Thái Lan áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho phát triển du lịch bền vững

Ngọc Diệp/VOV-Bangkok, Theo VOV 09:33 29/07/2023
Chia sẻ

Trong kế hoạch phát triển mới nhất của mình, Thái Lan đưa ra mô hình “Nền kinh tế tuần hoàn - sinh học - xanh” (BCG) cho tương lai bền vững. Ngành du lịch Thái Lan được áp dụng mô hình kinh tế này một cách rõ nét nhất, trong đó có việc thiết lập một tiêu chuẩn mới cho du lịch có trách nhiệm.

Mô hình kinh tế “Sinh học – Tuần hoàn – Xanh (BCG)” của Thái Lan được phát triển dựa trên triết lý “Kinh tế vừa đủ” (sufficiency economy) từ những năm 1970 của Vua Rama 9, chú trọng nhu cầu tiêu dùng điều độ, có chừng mực, nâng cao tính tự chủ và khả năng tự miễn dịch với sự bất ổn từ bên ngoài.

Được chính phủ Thái Lan giới thiệu như một chiến lược phát triển quốc gia và phục hồi sau đại dịch Covid-19, mô hình BCG nhấn mạnh vào việc áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới để biến những lợi thế của Thái Lan về đa dạng sinh học và văn hóa thành lợi thế cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao, tập trung vào bốn lĩnh vực chiến lược là: Nông nghiệp và thực phẩm; Chăm sóc sức khỏe và y tế; Năng lượng, vật liệu và hóa sinh và Du lịch và kinh tế sáng tạo.

Thái Lan áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Ẩm thực là một trong những ưu tiên của ngành du lịch Thái Lan.

Mô hình này hướng tới mục tiêu thúc đẩy tính bền vững của tài nguyên sinh học, củng cố các cộng đồng và nền kinh tế cấp cơ sở, mở rộng ra cấp quốc gia và kết nối với thế giới bằng cách trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh bền vững của Thái Lan và xây dựng khả năng phục hồi trước những thay đổi trên thế giới, đạt được mức độ trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

Bên cạnh ưu tiên phát triển các trung tâm công nghệ cao và các ngành công nghiệp sáng tạo như xe điện, điện tử thông minh. Thái Lan cũng chú trọng phát triển các sản phẩm thực phẩm theo xu hướng lối sống mới cân bằng và bền vững, tận dụng sự phong phú về chủng loại cây thảo dược và tri thức y học dân gian để phát triển các sản phẩm và dịch vụ y tế theo xu hướng mới.

Về du lịch, chương tiếp theo của ngành du lịch Thái Lan sẽ chuyển hướng sang du lịch chất lượng với hình thức mới để đảm bảo tính an toàn và bền vững, mang lại sự phân phối thu nhập công bằng cho người dân địa phương, nâng cao trải nghiệm của du khách với du lịch xanh bền vững, nâng tầm du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe, cũng như du lịch ẩm thực.

Thái Lan áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho phát triển du lịch bền vững - Ảnh 2.

Người dân địa phương tham gia làm du lịch tại Thái Lan.

Đảo Koh Mak ở tỉnh Trat thuộc miền Đông của Thái Lan là một hình mẫu tiêu biểu cho mô hình Kinh tế Tuần hoàn – Sinh học – Xanh (BCG) của nước này. Koh Mak được lựa chọn là điểm đến carbon thấp đầu tiên của Thái Lan vào năm 2012 bằng cách tập trung vào các nguồn năng lượng thay thế, sử dụng nước hiệu quả, giảm thiểu rác thải và duy trì lối sống truyền thống.

Đặc biệt trong năm 2015, chính quyền đảo Koh Mak tung ra 3 chiến dịch lớn. Đó là chiến dịch “Eat it Fresh” hay “Ăn đồ tươi” vận động các nhà điều hành nhà hàng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên đảo mua hải sản từ các thuyền đánh cá trong khu vực nhằm giảm chi phí vận chuyển, đồng thời khuyến khích người dân địa phương trồng rau và trái cây không sử dụng thuốc bảo vệ vật.

Chiến dịch “Help Koh Mak” – “Giúp Koh Mak” khuyến khích du khách thể hiện hành vi “xanh” bằng cách ăn thực phẩm địa phương, tái sử dụng khăn tắm, không lãng phí nước hoặc tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.

Chiến dịch “A Good Host” – “Chủ nhà tốt” khuyến khích sự hợp tác của người dân địa phương bằng cách tích cực tham gia các hoạt động giảm phát thải carbon như phân loại rác cho mục đích tái chế hoặc làm phân bón sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo từ pin mặt trời.

Thái Lan áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho phát triển du lịch bền vững - Ảnh 3.

Du khách trải nghiệm lặn biển quanh đảo Koh Mak. Nguồn: Báo Nhân dân

Chính nhờ thế, hòn đảo này trở thành sự lựa chọn tuyệt vời của rất nhiều du khách. Hòn đảo này không có các cửa hàng tiện lợi hay cuộc sống về đêm. Ngay cả những khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất cũng hòa quyện hoàn hảo vào khung cảnh rừng rậm thanh bình xung quanh.

Koh Mak cũng đã được Green Destination Foundation (GDF), một tổ chức chứng nhận phi lợi nhuận có trụ sở ở Hà Lan lựa chọn để trở thành một trong 100 câu chuyện về điểm đến xanh hàng đầu trên thế giới trong năm 2022 và là hình mẫu du lịch bền vững tiêu biểu của Thái Lan.

Các nước trong khu vực có thể tham khảo rất nhiều từ kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững tại Thái Lan. Nhà chức trách nước này nhận thức rất rõ rằng để phát triển bền vững, các nguồn tài nguyên cần được sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả và không thể đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, Thái Lan đã đưa ra rất nhiều biện pháp hiệu quả như đóng cửa một số điểm du lịch ở giai đoạn nguy cơ cao như trong mùa bão lũ, vừa đảm bảo an toàn vừa giúp thiên nhiên tự phục hồi; hay thay đổi thời điểm du lịch theo mùa và sử dụng dự báo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động du lịch khác nhau như ẩm thực, y tế và sức khỏe và các sự kiện văn hóa.

Với miền Đông Thái Lan vốn nổi tiếng là vựa trái cây của đất nước, các tỉnh tại đây đã xây dựng chương trình du lịch nông nghiệp như một điểm nhấn để thu hút khách. Khách du lịch tới đây sẽ có cơ hội tận mắt thăm các vườn trái cây, xem cách nông dân thu hoạch hoa quả và đặc biệt là có cơ hội nếm thử các loại trái cây nhiệt đới thơm ngon đặc biệt. Các nhà vườn ở đây cũng đang hướng tới lối canh tác hữu cơ, giảm sử dụng thuốc trừ sâu nhằm hạn chế phơi nhiễm hoá chất trong cộng đồng nông thôn và người tiêu dùng.

Với nhiều hòn đảo tại Thái Lan như Koh Mak, chính quyền địa phương cũng không nhắm đến mục tiêu thu hút thật nhiều khách du lịch mà là hướng đến những khách du lịch chất lượng, sẵn sàng tuân thủ các quy định giúp giảm thiểu dấu chân carbon. Du khách có thể tìm thấy niềm vui qua các hoạt động thân thiện với môi trường như trồng san hô, lặn biển hay trải nghiệm sự độc đáo từ việc nhuộm vật phẩm lưu niệm bằng các phẩm màu tự nhiên của người dân địa phương.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày