Trợ lý thân cận của HLV Park Hang-seo chỉ ra hai vấn đề khiến thể thao, đặc biệt là bóng đá Việt Nam chưa thể phát triển. Đầu tiên là lĩnh vực y học thể thao và thứ hai là vấn đề dinh dưỡng.
Bác sĩ Choi Ju-young chia sẻ: "HLV Guss Hiddink khi mới đến Hàn Quốc làm việc (2001) cũng chỉ ra những vấn đề về chế độ ăn uống của cầu thủ. Việt Nam bây giờ cũng gặp chuyện tương tự. Họ chủ yếu ăn thứ họ thích mà không sử dụng những thức ăn giàu dinh dưỡng cho chính cơ thể mình".
Bác sĩ Choi Ju-young (giữa) có những đóng góp nhất định cho ĐTQG và U22 Việt Nam trong hơn 1 năm qua, đặc biệt về công tác hồi phục chấn thương và dinh dưỡng. Ảnh: Hiếu Lương.
Ông nói tiếp: "Tôi không phải bác sĩ chuyên về dinh dưỡng nhưng chế độ ăn uống của các cầu thủ giờ cũng thành việc của tôi. Chế độ ăn uống của các VĐV quan trọng nhất là bổ sung carbohydrate, thứ sẽ chuyển hoá thành năng lượng.
Trong y học thể thao, bữa ăn thường gồm 3 phần là bổ sung carbohydrate, protein và còn lại là rau (vitamin, chất xơ,…). Đối với cầu thủ Việt Nam, tạo thành thói quen ăn uống như vậy không dễ. Quan trọng nhất, tôi phải thay đổi chế độ ăn uống của họ mà không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Ví dụ, Đoàn Văn Hậu giờ đã chuyển hẳn chế độ ăn uống mì gạo, mì ăn liền sang ăn mì spaghetti (loại mì có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, giàu carbohydrate, cung cấp năng lượng và được khuyên dùng cho VĐV thể thao). Khi đến châu Âu, cậu ấy càng nhận ra tầm quan trọng của chế độ ăn uống hợp lý. Các cầu thủ tôi làm việc cùng cũng đang dần hiểu tại sao tôi nhấn mạnh đến chế độ ăn uống. Tôi sẽ giúp họ có thể trạng tốt nhất trong tương lai".
Hai tài năng Đình Trọng và Văn Đức bị chấn thương nặng đều làm việc trực tiếp với bác sĩ Choi Ju-young. Ảnh: Hiếu Lương.
Bác sĩ Choi Ju-young là người góp công giúp Tuấn Anh hồi phục tốt và có thể thi đấu tự tin như hiện tại. Ảnh: HAGL.
Trong khi đó, với vấn đề y học thể thao, bác sĩ Choi Ju-young khẳng định đây là lĩnh vực còn yếu ở Việt Nam.
"Theo tôi biết, ngành phục hồi chức năng chưa phát triển ở Việt Nam. Tôi đã làm việc với khoảng 30 cầu thủ cần phục hồi chức năng. Họ đa phần còn rất trẻ nhưng đều phải vất vả hồi phục chấn thương", bác sĩ Choi giãi bày.
Ông tiếp tục: "Tôi làm việc ở Việt Nam từ năm ngoái nhưng thấy chuyện phục hồi chấn thương cho cầu thủ còn thiếu nhiều thứ. Vì vậy, tôi muốn đóng góp cho lĩnh vực y học thể thao ở Việt Nam. Tôi chọn nơi này để làm việc và cùng phát triển. Tôi cũng có kinh nghiệm giảng dạy ở Hàn Quốc".
Bác sĩ Choi Ju-young nhận lời mời của HLV Park Hang-seo sang Việt Nam làm việc từ năm 2018. Ông cho biết: "Năm ngoái, tôi còn bay đi bay về giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giờ tôi ổn định công việc và quen rồi, không muốn về Hàn Quốc nữa".
Hiện tại, bác sĩ Choi đã bước sang tuổi 67 và đang làm việc tại PVF và đứng đầu bộ phận y tế tại đây. Theo một thoả thuận giữa PVF và VFF, ông sẽ làm việc cho ĐTQG và U22 Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo.
Trước đó, ông từng làm Trưởng Ban y tế của Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc (KFA) cho đến năm 2012 và được đánh giá là người rất có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực y học thể thao ở xứ sở kim chi. Chính vì vậy, HLV Park Hang-seo đã phải đích thân làm công tác đàm phán để mời ông sang Việt Nam làm việc trong bối cảnh lĩnh vực y học thể thao ở đây chưa phát triển.
Bác sĩ Choi chính là người làm công tác hồi phục trực tiếp cho Tuấn Anh, Văn Thanh, Xuân Mạnh, Đình Trọng, Văn Đức,… Việc Tuấn Anh thi đấu trọn vẹn mùa giải 2019, dần lấy lại phần nào phong độ cho thấy trình độ của bác sĩ Choi Ju-young.
Hồi tháng 10, đội tuyển Việt Nam tới Bali, Indonesia chuẩn bị cho trận đấu tại vòng loại World Cup 2022 với đội tuyển nước chủ nhà, bác sĩ Choi Ju-young cũng chính là người góp ý trực tiếp với đầu bếp của khách sạn 5 sao. Trong đó, ông yêu cầu bổ sung thêm nước, hoa quả, thức ăn cần được hâm nóng và giảm dầu mỡ.
Dưới thời HLV Park Hang-seo, bữa ăn của đội tuyển có nhiều thay đổi. Thói quen ăn uống của các tuyển thủ cũng dần thay đổi khi chú trọng hơn vào nhóm các thức ăn giàu năng lượng, tốt cho cơ thể thay vì quan tâm nhiều đến vấn đề ngon miệng.