Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2023, Vũ Thế Sơn - học sinh lớp 11A12 Trường THPT Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất (Hà Nội) đã giành giải Ba môn Vật lý. Sơn là học sinh lớp không chuyên duy nhất của một trường ngoại thành đạt được thành tích này.
Kể về hành trình chinh phục kỳ thi năm nay, Thế Sơn cho biết: "Là học sinh một trường ngoại thành, việc được chọn vào đội tuyển đi thi giải quốc gia là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, em luôn nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu của mình. Cùng với đó, lợi thế của em là có tâm lý thoải mái, không đặt nặng thành tích mà chỉ coi kỳ thi là nơi để mình được học hỏi, giao lưu".
Với tâm lý thoải mái, Sơn tự ý thức và chuẩn bị cho mình những kiến thức rất căn bản để đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí của kỳ thi. Sự miệt mài, chăm chỉ và niềm đam mê khám phá những kiến thức mới của môn Vật lý thức cộng với sự tự tin, kinh nghiệm đã từng tham gia kỳ thi này năm trước, cuối cùng Sơn đã nhận được đền đáp xứng đáng.
Chia sẻ về quá trình ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi, Thế Sơn cho hay: Nhờ sự hỗ trợ của thầy hiệu trưởng và các thầy cô trong trường, em đã có một môi trường học tập tốt. Cùng với việc tiếp cận kiến thức của các thầy cô trong trường, em được tạo điều kiện theo học một số thầy cô giỏi trong nội thành để bổ sung kiến thức, làm quen với các dạng bài tập.
Vũ Thế Sơn - học sinh lớp 11A12 Trường THPT Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất (Hà Nội)
Với sự định hướng của các thầy cô, hầu hết mọi vấn đề liên quan đến ôn luyện môn Vật lý em đều giải quyết ngay ở trên lớp. Thời gian ở nhà em chỉ ôn lại một chút, còn lại dành cho giải trí, chơi thể thao, phụ mẹ nấu nướng. Nhờ đó, em đã hài hòa giữa học tập và giải trí, giúp đầu óc không bị căng thẳng hay áp lực mệt mỏi.
Để học tốt môn Vật lý, Sơn cho biết trước hết phải có tình yêu với môn học này, sau đó là sự chăm chỉ, làm thật nhiều bài tập để có kỹ năng làm bài. Kinh nghiệm của em là học từ từ, chậm mà chắc. Trước mỗi hiện tượng vật lý, em thường đi giải đáp hết các câu hỏi liên quan đến hiện tượng ấy để lần sau gặp là mình nhớ ngay, không mất công hộ lại.
Tuy nhiên, chừng đó vẫn là chưa đủ. Ngoài sách vở, kiến thức từ trường lớp thầy cô truyền dạy, học hỏi từ các bạn, thì tinh thần học tập, ôn luyện cũng cần đam mê thực sự bởi lẽ, làm việc mà mình không thích thì hiệu quả sẽ không bao giờ cao. Bên cạnh đó, em còn tìm hiểu những kiến thức trên mạng internet, tham gia các diễn đàn về Vật lý để học hỏi các bạn có chung niềm đam mê từ khắp mọi nơi.
Kể về Sơn, bạn cùng lớp Trần Anh Thư cho biết: Sơn học rất giỏi và là thần tượng của nhiều bạn nữ trong lớp. Không chỉ học giỏi, Sơn còn thân thiện, tốt bụng, hay giúp đỡ bạn bè. Nhờ Sơn, học sinh lớp 11A12 đã học tốt môn Vật lý hơn rất nhiều so với trước.
Còn cô giáo chủ nhiệm lớp 11A12 Nguyễn Thị Thúy cho biết, Sơn đam mê và dành rất nhiều thời gian cho môn Vật lý. Từng đoạt giải Vật lý cấp thành phố năm lớp 9, Sơn đã mong muốn được theo học tại trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên nhưng lại thiếu điểm. Về trường huyện học, Sơn vẫn quyết tâm ôn luyện để đạt thành tích như hôm nay.
Vũ Thế Sơn trong một giờ học
Trong thời gian học tập tại Trường Phùng Khắc Khoan, Sơn đã được các thầy cô giáo phát hiện và tiếp tục bồi dưỡng. Đặc biệt, thầy hiệu trưởng Nghiêm Hồng Trung là người tốt nghiệp đại học sư phạm Vật lý, từng đạt giải Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc là người có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập và ôn luyện của Sơn.
Từ ngày nhận nhiệm vụ hiệu trưởng nhà trường, thầy Trung đã mang đến cho trường Phùng Khắc Khoan thành tích nổi bật trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Trước đó, nhà trường đã có một học sinh đạt giải quốc gia môn Văn. Còn giải thành phố, giải cấp cụm trường thì nhiều không đếm nổi.
"Trước đây khi đi thành phố, nhà trường chỉ thuê xe 4 chỗ để chở học sinh đi thi, có năm còn không phải thuê vì không có học sinh đi thi. Còn những năm gần đây, nhà trường đã phải thuê riêng một chuyến xe 45 chỗ để chở cả thầy lẫn trò, mà còn chật ních" - cô Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.
Không nhận công lao về phía mình, thầy Nghiêm Hồng Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan bộc bạch: Sơn là một học sinh đặc biệt, được phát hiện ngay từ khi tuyển sinh vào lớp 10 của nhà trường. Dù điểm đầu vào của Sơn không cao nhưng em lại từng đạt giải học sinh giỏi thành phố môn Vật lý. Do đó, nhà trường đã quan tâm đến việc bồi dưỡng cho Sơn môn học này.
Thế Sơn trao đổi bài cùng các bạn
Đầu tiên, thầy hiệu trưởng đã trực tiếp cho Sơn làm một bài test tư duy để khẳng định rằng học sinh của mình có năng lực và cần tiếp tục được bồi dưỡng. Thầy cũng trực tiếp xếp lớp học cho Sơn để em có thể phát huy được tối đa năng lực của mình. Cùng với đó, thầy đã kết nối với nhiều giáo viên giỏi ở nội thành để nâng cao kiến thức cho học trò.
Ngoài các giờ học trên lớp, vào mỗi buổi cuối tuần, thầy đến trường làm việc và gọi Sơn lên để bồi dưỡng. Phòng làm việc của thầy là một phòng thí nghiệm Vật lý thu nhỏ với rất nhiều thiết bị hiện đại. Với tư chất thông minh Sơn học rất nhanh, và ngay trong kỳ đầu lớp 10, Sơn đã đạt giải Nhất môn Vật lý lớp 11 cụm trường THPT Thạch Thất - Quốc Oai.
Sang năm học 2022-2023, Sơn được thầy hiệu trưởng bố trí học cùng 4 Anh chị lớp 12 và học kiến thức lớp 12. Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, Sơn xuất sắc nhất nhóm, và được cử đi thi học sinh giỏi cấp thành phố. Đạt giải nhì kỳ thi cấp thành phố, Sơn tiếp tục gây ngạc nhiên khi tiếp tục đạt giải Ba cấp quốc gia.
Theo thầy Trung, để đào tạo một học sinh giỏi quốc gia tại một trường huyện có đầu vào thấp là một quá trình rất công phu. Bí quyết của thầy và nhà trường đạt được có lẽ là sáng kiến "siêu liên kết", giúp học trò có thể tiếp cận các thầy cô giỏi từ các trường đại học và các trường chuyên ở nội thành, bên cạnh những tâm huyết của các thầy giáo "trường làng".