Thần Tài sở hữu "quyền năng" gì trong văn hóa thờ cúng của người Việt?

Tú Linh, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 10:00 07/02/2025
Chia sẻ

Trong văn hóa dân gian của người Việt, Thần Tài không chỉ là biểu tượng của sự giàu có, sung túc mà còn mang trong mình những "quyền năng" đặc biệt, được người dân tôn kính và tin tưởng. Nhưng cụ thể, Thần Tài sở hữu những "quyền năng" gì?

Trong cuộc sống bộn bề của kiếp nhân sinh, mỗi người đều mang trong mình một niềm tin thiêng liêng, một sự sùng kính dành cho những đấng linh thiêng mà mình tôn thờ. Đối với người Việt, bàn thờ gia tiên không chỉ là nơi tưởng nhớ tổ tiên mà còn là chốn bình yên để gửi gắm những mong cầu về sự che chở, phù hộ từ những người đã khuất. Và sự mong cầu chở che ấy còn trải rộng tâm tưởng qua hệ thống các vị thần, trong đó có Thần Tài.

Khi tiết trời chuyển mình sang xuân, lòng người cũng rộn ràng hướng về những ngôi chùa linh thiêng, nơi được cho là điểm tựa tâm linh vững chắc. Người ta tìm đến để cầu xin "lộc rơi, lộc vãi", mong một năm mới đầy may mắn và tài lộc. Đặc biệt, với những người làm ăn, buôn bán, việc thờ cúng Thần Tài trở thành một nét văn hóa không thể thiếu. Họ tin rằng, vị thần này sẽ mang đến sự thuận lợi, phát đạt trong công việc, giúp họ vượt qua những khó khăn để gặt hái thành công. Chẳng hạn như ở miền Bắc, đền Bà Chúa Kho là một trong những ngôi đền thờ "Thần Tài" được nhiều người dân đến "vay mượn" tài lộc.

Bên cạnh đó, những ai mong cầu phúc lành, bình an lại hướng lòng thành kính đến Thổ địa - vị thần cai quản vùng đất nơi họ sinh sống. Họ cầu mong ngài ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống yên ổn. Với họ, một năm không hạn hán, thiên tai, một năm tràn đầy điềm lành và sự bình yên chính là phúc lớn nhất mà Thổ địa có thể ban tặng. Nhờ đó, 365 ngày trong năm, họ có thể an cư lạc nghiệp, sống một cuộc đời viên mãn và hạnh phúc.

Thần Tài sở hữu

Thần Tài là ai? Có bao nhiêu vị Thần Tài?

Đối với những người kinh doanh, thương nhân hẳn Thần Tài không còn xa lạ, còn đối với những người khác, Thần Tài được biết đến là vị thần "nắm giữ" tài lộc, có khả năng ban ơn, khắc họa nên ước nguyện về một cuộc sống tốt đẹp của người dân. Thần Tài tâm thức của mọi người giống như một cánh cửa mở ra sự giàu có và hy vọng, đưa may mắn và tài lộc vào nhà.

Thần Tài là vị thần mang lại may mắn và tài lộc trong tín ngưỡng dân gian Á Đông. Nguồn gốc và sự tích về Thần Tài rất đa dạng, phong phú, thể hiện qua các câu chuyện và truyền thuyết khác nhau ở mỗi nền văn hóa.

Trong văn hóa Trung Quốc, sự tích về Thần Tài khá đa dạng. Câu chuyện về Âu Minh và Như Nguyệt, người được coi là Tài Thần trong nhà, gắn liền với tục kiêng quét nhà 3 ngày Tết của người xưa hay câu chuyện về Phạm Lãi (Đào Châu Công), từ một trung thần trở thành thương gia buôn bán phát đạt, được người đời tôn là Thần Tài nhờ tấm lòng nhân hậu.

Trong văn hóa Ấn Độ, Thần Tài được gắn liền với Bố Đại La Hán, một trong 18 vị La Hán, người chuyên bố thí tiền bạc và mang đến may mắn, thành công.

Trong văn hóa Tây Tạng, Phật giáo Tây Tạng tôn sùng 5 vị Thần Tài ngũ sắc, trong đó Hoàng Thần Tài là vị thần đứng đầu, chuyên ban phát của cải và giúp chúng sinh thoát khỏi nghèo khó.

Trong văn hóa Việt Nam, Thần Tài trong tín ngưỡng người Việt là Thổ Địa, vị thần hộ mệnh cai quản đất đai và bảo trợ bình an. Một sự tích dân gian khác kể về Thần Tài từ trời rơi xuống trần gian, "mất trí nhớ" và lang thang xin ăn. Sau này, nhờ giúp đỡ của những người tốt bụng, Thần Tài lấy lại được trí nhớ và trở về trời. Từ đó, dân chúng lập ban thờ tôn kính ông và lấy ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch làm ngày vía Thần Tài.

Nhìn chung, sự tích về Thần Tài rất đa dạng và phong phú, nhưng đều chung một ý nghĩa là cầu mong may mắn, tài lộc và sự thịnh vượng trong cuộc sống.

Thần Tài sở hữu
Thần Tài sở hữu

Thần Tài có "quyền năng" gì trong văn hóa thờ cúng của người Việt?

Thần Tài gắn liền với tín ngưỡng và sự sùng bái của con người. Thời xưa, con người sống dựa vào thiên nhiên, ước mong về sự giàu có và cuộc sống an ổn đã tạo nên hình tượng Thần Tài như một chỗ dựa tinh thần. Và cứ ngày Tết đến, ngoài những bức tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống, tranh Thần Trà Uất Lũy canh cửa,... người ta cũng không quên treo thêm tranh Thần Tài để cầu tài lộc.

Tranh Thần Tài là sự kết tinh của nghệ thuật dân gian, là biểu hiện sinh động của thẩm mỹ dân gian. Chủ yếu sử dụng các màu nguyên bản như đỏ, xanh lá cây, vàng, tạo nên sự tương phản mạnh mẽ và bắt mắt. Màu đỏ tượng trưng cho niềm vui, màu xanh lá cây tượng trưng cho sức sống, còn màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang phú quý. Tất cả như hòa quyện niềm đam mê cuộc sống vào trong từng nét vẽ.

Treo tranh Thần Tài là một nghi thức không thể thiếu trong các dịp lễ tết, mang đến cảm giác mới mẻ và hy vọng về một tương lai tươi sáng. Nhìn chung, trong văn hóa phương Đông, Thần Tài được tồn tại dưới nhiều hình thức, chủ yếu các vị Thần Tài sẽ gắn liền với hình tượng nổi bật trong văn hóa địa phương, đất nước. Thông qua đó, người dân gửi gắm ước mong về sự lành và những điều tốt đẹp trong tương lai.

Thần Tài sở hữu

Võ Thần Tài thường được treo ở cửa chính để trừ tà, trấn trạch, cầu mong tài lộc hanh thông. Tranh Văn Thần Tài treo phòng khách để chiêu tài, đón lộc, phúc khí cho gia đình.

Chẳng hạn, ở Trung Quốc, người dân đón vía Thần Tài vào mùng 5 Tết. Trong văn hóa Trung Quốc, người ta tôn sùng Ngũ Lộ Thần Tài: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung, năm phương đều hanh thông tài lộc.

Có một thuyết về Đại Ngũ Lộ Thần Tài như sau: Thần Tài phương Đông là Tỷ Can, nổi tiếng với sự công chính liêm khiết, bảo vệ tài nguyên phương Đông; Thần Tài phương Nam là Sài Vinh, từ nhỏ buôn bán, sau này làm vua anh minh, cai quản tài phú phương Nam; Thần Tài phương Tây là Quan Vũ, với lòng trung nghĩa được giới thương nhân kính trọng, trở thành Thần Tài phương Tây; Thần Tài phương Bắc là Triệu Công Minh, với vẻ oai phong trấn giữ tài lộ phương Bắc; Thần Tài phương Trung là Vương Hợi, được coi là “Ông tổ thương nhân”, người khai sáng nền thương mại, nắm giữ tài vận phương Trung.

Một thuyết khác về Tiểu Ngũ Lộ Thần Tài bắt nguồn từ Phong Thần Diễn Nghĩa: Trung lộ là Võ Thần Tài Triệu Công Minh, được Khương Tử Nha phong làm Kim Long Như Ý Chính Nhất Long Hổ Huyền Đàn Chân Quân, thống lĩnh việc chiêu tài nạp phúc; Thần Tài phương Đông là Chiêu Bảo Thiên Tôn Tiêu Thăng, có thể chiêu tài bốn phương; Thần Tài phương Tây là Nạp Trân Thiên Tôn Tào Bảo, chuyên quản việc thu nạp trân bảo kỳ vật; Thần Tài phương Nam là Chiêu Tài Sứ Giả Trần Cửu Công, giỏi thu hút tài khí các phương; Thần Tài phương Bắc là Lợi Thị Tiên Quan Diêu Thiểu Tư, phù hộ việc buôn bán thuận lợi, tài lộc dồi dào.

Còn ở nước ta, trong văn hóa tín ngưỡng đại chúng, những vị thần được thờ cúng tại địa phương đều có "quyền năng" ban phát tài lộc và che chở bình an cho dân lành. Đối với những người làm ăn, kinh doanh việc ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc cũng rất mạnh mẽ, tuy nhiên sự thờ cúng cũng có sự khác biệt.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Thần Tài hiện lên như một biểu tượng của sự giàu sang, phú quý. Hình ảnh Ngài thường được khắc họa với mái tóc bạc phơ, ngồi uy nghi trên ngai vàng, tay cầm nén vàng rực rỡ, gương mặt hiền từ toát lên vẻ nhân hậu, bao dung. Thần Tài không chỉ là vị thần mang lại tài lộc mà còn là chỗ dựa tinh thần, niềm tin vững chắc cho những ai mong cầu sự thịnh vượng.

Từ Trung Hoa xa xôi, Thần Tài đã theo bước chân của các thương nhân du nhập vào Việt Nam từ bao đời nay. Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu làm ăn buôn bán trở nên sôi động hơn bao giờ hết, việc thờ cúng Thần Tài không chỉ là một nét văn hóa tâm linh mà còn là cách để người ta tìm kiếm sự may mắn, an tâm trong công việc. Tuy nhiên, cách thờ cúng Thần Tài của người Việt lại mang những nét riêng biệt, khác hẳn với người Trung Quốc. Điển hình là việc người Việt thường thờ chung Thần Tài với Ông Địa, tạo nên sự hài hòa giữa tài lộc và đất đai.

Thần Tài sở hữu

Nơi thờ tự Thần Tài thường được đặt ở vị trí khiêm nhường, sát đất và gần cửa ra vào, như một lời mời gọi tài lộc bước vào nhà. Lễ vật dâng cúng cũng không cầu kỳ, mà chủ yếu xuất phát từ tấm lòng thành kính của gia chủ. Đặc biệt, ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm được xem là ngày vía Thần Tài, một dịp lễ quan trọng không thể bỏ qua, nhất là với những người làm kinh doanh. Đây không chỉ là thời điểm để cảm tạ sự phù hộ của Thần Tài trong năm cũ mà còn là cơ hội để cầu xin vận may mới, tài lộc mới cho năm tiếp theo.

Vào ngày này, người dân thường có thói quen mua vàng để "khơi thông dòng của cải", mong rằng sự đầu tư nhỏ này sẽ mang lại may mắn và thành công trong công việc làm ăn. Tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo để tránh rơi vào cơn sốt vàng ảo, bởi giá cả thị trường luôn biến động khó lường.

Dù vậy, câu nói "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" vẫn luôn là chân lý được nhiều người tin tưởng. Tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn là điểm tựa tâm linh, giúp con người có thêm động lực và niềm tin để vượt qua khó khăn, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày