Nhìn lại 2 trận động đất sóng thần khủng khiếp nhất 20 năm qua

, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 11/03/2015

Cùng check xem bảng thống kê so sánh mức độ thảm họa của hai trận động đất sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 và Nhật Bản 2011.

Ngày 11 tháng 3 năm 2011 là một trong những thời khắc đen tối của lịch sử thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng. Chỉ trong tích tắc, một thảm họa kép gồm động đất và sóng thần đã ập vào vùng Tohoku, Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người dân xứ sở anh đào. 

Sự việc xảy ra nhanh chóng khiến tất cả chúng ta liên tưởng tới năm 2004 khi một thảm họa tương tự ngoài khơi Ấn Độ Dương đã san bằng nhiều bãi biển tại Đông Nam Á và làm tử vong hàng trăm ngàn người vô tội.

Nhân dịp kỷ niệm 4 năm sự kiện động đấtsóng thần xảy ra tại Nhật Bản, hãy cùng làm một phép so sánh nhỏ giữa hai thảm họa thiên nhiên khủng khiếp bậc nhất lịch sử thế giới này với chùm ảnh dưới đây.

1. Sức mạnh của động đất



Trận động đất tại Tohoku ngày 11 tháng 3 năm 2011 có cường độ cao nhất trong lịch sử Nhật Bản, với mức 9,0 trong thang độ lớn mô men (Mw). Theo các nhà địa chất học, đây là trận động đất khủng khiếp thứ tư trong lịch sử loài người kể từ năm 1900.  


Một trong ba trận động đất có sức mạnh vượt trên sự kiện tại Nhật Bản năm 2011, đó chính là thảm họa tại Ấn Độ Dương năm 2004. Theo ước tính, trận động đất ngầm dưới lòng đại dương khi ấy có độ lớn từ 8,8 tới 9,1(Mw).

Thậm chí, trận động đất này mạnh tới mức làm cả thế giới rung chuyển 1cm so với thời điểm trước khi xảy ra thảm họa.


2. Sự thịnh nộ của sóng thần


Điểm chung trong cả hai thảm họa nêu trên, đó là động đất đều đi kèm với sự cuồng nộ khủng khiếp của sóng thần. Năm 2011, dư chấn từ động đất ngoài khơi Thái Bình Dương đã gây nên những con sóng thần cao tới 40,5m (đo được tại Myako).


Trong khi đó, sóng thần tại Ấn Độ Dương năm 2004, tuy đỉnh chỉ đạt chiều cao hơn 30m nhưng năng lượng mang theo lại vô cùng lớn. Chuyên gia Tad Murty ước tính, năng lượng trận sóng thần này gây ra tương đương 5 megaton thuốc nổ TNT, gấp hơn 2 lần tổng số bom và thuốc nổ dùng trong thế chiến thứ II.


3. Phạm vi ảnh hưởng


Một lần nữa, thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản năm 2011 lại yếu thế hơn khi so sánh với “người anh em” năm 2004 tại Ấn Độ Dương. Cụ thể, thảm họa Tohoku chỉ tác động trên khu vực có bán kính 70km về phía đông bán đảo Oshika của đất nước hoa anh đào. 


Ngược lại, tầm phá hủy của trận động đất sóng thần năm 2004 rộng hơn rất nhiều, lên tới bán kính 160km. Các chuyên gia hàng đầu thế giới còn thống kê rằng, khoảng 14 quốc gia khác nhau là “nạn nhân” của thảm họa này.


4. Tính bất ngờ


Xét về yếu tố bất ngờ, chắc chắn thảm họa tại Nhật Bản không thể vượt qua những gì đã xảy ra tại Ấn Độ Dương. Thực tế, trước khi động đất xảy ra đúng một phút, người dân xứ sở hoa anh đào đã được các phương tiện truyền thông thông tin tới. Giới khoa học cho rằng, nhờ sự cảnh báo kịp thời mà các ảnh hưởng, thiệt hại lớn của Nhật Bản trong thảm họa được hạn chế rất nhiều. 


Tuy nhiên, số phận đã không mỉm cười với những du khách tới Indonesia. Sự việc xảy ra khi ấy rơi đúng vào ngày lễ Boxing Day (26 tháng 12) – thời điểm mọi người còn đang say sưa tận hưởng ngày lễ tặng quà. Trận động đất kết hợp cùng sóng thần xuất hiện cùng lúc chẳng khác nào “món quà” oan nghiệt cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người. 


5. Hậu quả và thiệt hại


Thảm họa Tohoku đã gây nên những hậu quả vô cùng khủng khiếp đối với người dân Nhật Bản. Ngân hàng thế giới ước tính, đây là thảm họa thiên nhiên đắt đỏ nhất trong lịch sử loài người với thiệt hại hơn 235 tỷ USD (hơn 4 triệu 935 ngàn tỷ đồng).
 
Cụ thể, về con người, đã có 15.889 ca tử vong, 6.152 người bị thương và 2.601 người mất tích. Về vật chất và cơ sở hạ tầng, động đất lớn và sóng thần đã góp phần gây nên thảm họa hạt nhân Fukushima sau đó không lâu, làm sập và hư hại hơn 1 triệu tòa nhà.


Trong khi đó, thảm họa 2004 tại Indonesia cũng không hề kém cạnh. Thiệt hại trận động đất và sóng thần này gây ra khoảng 14 tỷ USD, tương đương hơn 294 ngàn tỷ đồng. Và trong số 14 quốc gia bị ảnh hưởng, có tổng cộng khoảng 230.000 người đã tử vong. 


6. Sự hồi sinh 


Sau thảm họa, người dân ở cả Nhật Bản và Indonesia đều đã đứng lên và “hồi sinh” mạnh mẽ. Ở Nhật Bản, cả chính phủ và người dân đã cùng chung tay nhau vượt qua khó khăn. Trong khi các cơ quan chức năng nhanh chóng làm mọi việc để có thể khắc phục sự cố thì người dân cũng luôn tin tưởng vào các nhà lãnh đạo.

Phóng viên đài NBC của Mỹ từng ngạc nhiên thốt lên trước phản ứng của những người Nhật là nạn nhân của thảm họa: “Đạo đức xã hội Nhật Bản thật đáng kinh ngạc. Không hề có bất cứ đề cập nào liên quan đến cướp bóc hay bạo lực. Tất cả mọi người đều xếp hàng chờ đợi đến lượt vào cửa hàng. Nhân viên cửa hàng rất lịch sự và tử tế”.


Đối với người dân Indonesia, họ cũng đứng lên rất nhanh sau thảm họa. Những phóng sự liên tục đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông thế giới nhân dịp 10 năm thảm họa đã chứng minh, dấu tích đau thương của ngày 26 tháng 12 năm 2004 đã không còn nữa. 

Tạm kết:

Xét về mọi yếu tố, trận động đất sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản có mức độ nguy hiểm không thua kém nhiều so với thảm họa tại Ấn Độ Dương năm 2004. Tuy nhiên, điều cần thấy chính là việc cả hai thảm họa đều có nguồn gốc từ hiện tượng biến đổi khí hậu quá nhanh. 

Thủ phạm của quá trình ấy, không ai khác lại chính là con người. Trong tương lai không xa, nếu muốn tồn tại hành tinh xanh, chúng ta cần thay đổi, cần sống có trách nhiệm hơn với thế giới xung quanh! 

Nguồn: Wikipedia, CNN, Telegraph, NBC