Ngụy Vĩnh Khang, sinh năm 1983 tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, nổi danh là một thần đồng với bảng thành tích đáng nể khiến cả vùng quê tự hào. Từ nhỏ, cậu bé họ Ngụy đã được mẹ chăm chút từng li từng tí từ miếng ăn đến giấc ngủ. Thế nhưng, con đường trưởng thành của thần đồng ấy lại gặp nhiều trắc trở.
Ngay từ khi còn nhỏ, Ngụy Vĩnh Khang đã thể hiện sự thông minh đặc biệt. Mới 3 tuổi, cậu đã thuộc lòng 1000 chữ Hán học vỡ lòng, trong khi bạn nhỏ cùng trang lứa mới bắt đầu bi bô học nói.
Theo thời gian, cậu cũng có niềm đam mê đặc biệt với Toán học và tiếng Anh. Ngoài giờ học chính khóa, cậu thường xuyên lui tới các hiệu sách để tìm tòi, nghiền ngẫm các tài liệu khoa học. Không ít lần, cậu còn đứng ra giảng giải kiến thức cho những người lớn tuổi hơn.
Sự thông minh của cậu nhanh chóng trở thành đề tài được nhắc đến khắp nơi. Khắp nhà, từ tường đến cửa, đều chi chít công thức và từ vựng để cậu tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi.
Người mẹ – vốn luôn đặt kỳ vọng vào con – không tiếc công chăm lo từng điều nhỏ nhặt, thậm chí còn chuẩn bị cả đồ vệ sinh để phục vụ tận nơi, miễn là con trai được toàn tâm toàn ý học hành. Nỗ lực ấy sớm cho “quả ngọt”: Từ sau 10 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang đã liên tục giành giải thưởng lớn, trở thành hình mẫu mà nhiều bậc cha mẹ mơ ước cho con em mình noi theo.
Nhờ tư chất thông minh và sự nỗ lực không ngừng, mới 13 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang đã trở thành sinh viên khoa Vật lý của Đại học Tương Đàm, gây ấn tượng mạnh với đàn anh, đàn chị. Chỉ 4 năm sau, Ngụy Vĩnh Khang được tuyển vào chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý Năng lượng cao – thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc.
Tuy nhiên, bước ngoặt cũng bắt đầu từ đây.
Vào tháng 8 năm 2003, Ngụy Vĩnh Khang bị buộc phải rời khỏi Học viện Khoa học Trung Quốc khi vừa 20 tuổi. Điều này khiến dư luận không khỏi hoang mang. Sau khi tìm hiểu, người ta phát hiện nguyên nhân là vì “anh không thích nghi được với môi trường nghiên cứu, nơi đòi hỏi nhiều yếu tố hơn là trí thông minh vượt trội”.
Không chỉ bản thân anh sốc trước quyết định này, mà người mẹ – người từng hết lòng hỗ trợ từng bước đi của con – và dư luận địa phương cũng không khỏi bàng hoàng khi tài năng từng được tung hô lại sớm “lụi tàn” như vậy.
Theo giới chuyên gia tâm lý, một phần nguyên nhân khiến Ngụy Vĩnh Khang không thể tiếp tục tỏa sáng là do hạn chế về trí tuệ cảm xúc (EQ) – yếu tố thường bị bỏ qua khi nuôi dạy các thần đồng. Trường hợp của anh cũng phản ánh thực trạng chung: nhiều thần đồng từng nổi bật thời thơ ấu dần mất phương hướng khi trưởng thành.
Mẹ anh sau này thừa nhận đã sai lầm khi quá chú trọng vào thành tích học tập mà quên mất việc giúp con phát triển toàn diện. Vì muốn con yên tâm học hành, bà lo lắng tất cả mọi thứ, từ ăn uống, vệ sinh, đến giặt giũ, tắm rửa. Đến cấp ba, Ngụy Vĩnh Khang vẫn được mẹ đút cơm, rửa mặt mỗi khi thấy không khỏe. Việc này khiến anh gần như không có khái niệm tự lập.
Không có bạn bè thân thiết, thiếu kỹ năng giao tiếp, Ngụy Vĩnh Khang dần rơi vào cảm giác cô đơn và lạc lõng. Ngay cả khi lên đại học, mẹ anh vẫn theo sát không rời. Chỉ đến khi Học viện Khoa học Trung Quốc yêu cầu phải tự lo cuộc sống từ sinh hoạt cá nhân đến việc học, anh mới bắt đầu cảm thấy choáng ngợp và hụt hẫng vì không đủ kỹ năng tự lập.
Thiếu người mẹ luôn nhắc nhở, anh sống như một cái máy vô hồn. Trời rét cũng không nhớ mặc áo ấm. Phòng ở của anh trở thành một mớ hỗn độn do không có ý thức dọn dẹp. Đỉnh điểm là việc anh bỏ lỡ kỳ thi tốt nghiệp tiến sĩ chỉ vì… quên giờ, dẫn đến việc bị đình chỉ học.
Không dám trở về nhà gặp mẹ, Ngụy Vĩnh Khang lang thang nhiều tỉnh thành với chỉ vài trăm tệ trong túi, sau cùng phải nhờ đến sự trợ giúp của cảnh sát Trung Quốc để quay về. Đó là một đòn nặng nề khiến cả hai mẹ con buộc phải thay đổi.
Ở tuổi đôi mươi, khi đáng ra phải bước vào ngưỡng cửa trưởng thành với hành trang tự lập, Ngụy Vĩnh Khang lại bắt đầu học lại từ con số không – từ việc đơn giản như tắm rửa, giặt giũ, cho đến những kỹ năng cơ bản nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Mẹ anh, người từng chăm bẵm từng ly từng tí suốt hơn hai thập kỷ, giờ đây lại phải hướng dẫn con trai mình như thể đang dạy một đứa trẻ lần đầu học cách tự lo cho bản thân.
Thời gian trôi qua, từ chỗ bỡ ngỡ và vụng về, Ngụy Vĩnh Khang dần học được cách sống độc lập. Không chỉ biết chăm sóc chính mình, anh còn bắt đầu biết quan tâm đến người khác – tự tay pha trà, lau người cho cha già nằm liệt, những việc tưởng chừng rất bình thường nhưng với anh là lần đầu tiên trong đời.
Cuộc đời của “thần đồng” năm nào bước sang một trang khác. Anh tìm được công việc ổn định, có thu nhập vững vàng để nuôi sống bản thân và gia đình.
Năm 2008, Ngụy Vĩnh Khang lập gia đình và lần lượt đón hai đứa con – một trai, một gái. Người vợ của anh cũng từng thừa nhận, chồng mình từ một thần đồng từng khiến cả tỉnh tự hào nay chỉ là một người đàn ông bình dị, hiền lành, tận tụy lo toan cho tổ ấm nhỏ. Với họ, vậy là đủ rồi.
Thế nhưng, ngày 17/11/2021, Ngụy Vĩnh Khang qua đời ở tuổi 38 vì một cơn bạo bệnh. Điều này để lại nhiều tiếc nuối cho những ai từng dõi theo hành trình đặc biệt của anh.
Câu chuyện của Ngụy Vĩnh Khang cũng khiến mọi người nhận ra rằng: Một đứa trẻ dù tài giỏi đến đâu, cũng cần được lớn lên như một người bình thường – với niềm vui, những bài học đời sống và cả quyền được sai, được sửa. Có như vậy, hành trình trưởng thành mới vững vàng hơn.
Theo: Sohu, Toutiao