Có thể đăng ký thường trú, tạm trú trên VNeID từ 1/1/2024
Thông tư 66/2023/TT-BCA, có hiệu lực từ 1/1/2024, sửa đổi Điều 3 tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và thông báo kết quả giải quyết thủ tục về cư trú của Thông tư số 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Theo đó, việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú được thực hiện dưới các hình thức sau:
- Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú;
- Trực tuyến qua cổng dịch vụ công;
- Ứng dụng VNeID;
- Dịch vụ công trực tuyến khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, từ ngày 1/1/2024, quy định mới xác định người dân có thể thực hiện đăng ký thường trú, tạm trú trên ứng dụng VNeID. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục về cư trú qua ứng dụng VNeID được triển khai thực hiện khi bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và do Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội quyết định.
Bên cạnh đó, Thông tư 66/2023/TT-BCA sửa đổi khoản 2 Điều 4 thông tin phản ánh về cư trú của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức được tiếp nhận thông qua các hình thức dưới đây:
a) Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú;
b) Điện thoại, đường dây nóng do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
c) Hòm thư góp ý, hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
d) Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương;
đ) Qua ứng dụng VNeID và các phương tiện thông tin đại chúng.".
Những lưu ý khi đăng ký thường trú, tạm trú qua VNeID
Căn cứ theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 66/2023/TT-BCA sửa đổi Điều 3 Thông tư 55/2021/TT-BCA. Khi đăng ký thường trú, tạm trú trực tuyến nói chung và VNeID nói riêng, người đăng ký cần lưu ý một số nội dung sau:
- Người yêu cầu đăng ký cư trú khai báo thông tin theo biểu mẫu điện tử được cung cấp sẵn, đăng tải bản quét hoặc bản chụp giấy tờ, tài liệu hợp lệ (không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, ký số hoặc xác thực bằng hình thức khác) hoặc dẫn nguồn tài liệu từ Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; nộp lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách thức khác theo quy định của pháp luật.
Sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ, người có yêu cầu đăng ký cư trú trực tuyến được cấp 01 mã số hồ sơ thủ tục hành chính để theo dõi, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ hoặc nhận thông tin để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký cư trú.
- Trường hợp công dân đăng tải bản quét, bản chụp giấy tờ, tài liệu mà không được ký số hoặc xác thực bằng hình thức khác thì khi cơ quan đăng ký cư trú tiến hành kiểm tra, xác minh để giải quyết thủ tục về cư trú; công dân có trách nhiệm xuất trình giấy tờ, tài liệu đã đăng tải để cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra, đối chiếu và ghi nhận tính chính xác vào biên bản xác minh. Cơ quan đăng ký cư trú không yêu cầu công dân nộp để lưu giữ giấy tờ đó.
- Bản quét hoặc bản chụp giấy tờ bằng thiết bị điện tử từ giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng phải bảo đảm rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung; đã được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định nếu là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.
- Việc thông báo về kết quả giải quyết thủ tục về cư trú được thực hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, tin nhắn SMS.
- Cơ quan đăng ký cư trú có quyền từ chối giải quyết thủ tục về cư trú và không hoàn trả lại lệ phí đối với trường hợp đã nộp lệ phí nếu phát hiện thông tin công dân kê khai không đúng sự thật hoặc giấy tờ, tài liệu công dân đã cung cấp để thực hiện thủ tục về cư trú bị tẩy xóa, sửa chữa, làm giả.
Sửa đổi, bổ sung quy định đăng ký thường trú có yếu tố nước ngoài
Thông tư 66/2023/TT-BCA sửa đổi khoản 3 và bổ sung khoản 4, khoản 5 vào Điều 9 đăng ký thường trú có yếu tố nước ngoài của Thông tư số 55/2021/TT-BCA:
1- Người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam khi đăng ký thường trú lần đầu phải có Quyết định của Chủ tịch nước về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam.
2- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam mà người đó đã sử dụng để nhập cảnh Việt Nam lần gần nhất.
3- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam lần gần nhất bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc sử dụng hộ chiếu Việt Nam nhưng bị mất, hết hạn thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch và xuất trình các giấy tờ dùng để nhập cảnh vào Việt Nam khi đăng ký thường trú để được cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Bộ Công an xem xét, cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú.
4- Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm chuyển đề nghị cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú đến cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công dân đề nghị đăng ký thường trú (kèm hồ sơ đề nghị đăng ký thường trú) để kiểm tra, xác minh và đề nghị cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Bộ Công an xem xét cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú.
Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, trả lời bằng văn bản theo đề nghị của cơ quan đăng ký cư trú.
5- Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thông báo cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú biết về việc hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp không được tiếp tục sử dụng để xuất, nhập cảnh Việt Nam và nộp lại các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thu hồi, hủy bỏ giá trị sử dụng.