Thế giới đang trong giai đoạn tồi tệ nhất dù đáng lẽ không đến mức như vậy

Nguyễn Hà, Theo VTV 12:46 03/05/2021

CNN đã đăng tải bài viết nhận định về tình hình thế giới hiện nay với tiêu đề: "Thế giới đang trong giai đoạn tồi tệ nhất, mà đáng lẽ nó sẽ không đến mức như vậy".

Số ca mắc mới ghi nhận chỉ trong tuần trước đã "ngang ngửa" với số ca mắc trong 5 tháng đầu tiên của đại dịch. Có thể nói, tốc độ lây nhiễm của dịch COVID-19 đang rất đáng báo động và kéo theo nhiều hệ lụy. Ấn Độ đã trải qua ngày chết chóc nhất vì đại dịch COVID-19 trong 24 giờ qua với gần 3.700 ca tử vong. Như vậy, trong suốt 4 ngày liên tiếp vừa qua, số ca tử vong tại Ấn Độ đã vượt mức 3.000 trường hợp mỗi ngày.

Cách đây 1 năm, khi thế giới vẫn đang trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh, hướng tiếp cận toàn cầu là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

12 tháng đã trôi qua kể từ thời điểm đó. Những thảm kịch ở Ấn Độ, nơi các bệnh viện đều bị quá tải khi số ca mắc tăng cao và hàng nghìn người tử vong vì thiếu oxy, cho thấy, lời cảnh báo trên đã bị phớt lờ.

Thế giới đang trong giai đoạn tồi tệ nhất dù đáng lẽ không đến mức như vậy - Ảnh 1.

Tốc độ lây nhiễm của dịch COVID-19 đang rất đáng báo động và kéo theo nhiều hệ lụy (Ảnh: AP)

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nói: "Trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 tiếp tục gia tăng. Các ca bệnh hiện đã tăng liên tục trong suốt 9 tuần liên tiếp và số ca tử vong đã tăng trong tuần thứ 6 liên tiếp. Ngoài ra, tính riêng số trường hợp mắc mới trên toàn cầu vào tuần trước đã tương đương tổng số ca trong 5 tháng đầu tiên của đại dịch".

Ấn Độ không phải điểm nóng COVID-19 toàn cầu duy nhất. Thổ Nhĩ Kỳ đã bước vào giai đoạn phong tỏa toàn quốc đầu tiên hôm 29/4 khi ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu. Bức tranh dịch bệnh ở nhiều nước Nam Mỹ cũng không khá hơn. Brazil với hơn 14,5 triệu ca mắc và hơn 400.000 ca tử vong tiếp tục là quốc gia có số ca tử vong hàng ngày cao nhất thế giới.

Đáng chú ý, tình trạng bất bình đẳng vaccine vẫn tiếp tục là vấn đề chưa có hướng giải quyết. Một số nước, trong đó có Mỹ, Canada và Anh, đã đặt hàng vaccine COVID-19 nhiều hơn mức cần thiết. Ở các nước thu nhập cao, cứ 4 người thì có 1 người được tiêm vaccine. Trong khi đó, ở các nước thu nhập thấp, hơn 500 người mới có 1 người được tiêm vaccine. Thậm chí, một vài nước trong số 92 nước thu nhập thấp nhất thế giới còn chưa nhận được liều vaccine nào.