Năm 2011, cả thế giới hướng về Nhật Bản khi phải hứng chịu thảm họa kép động đất - sóng thần. Những cột sóng cao hàng chục mét tràn vào đất liền, cuốn trôi mọi thứ, để lại một khung cảnh tang thương đến xót xa.
Hình ảnh thảm họa sóng thần tại Nhật
Nhưng những gì sóng thần để lại không chỉ có vậy. Theo một nghiên cứu mới đây, sóng thần tại Nhật Bản khi ấy đã góp phần đẩy hơn 300 sinh vật ven biển vượt qua Thái Bình Dương, thậm chí có loài đi được quãng đường 7000km, chạm đến cửa ngõ của Hoa Kỳ.
Đây được xem là cuộc di cư thủy sinh chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Nhưng quan trọng hơn, thiên tai chỉ tác động một phần trong cuộc di cư này. Một yếu tố nữa là... nhựa và các loại rác vụn trôi nổi trên biển, đóng vai trò như những chiếc phao giúp các loài vật di chuyển được quãng đường dài khủng khiếp như trên.
"Tôi chưa từng nghĩ các loài sinh vật này có thể sống sót trong thời gian và quãng đường dài như vậy" - Greg Ruiz từ Trung tâm nghiên cứu Môi trường Smithsonian cho biết.
Các loài vật mắc kẹt trong cốc nhựa trôi từ Nhật Bản
"Trong quá khứ hiện tượng này không xuất hiện. Giờ đây, rác nhựa đã xuất hiện quá nhiều, và cùng với thảm họa tự nhiên (sóng thần, bão biển) tạo thành cơ hội di cư với quy mô lớn chưa từng có."
Được biết, trận động đất 9 độ Richter tại Nhật Bản năm 2011 đã tạo ra những cột sóng cao tới 40,4m, cuốn theo hàng triệu mảnh vụn, rác bẩn từ đất liền ra biển. Và trong giai đoạn từ 2012 - 2017, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều loài vật mắc kẹt trong các vật dụng như thế (cốc nhựa), nhưng là tại bờ biển của Mỹ, với tổng cộng 289 loài khác nhau.
"Các mảnh rác nhựa trôi nổi trên biển gây ảnh hưởng rất lớn về mặt sinh học và hệ sinh thái" - Ruiz chia sẻ. "Đây là một khía cạnh khác về hậu quả của rác nhựa mà con người cần chú ý đến."
Trong số gần 300 loài vật di cư, chủ yếu là các loài vật có vỏ (trai, sò...) và một số loài không xương sống khác. Ngoài ra còn có giun biển, hải quỳ, sứa, sao biển...
Những loài vật này thường không thể sống quá xa bờ, và chẳng loài nào là loài bản địa của Mỹ. Nhưng nhờ vào thảm họa "bất đắc dĩ" này, chúng có cơ hội vượt biển đến một vùng đất xa hơn.
Trên thực tế, đây chưa phải là con số cuối cùng. Các chuyên gia cho rằng thực tế số loài vật trôi từ Nhật đến Mỹ còn lớn hơn nữa. Ngoài ra, hiện cũng chưa rõ sự hiện diện của chúng là có lợi hay có hại với môi trường biển tại quốc gia này.
"Đây là một trong những cuộc di cư có lẽ là lớn nhất trong lịch sử" - John Chapman từ ĐH Oregon, thành viên của đội nghiên cứu cho biết.