Trong đoạn video lan truyền trên mạng ngày 8/1, ông Vương, giáo viên một trường trung học ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc yêu cầu học sinh lặp lại lời thề rùng rợn do mình đưa ra: “Tôi sẽ không làm gì khác trong lớp ngoài việc học, nếu không cả gia đình tôi sẽ chết. Bố tôi sẽ chết trước và sau đó là mẹ tôi”.
Ngoài ra, các đoạn chat trong nhóm phụ huynh mà thầy Vương tham gia cũng được công khai. Theo đó, một phụ huynh chất vấn thầy giáo: “Có rất nhiều cách để tạo động lực cho học sinh học tập, tại sao thầy lại sử dụng phương pháp khủng khiếp như vậy?”.
Tuy nhiên sau đó, giáo viên này vẫn yêu cầu các học sinh lần lượt đến văn phòng của ông và viết lời tuyên thệ. Bốn học sinh từ chối đã bị ông yêu cầu trở về nhà và tự suy ngẫm.
Ngày 9/1, nhà trường đình chỉ hoạt động của thầy Vương, yêu cầu ông xin lỗi học sinh và phụ huynh.
Trường trung học ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc trở nên nổi tiếng trên mạng vì chuyện của thầy giáo Vương. (Ảnh: Weibo)
Hành vi của thầy giáo này làm dấy lên làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội: “Tôi rất vui vì con tôi không phải theo học lớp này"; “Cách giáo viên khuyến khích học sinh cũng quan trọng như việc đạt được điểm cao, không hiểu nổi người thầy này”; “Con người nên học cách làm người trước khi học kiến thức, tại sao ông thầy này lại bắt học sinh làm như vậy?”...
Việc gây áp lực buộc học sinh phải chăm chỉ trong năm đầu tiên ở bậc trung học là điều phổ biến ở Trung Quốc nhằm giúp các em có khởi đầu tốt trong việc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học (kỳ thi cao khảo) diễn ra vào cuối năm thứ ba.
Cao khảo được cho là cột mốc đầu tiên để đạt được thành công trong cuộc sống nên có tính cạnh tranh rất cao. Năm 2023, có 12,91 triệu thí sinh tham gia thi, tăng 980.000 so với năm trước. Hơn 90% thí sinh được nhận vào các trường đại học và cao đẳng. Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu của thí sinh vẫn là giành được một suất tại các trường đại học danh tiếng, vốn chỉ chiếm 5% ở Trung Quốc.
Nguồn: SCMP