Tốt nghiệp CĐSP Nha Trang và tham gia giảng dạy tại quê nhà chưa lâu, chàng trai trẻ SN 1990 Nguyễn Ngọc Hạ đang đứng trước nhiều cơ hội rộng mở. Thế nhưng thay vì hướng đến một cuộc sống an nhàn, ổn định, anh đã quyết tâm gác lại những gì đã có để lựa chọn con đường riêng. Đó là đem tình yêu và tri thức đến cho các em nhỏ nơi hải đảo Trường Sa.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ (SN 1990, quê Khánh Hòa).
Anh tốt nghiệp CĐSP Nha Trang và nhận được Bằng khen của UBND huyện: Hoàn thành xuất sắc công tác giáo dục năm 2014 và 2015.
Năm 2013, khi đọc được thông tin tuyển giáo viên ra công tác tại Trường Sa, anh Hà đã đăng ký tham gia. Công tác ở đảo Sinh Tồn đến nay đã được gần 4 năm. Cuộc sống trên đảo vốn gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn quyết tâm gắn bó, coi nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình.
4 năm tình yêu được chuyên chở qua những lá thư tình vượt biển
Đầu năm 2013, anh Hạ tình cờ đọc được thông tin tuyển giáo viên ra Trường Sa công tác. Mẩu tin đó làm anh rất vui vì ra đảo dạy chữ cho các em nhỏ, vốn là mơ ước từ khi anh còn đang là sinh viên ngồi trên ghế giảng đường.
Nhưng sự lựa chọn đi hay ở, đối với anh thực sự là quyết định khó khăn. Không chỉ phải chấp nhận bỏ lại mọi thứ đã có, điều quan trọng nhất là ngày biết anh có ý định ra khơi, người yêu anh từng tuyên bố: "Anh mà ra đảo là em sẽ bỏ anh đấy".
Không kịp nghĩ nhiều cho bản thân, anh Hạ luôn trăn trở một điều: ở xã đảo còn thiếu giáo viên, nếu ai cũng chọn ở trong đất liền thì học trò biết làm sao? Trót mang tâm nguyện gieo chữ ở vùng đất cách đất liền xa hàng trăm hải lý, anh cố sức động viên người yêu. Ngày cô ấy nguôi ngoai cũng là lúc anh Hạ xách balo lên và đi đến chân trời mới.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ.
4 năm yêu xa, tình yêu được chuyên chở bằng những lá thư tình vượt biển. Tương lai chưa biết sẽ ra sao nhưng có lẽ, với thầy Hạ, tình yêu dành cho các em học sinh và vùng đất biển đảo mới chính là gánh nặng lớn nhất trong đời. Cho dù nhớ nhung mối tình vị kỉ da diết, anh vẫn luôn nói rằng: "Nếu được, tôi sẽ ở lại đảo và coi đó là quê hương thứ hai của mình, bà con là người thân và học trò như những đứa con".
Cuộc sống ngoài đảo Sinh Tồn rất khó khăn. Thời tiết khắc nghiệt lúc nắng rát, lúc lại lạnh buốt thấu xương. Dù chân trời ấy còn khó khăn, cả xã mong chờ từng chuyến hàng chở ra chỉ vài tháng mới có một lần, ấy vậy mà khi sống ở đây, thầy Hạ vẫn thấy vui vẻ lạ kỳ.
Thầy Hạ chụp ảnh cùng các em học sinh.
"Tôi vẫn nhớ in cái ngày đầu tiên đặt chân lên đảo. Ấn tượng nhất có lẽ màu xanh tràn ngập khắp đảo. Tối đến, xã đảo sáng bừng lên như một thành phố về đêm. Một cảm giác vừa lạ vừa thân quen".
Thầy Hạ nói cuộc sống trên đảo không xô bồ, vội vã như ở đất liền. Nó thanh tịnh, chầm chậm khiến con người ta có cảm giác bình yên, thanh thản như tìm thấy những hoài niệm ngày xưa. Vẫn tiếng trẻ con gọi nhau í ới đi chơi, tiếng ngư dân giục nhau đi đánh bắt hải sản, rồi những vẻ mặt rạng rỡ của người vợ xen lẫn tiếng cười sảng khoái khi người chồng đi biển về... Tất cả đều là những hình ảnh rất đỗi quen thuộc của làng quê Việt Nam.
Kỉ niệm nhớ nhất là ngày 20/11 được học sinh tặng tranh vẽ chân dung
Thầy Hạ nói, ở đảo Sinh Tồn, giá trị vật chất gần như không hiện diện mà chỉ có tình cảm, sự giúp đỡ, quan tâm lẫn nhau mới là những thứ được đặt lên hàng đầu. Ngày 20/11, nếu như các thầy cô khác ở đất liền được học sinh, phụ huynh tặng hoa và quà thì nơi xã đảo xa xôi, thứ ý nghĩa nhất mà anh nhận được là bức tranh chân dung của chính mình.
"Tôi rất xúc động trước tình cảm mà các em dành cho tôi. Nó rất chân thành, mộc mạc. Món quà quý nhất là bức tranh vẽ. Ngoài ra ở đây, thứ thể hiện rõ sự mến khách của người dân không phải là tiền bạc mà là miếng thịt, con cá, mớ rau. Bởi vì để có được chúng, người ta phải bỏ ra cả một quá trình mồ hôi, nước mắt".
Trường học trên đảo không có ban giám hiệu, thầy hiệu trưởng chính là Đại trưởng của Đại đội, nơi các anh bộ đội đang đóng quân. Nếu học trò trong đất liền học Toán bằng que tính thì trò ngoài đảo làm quen những con số qua vỏ sò, vỏ ốc do chính thầy Hạ tìm nhặt về. Hơn nữa, giáo viên ở đây vừa là người thầy vừa là người mẹ, vừa lo dạy chữ, vừa chăm sóc các em.
Trường Tiểu học xã Sinh Tồn có 2 cấp học: Mầm non và Tiểu học.
Giáo viên ở đây vừa là người thầy, vừa là người mẹ chăm nom, dạy dỗ các em.
Cuộc sống ở đảo khó khăn, chuyện dạy chữ cũng gặp nhiều trở ngại nhưng có lẽ, chính tình cảm chân thành, thực lòng hiếu khách của người dân nơi đây đã níu chân thầy Hạ. "Cuộc đời là những chuyến đi và tuổi trẻ là quãng đời đẹp nhất để thực hiện chuyến đi đó. Đấy là lý do tôi chọn đến Trường Sa. Tôi chỉ hi vọng mình có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa mảnh đất này.
Tôi cũng mong mỏi các em học sinh sau này lớn lên, dù ở nơi nào, các em cũng sẽ trở thành người có ích cho xã hội, tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc và sẽ là những tuyên truyền viên về Hoàng Sa, Trường Sa, nơi mà các em đã từng sinh sống và học tập", thầy Hạ tâm sự.