Thà bán nhà cho người ngoài còn hơn bán cho em họ: Dù mang tiếng, tôi vẫn thấy quyết định quá đúng đắn

Phương Mộc, Theo Thể thao văn hoá 10:29 06/05/2023
Chia sẻ

Tôi càng nghĩ càng thấy bản thân chẳng làm gì sai. Nếu thực sự để nhà cho em họ, có thể sẽ càng to chuyện hơn.

‏*Dưới đây là chia sẻ của Tiểu Khiết, là người sống ở Hà Bắc, Trung Quốc về tình huống cá nhân của mình, không đại diện cho tất cả mọi người.‏

‏Vừa bán xong căn nhà, tiền cầm chưa ấm tay, bố tôi đã gọi điện chất vấn: "Con làm chị như thế đấy à? Sao không bán căn hộ đó cho em họ bên nhà chú? Người ta đang cần nhà gấp để chuẩn bị cưới vợ mà không biết ý biết tứ gì hết! Nếu không có chú thím năm đó giúp đỡ lúc bố ốm nằm viện, chưa biết cái nhà này đã ra sao đâu!"

‏Tai tôi gần như chai sạn khi nghe điều này.‏

‏Vài năm trước, nhà tôi không mấy khá giả. Khi tôi mới vào đại học, tất cả tiền bạc trong nhà đều đã dùng để trả học phí. Đúng lúc đó, bố tôi lại ốm nặng và phải nhập viện. Số tiền viện phí lúc đó tới quá gấp, không ai xoay sở kịp để chi trả.‏

‏Mẹ tôi không còn cách nào khác, đành phải tới nhà chú tôi để hỏi vay. Lúc đầu họ không chịu cho mượn, sau khi bà nội lên tiếng, nói chuyện khuyên nhủ vài lần, chú thím mới chịu cho nhà tôi vay 30.000 NDT (khoảng 100 triệu đồng). ‏

‏Mẹ tôi cũng đã viết giấy vay nợ, hứa hẹn sẽ trả hết nợ trong thời hạn 1 năm, dưới sự chứng kiến của bà nội và cả nhà chú thím.‏

‏Nhưng bố tôi vừa xuất viện về thì chú tôi đã 5 lần 7 lượt nhắc nợ với đủ mọi lý do. Trong khi lúc đó mới qua gần nửa năm, còn rất xa mới đến hạn trả nợ mà hai bên đã đồng ý trước đó.‏

Thà bán nhà cho người ngoài còn hơn bán cho em họ: Dù mang tiếng, tôi vẫn thấy quyết định quá đúng đắn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

‏Cuối cùng, để có thể sớm ngày kiếm đủ tiền trả hết nợ cho gia đình chú thím, bố tôi vừa đỡ bệnh đã phải đến công trường làm việc ngày đêm. Mẹ tôi cũng tới đó để làm thuê cho bếp ăn công nhân.‏

‏Mùa hè năm đó nóng như đổ lửa. Những lán trại dựng tạm, các căn phòng tạm bợ trên công trường nóng như hầm lò. Ngày nào bố mẹ tôi cũng về nhà trong tình trạng ướt đẫm mồ hôi, mệt mỏi không tả nổi.‏

‏Thế nhưng đến đêm, họ vẫn sẽ đẩy quầy hàng ra chợ để buôn bán thêm, mong gia tăng thu nhập. Có lần xảy ra tranh chấp với khách hàng say rượu, bố mẹ tôi liều mình giữ sạp, suýt nữa thì bị thương nặng.‏

‏Sau thời gian dài vất vả, cuối cùng nhà tôi cũng gom đủ tiền để trả nợ cho chú thím. Nhưng tiền đã trả xong hết mà ơn vẫn "dây dưa". ‏

‏Chẳng biết từ khi nào, người trong thôn ai cũng xì xào chuyện gia đình chúng tôi vay của chú 30.000 NDT. Tôi biết thím cố tình công khai, đi nói với mọi người để tỏ vẻ quan tâm, giúp đỡ người thân. Nhưng sau khi đã được trả nợ, thím lại chẳng nói gì. Cả thôn vẫn đinh ninh chúng tôi cầm tiền mãi không chịu trả.‏

‏Tôi đã rất tức giận, bởi vì đích thân tôi đi cùng mẹ tới nhà chú thím để vay tiền, nhìn mẹ ký giấy vay nợ đàng hoàng, nhưng lại bị chú thím sang tận nhà đòi tiền 5 lần 7 lượt. Kể cả sau khi trả hết nợ, họ cũng liên tục nhắc lại, tỏ thái độ ban ơn. Bố tôi cũng vì thế mà luôn cảm thấy mắc nợ với gia đình họ, chẳng thể ngẩng đầu ưỡn lưng. ‏

Thà bán nhà cho người ngoài còn hơn bán cho em họ: Dù mang tiếng, tôi vẫn thấy quyết định quá đúng đắn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

‏Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi ở lại thành phố và tìm được một công việc trong tập đoàn lớn, có mức thu nhập tốt và khả năng thăng tiến cao. Từ đó, nhà chú thím bỗng thay đổi thái độ, liên tục khen tôi có triển vọng. Đôi lần khi tụ họp cả đại gia đình, họ lại nói rằng, nếu năm đó không cho bố mẹ tôi vay tiền, có lẽ tôi còn không thể học đại học. ‏

‏Bản thân bố là người đặc biệt coi trọng tình cảm anh em, dưới tác động không ngừng từ lời nói và hành động của chú thím, bố cũng luôn dặn tôi rằng: "Làm người phải biết đền ơn, nhất là với gia đình chú thím từng giúp mình khi hoạn nạn."

‏Quả thật, họ là ân nhân đã giúp đỡ. Nhưng không thể vì một món nợ mà không ngừng chèn ép, muốn "ngồi lên đầu lên cổ" nhà tôi cả đời được. ‏

‏Đỉnh điểm bức xúc của tôi là khi chú thím biết tôi đang có ý định bán một căn nhà. Đây vốn là nhà mà bố mẹ chồng nhờ tôi bán hộ, theo giá trị trường là 2,2 triệu NDT. Khi đó, bố bỗng dưng gọi điện cho tôi và nhắn rằng chú thím muốn mua nhà cho em họ, chuẩn bị năm sau cưới vợ cho con trai. Tuy nhiên, mức giá mà họ đưa ra chỉ là 1,8 triệu NDT. ‏

Thà bán nhà cho người ngoài còn hơn bán cho em họ: Dù mang tiếng, tôi vẫn thấy quyết định quá đúng đắn - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

‏Mức chênh lệch lên tới 400 nghìn NDT khiến tôi á khẩu. Dù tôi đã trình bày rằng, đây không phải nhà của tôi, mà tôi chỉ đứng ra bán hộ cho nhà chồng, gia đình chú thím vẫn nằng nặc đòi giảm giá. ‏

‏Cuối cùng, tôi mặc kệ họ và quyết định bán nhà cho một đồng nghiệp trong công ty với đúng giá 2,2 triệu NDT. ‏

‏Chính điều đó khiến tôi bị cả nhà chất vấn, chú thím còn mắng tôi "bạc bẽo", "vô ơn", "con gái giờ chỉ biết hướng về nhà chồng". Ai cũng hỏi tại sao không bán nhà cho em họ mà nhất quyết phải bán cho người ngoài.‏

‏Tất cả những điều này đều bị tôi để ngoài tai. Tại sao tôi làm việc, thực sự họ không biết sao?‏

‏Nếu tôi thực sự bán cho nhà chú thím với giá 1,8 triệu NDT, khiến bố mẹ chồng lỗ mất 400 nghìn NDT, sau này tôi sẽ đối mặt với họ như thế nào? Chẳng lẽ muốn tôi dùng tiền của mình để bù vào hay sao?‏

‏Tôi càng không nghĩ bản thân mình đã làm bất cứ điều gì sai.‏

‏Quá trình này càng khiến tôi rút ra bài học rằng, không phải những người gần gũi nhất về mối quan hệ máu mủ sẽ là người đáng tin cậy nhất. Biết ơn là điều nên làm, nhưng hơn cả, cần xác định mức độ rõ ràng. Tôi có thể giúp em họ tìm một công việc đàng hoàng, gửi phong bì mừng cưới thật hậu hĩnh, hay giúp đỡ họ khi gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào khác. Nhưng nhà chồng tôi không có nghĩa vụ giúp tôi trả nợ ân tình. ‏

‏*Nguồn: 163


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày