Tôn Thiên Xương, cậu bé thiên tài 13 tuổi được nhận vào Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc trọng điểm là tin tức gây chấn động truyền thông đất nước tỷ dân một thời. Cậu sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là công chức Nhà nước, ông bà là giáo viên đã về hưu tại Vũ Hán (Trung Quốc)
Khi Thiên Xương còn nhỏ, mẹ dán chữ Hán lên tường, bà nói tên tiếng Anh của đồ vật quanh nhà để cậu cậu bé làm quen với bầu không khí học tập. Không ngờ Tôn Thiên Xương học chữ rất nhanh, mới 2 tuổi đã biết 2.000 Hán tự, tương đương trình độ học sinh lớp 3 và bắt đầu biết đọc. Mọi người xung quanh gọi cậu bé là "thần đồng", hy vọng vào tương lai xán lạn của Thiên Xương.
Tuy nhiên khi cậu đi học lại thường xuyên bị cô giáo phạt vì những lỗi nhỏ nhặt. Điều này làm gia đình Tôn băn khoăn liệu phương pháp giáo dục ở trường học có phù hợp với con mình không. Ông nội Thiên Xương cho rằng: "Bản chất của giáo dục là giải phóng năng lượng nội tại", việc giáo dục máy móc không có lợi cho sự trưởng thành cho trẻ em. Vì vậy, cả gia đình quyết định dạy cậu bé tại nhà.
Dưới sự hướng dẫn của ông bà, bố mẹ, Tôn Thiên Xương có nhiều sở thích như chơi cờ, vẽ tranh, chơi thể thao, đọc sách. Bố cùng Thiên Xương chơi bóng, rèn luyện thể chất trong khi mẹ và bà dạy cậu ngoại ngữ, ông nội dạy vẽ tranh và chơi cờ vây.
Người lớn nhận thấy Tôn Thiên Xương tuy tuổi còn nhỏ nhưng tiếp thu rất nhanh. Cậu bé này có thể phác thảo 1 bức tranh trong 2 phút và hoàn thiện nó chỉ trong 10 phút. Trong phòng cậu toàn sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như thiên văn, địa lý, lịch sử, quân sự...
Tôn Thiên Xương giao tiếp thành thạo tiếng Anh năm 5 tuổi, đạt giải cuộc thi nói tiếng Anh thành phố năm 6 tuổi, giành giải Nhì trong cuộc thi Hóa học Vật lý dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên toàn quốc năm 10 tuổi. Bố mẹ cho Thiên Xương học các khóa học để đạt đủ điều kiện thi đại học nhưng chủ yếu thời gian trong ngày của cậu bé vẫn là tự học, nuôi dưỡng sở thích cá nhân.
Ngay lần đầu tiên thi đại học năm 12 tuổi, Tôn Thiên Xương đạt số điểm 594/750, đủ để nhập học nhiều trường danh tiếng. Cậu vẫn quyết tâm thi lại để đỗ ngôi trường yêu thích. Một năm sau, Tôn Thiên Xương nhận được giấy báo nhập học lớp cơ sở của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc với số điểm 659 điểm, thừa cả điểm vào Đại học Thanh Hoa.
Tin tức về thần đồng họ Tôn bùng nổ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tôn Thiên Xương phải đến nhà ông bà nội để tránh sự chú ý của các phóng viên. Gia đình không giấu được sự tự hào vì cậu.
Cú trượt dốc đáng tiếc
Việc học tập ở trường đại học hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của bản thân mà không có sự giám sát của thầy cô. Tôn Thiên Xương vẫn luôn tự giác học tập, nghiên cứu, nhưng cậu vẫn mới chỉ 13 tuổi, ham chơi là điều không tránh khỏi.
Trong học kỳ đầu tiên của năm thứ nhất, cậu vẫn là một học sinh giỏi trong lớp học toàn các cao thủ hội tụ. Tôn Thiên Xương sau đó cảm nhận được sự tự do khi không có bố mẹ hay thầy cô quản lý, liền bị các bạn lôi kéo tham gia các hoạt động bên ngoài, chơi các trò chơi trực tuyến.
Cậu bắt đầu trốn tiết, bỏ học, dù được giảng viên khuyên ngăn nhưng kết quả cuối kỳ vẫn trượt dốc. Điều này càng khiến Thiên Xương buồn chán, đắm chìm vào những sở thích của bản thân.
Điểm số của rất nhiều bài kiểm tra trong năm thứ hai và năm ba đều ở mức báo động đỏ. Cậu bé thần đồng trước đây khiến mọi người xung quanh thất vọng, cười nhạo. Đến năm cuối đại học, Thiên Xương mới ý thức được sai lầm của bản thân, chăm chỉ cải thiện điểm số.
Tuy nhiên thành tích bết bát không đủ cho cậu có một suất vào trường cao học mong muốn. Đối mặt với tương lai, Tôn Thiên Xương không còn nhiều tự tin như ngày bé, trở nên hoang mang và do dự, dù cố gắng trau dồi việc học nhưng không có thêm thành tích nào nổi bật.
Thông tin về Thiên Xương biến mất khỏi truyền thông. Nhiều người tin rằng thần đồng đã đánh mất hào quang, trở thành người bình thường.
Một số chuyên gia giáo dục nhận định, bố mẹ Tôn Thiên Xương đã mắc sai lầm khi quên mất con trai vẫn là một cậu bé ở tuổi thiếu niên, cần sự giám sát và uốn nắn của gia đình. Để con rèn luyện sự tự giác là tốt, nhưng bố mẹ vẫn cần quan tâm, theo sát quá trình trưởng thành của con, khuyên nhủ khi con mắc lỗi và hướng dẫn con sửa sai kịp thời.