Với mỗi 27 USD quảng cáo trên Facebook và Instagram, thương hiệu trà lá Plum Deluxe lại kiếm được một khách hàng, nhưng rồi Apple giới thiệu thay đổi trong quyền riêng tư, hạn chế theo dõi người dùng trên thiết bị di động.
Hiện tại, công ty phải bỏ ra khoảng 270 USD mới tìm được người mua mới. Đó là khoản tăng đáng kể mà Plum Deluxe không thể cáng đáng được, theo nhà sáng lập Andy Hayes.
Động thái của Apple bắt đầu cho thấy tác động lên thị trường quảng cáo trực tuyến, ảnh hưởng đến những người chơi thương mại điện tử và thách thức các hãng công nghệ như Facebook, Snap. Hôm 21/10, Snap dẫn thay đổi của Apple là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tăng trưởng chậm lại trong quý này.
Apple yêu cầu các ứng dụng phải xin phép người dùng nếu muốn theo dõi họ. Nhiều người đã chọn không đồng ý. Kết quả là các chương trình như Facebook, Snap thu được ít dữ liệu về thói quen và thị hiếu của người dùng hơn và không thể quảng cáo mục tiêu hiệu quả như trước.
Các nhà quảng cáo khó tiếp cận khách hàng tiềm năng hơn, trong khi giá quảng cáo tăng lên vì Apple. MuteSix, một đại lý kỹ thuật số chuyên làm việc với các thương hiệu trực tuyến, cho biết khách hàng của họ ghi nhận giá quảng cáo Facebook tăng trung bình 25%.
Facebook từng cảnh báo thay đổi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh. Một loạt doanh nghiệp trực tuyến nhỏ, từ nhà bán lẻ quần áo đến nhà cung ứng nội thất văn phòng, đều dựa vào Facebook và Instagram để mở rộng đối tượng khách hàng.
Nhiều công ty chật vật đối phó với tình hình mới và phải giảm ngân sách quảng cáo. Theo Nii Ahene, Giám đốc Chiến lược hãng quảng cáo kỹ thuật số Tinuiti, doanh nghiệp nhỏ có thể mở website bán quần áo rồi quảng cáo trên Facebook vì Facebook có thể xác định được người mua tiềm năng nhất nhờ hoạt động của họ trên web. Tuy nhiên, điều ấy trở nên khó khăn hơn nhiều cho Facebook.
Facebook sẽ báo cáo kết quả kinh doanh vào đầu tuần sau. Mảng quảng cáo đã mang về 84 tỷ USD cho công ty năm 2020 và vẫn ổn định suốt 18 tháng qua bất chấp tẩy chay từ các nhãn hàng và dịch bệnh. Người phát ngôn Facebook cho rằng thay đổi của Apple chỉ làm lợi cho mảng quảng cáo của “táo khuyết”. Ngược lại, phát ngôn viên Apple nói thay đổi nhằm cho người dùng quyền quyết định có chia sẻ dữ liệu không và chia sẻ với ai. Quy định mới áp dụng với tất cả nhà phát triển, bao gồm cả Apple.
Theo hãng phân tích ứng dụng di động Flurry, người dùng Mỹ chỉ đồng ý cho theo dõi trong 16% họ nhìn thấy thông báo của Apple.
Startup kiểm tra khả năng mang thai và sinh sản Get Stix chi từ 50.000 đến 100.000 USD quảng cáo trên Facebook mỗi tháng từ đầu năm nay. Song, chi phí tìm khách hàng đã tăng gấp 3 lần. Do không có đủ tài chính để kháng cự, họ đã cắt giảm một nửa ngân sách quảng cáo Facebook và chuyển sang các loại hình quảng cáo khác. Startup cũng tăng tính sáng tạo trong quảng cáo để được thuật toán của Facebook cộng điểm.
Sở dĩ giá quảng cáo tăng là vì một mánh khóe cũ của Facebook. Quảng cáo mục tiêu Facebook chủ yếu dựa vào một đoạn mã có tên pixel, nhúng trong hơn 8 triệu website. Khi ai đó ghé thăm website, pixel thu thập thông tin của người đó rồi gửi về Facebook. Nếu người dùng lựa chọn không đồng ý theo dõi, thông tin sẽ không bị gửi đến Facebook. Số lượng người dùng tiềm năng giảm, tỉ lệ nghịch với giá quảng cáo. Facebook vẫn có thể quảng cáo mục tiêu đến người dùng bằng dữ liệu thu thập trước đó, song dữ liệu ấy sẽ nhanh chóng mất giá trị.
Một hiệu ứng khác của thay đổi quyền riêng tư là Facebook khó đưa ra thông tin chi tiết về hiệu quả quảng cáo cho các nhà quảng cáo. Rất khó để Facebook “nhận công” nếu người dùng chi tiêu. Vì thế, ngày càng nhiều doanh nghiệp hạ mức chi tiêu quảng cáo trên Facebook.