
năm cũng dần bị rơi vào quên lãng.
Những ngôi đền dọc theo Chadar giúp người Zanskari giữ vững niềm tin
trên hành trình đầy gian nan.
Bên cạnh đó, số lượng khách du
lịch gia tăng đột biến (đặc biệt là trong 3 năm gần đây) cũng gây ra nhiều vấn
đề trở ngại mà chưa thể giải quyết. Nhiều người băn khoăn rằng, liệu con đường
trên băng có thể chịu được bao nhiêu người đi qua khi mà nó vẫn luôn đầy rẫy
nguy hiểm? Thậm chí, nhiều khách du lịch vô ý thức còn vứt rác bừa bãi hay
phóng uế lên mặt băng mà không quan tâm rằng việc đó sẽ gây ô nhiễm dòng sông –
nguồn nước sinh hoạt của cư dân nơi đây.
Ánh mặt trời phản chiếu từ mặt băng có thể rất khó chịu nhưng lại
đem đến niềm vui cho người Zanskari trong mùa đông.
Năm ngoái, một vụ lở đất đã xảy ra khiến những công ty
lữ hành phải hủy toàn bộ các tour thám hiểm do lo ngại về nguy cơ thảm họa có
thể xảy ra. Trong khi nguyên nhân đằng sau nó vẫn còn được thảo luận thì một số
người đã nghĩ tới việc thần linh đang nổi giận. Và trong khi nhiều câu chuyện
dân gian đang dần mai một thì một câu chuyện vẫn còn tồn tại: Đó là câu chuyện
về những linh hồn nhân đức bị xua đuổi bởi hành động thiếu quan tâm của con người
và khi họ rời đi, cái lạnh giá cũng rời đi theo họ.