Thế giới cần cẩn trọng giảm thời gian cách ly trước nguy cơ thảm họa kép Omicron – Delta

Phạm Hà, Theo VOV 18:06 30/12/2021

Hàng loạt các quốc gia thông báo lập đỉnh số ca mắc COVID-19 trong những ngày cuối năm giữa bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ về thảm họa kép sóng thần Omicron kết hợp với Delta.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến nghị chính phủ các nước không nên giảm hạn chế phòng dịch, trong đó có việc giảm thời gian cách ly các ca mắc COVID-19, bất chấp số bệnh nhân diễn tiến nặng không tăng.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua (29/12) cho biết Delta và Omicron là hai mối lo ngại có thể dẫn đến các cơn sóng thần COVID-19. Điều này có thể gây sức ép đối với hệ thống y tế, với những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều do cả hai biến thể.

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: “Sức ép đối với hệ thống y tế không chỉ là các ca mắc mới mà còn số lượng lớn nhân viên y tế mắc bệnh. Omicron đang lây lan nhanh, cùng với vaccine, các biện pháp giãn cách xã hội là cần thiết để ngăn chặn lây nhiễm, bảo vệ nhân viên y tế và hệ thống, đảm bảo các hoạt động xã hội và giáo dục được tiếp diễn”.

Cảnh báo của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đưa ra khi hàng loạt các quốc gia thông báo số ca lập đỉnh nhanh hơn so với dự đoán. Trung bình số ca mắc mới mỗi ngày tại Mỹ hay Anh và Pháp đều vượt trung bình hơn 200 nghìn ca mỗi ngày. Số ca lây nhiễm xuất hiện ở cả người đã tiêm và chưa tiêm vaccine. Những quốc gia như Malta có độ bao phủ vaccine lên đến 95% vẫn chứng kiến số ca mắc mới tăng mạnh.

Mặc dù vậy vaccine vẫn đang được chứng minh là có tác dụng bảo vệ, bởi vì mặc dù số ca mắc mới tăng lên theo cấp số nhân ở nhiều quốc gia, số ca nhập viện và ngay cả ở những người nhập viện, nhu cầu thở máy, nhu cầu chăm sóc đặc biệt cũng không tăng mạnh. Hiện Mỹ ghi nhận khoảng 9.000 bệnh nhân COVID-19 nhập viện mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với mức 16.500 ca/ngày từng ghi nhận tháng 1. Với số ca mắc mới hàng ngày chiếm gần 0,3% dân số Malta nhưng hiện chỉ có 82 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị.

Tuy nhiên trước việc nhiều quốc gia giảm thời gian tự cách ly cũng như biện pháp hạn chế phòng dịch, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp Mike Ryan nhận định, các nước cần thận trọng trong việc thay đổi chiến lược:

“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất lúc này là cần thận trọng trong việc thay đổi chiến thuật và chiến lược ngay lập tức, chỉ dựa trên số liệu về Omicron. Omicron ít gây ra bệnh nặng hơn và dễ lây lan hơn - điều đó đúng nhưng chúng ta cần phải đợi và xem do vaccine hoạt động hay do biến thể yếu. Chúng ta cần phải chờ đợi”.

Tây Ban Nha mới thông báo rút ngắn thời gian cách ly đối với các ca mắc COVID-19 từ 10 xuống còn 7 ngày. Trước đó, Mỹ cũng giảm khuyến nghị cách ly đối với các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày.

Theo các chuyên gia của WHO, ngay cả với những biến thể trước, hầu hết bệnh nhân sẽ ủ bệnh và xuất hiện các triệu chứng hoặc cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 6 ngày đầu. Như vậy, chỉ sau khoảng thời gian này, khả năng dương tính hoặc truyền bệnh mới thấp hơn. Do đó, việc giảm thời gian cách ly với những người mắc COVID-19 là “sự đánh đổi” giữa việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh với duy trì các hoạt động của nền kinh tế.

Hiện cũng có nhiều lo ngại các ca COVID-19 có thể lây lan như “cháy rừng” sau dịp lễ năm mới, cũng như có thêm nhiều quốc gia thông báo hạn chế các hoạt động đón mừng năm mới cũng như thúc đẩy các chiến dịch tiêm tăng cường vaccine./.