Giữa lúc nền điện ảnh Việt, nhất là thể loại kinh dị đang khiến khán giả mất đi niềm tin thì Tết Ở Làng Địa Ngục xuất hiện, thay đổi cục diện hoàn toàn. Series kinh dị, tâm linh được lấy cảm hứng từ truyện gốc cùng tên của tác giả Thảo Trang nhanh chóng chiếm lĩnh hạng 1 của nền tảng K+ và Netflix, vượt qua nhiều phim quốc tế đình đám khác. Có lẽ đã khá lâu rồi, khán giả mới thật sự dành trọn sự quan tâm cho một dự án phim Việt dài tập như thế này.
Bộ phim được "nhào nặn" bởi bộ đôi NSX Hoàng Quân - đạo diễn Trần Hữu Tấn, cũng là đội ngũ ekip từng có những dự án kinh dị gây tranh cãi về chất lượng như Rừng Thế Mạng, Bắc Kim Thang, Chuyện Ma Gần Nhà... Từng bị chê vì tư duy làm phim tư cũ, Hoàng Quân và Trần Hữu Tấn đã thật sự khiến khán giả bất ngờ, phải thay đổi thái độ với mức độ chỉn chu, kỹ lưỡng và thu hút trong Tết Ở Làng Địa Ngục lần này.
Toát lên vẻ ám ảnh mà không cần hù doạ nhảm nhí
Nội dung phim kể về những câu chuyện rùng rợn xảy ra tại Làng Dâu, nơi mà dân làng là con cháu đời sau của một toán cướp tàn bạo, từng gieo rắc khổ đau khắp nơi. Làng bị "phong ấn" bởi một thế lực tâm linh nên không ai có thể đi đâu, ngoại trừ trưởng làng Thập (Quang Tuấn). Vào một ngày nọ, Thập nằm mơ và thấy nhiều điềm gở, cũng như người bà đã khuất của mình về báo mộng. Có lẽ, nghiệp báo giáng xuống đầu Làng Dâu đang đến, khiến từng người trong làng bỏ mạng đầy uất ức và bí ẩn.
Tết Ở Làng Địa Ngục là kết quả khả quan của quá trình tiếp thu, học hỏi và rút kinh nghiệm sâu sắc từ các dự án điện ảnh trước đó của bộ đôi Hoàng Quân - Trần Hữu Tấn. Những chi tiết như hù dọa thừa thãi, nhảm nhí chỉ để "lấy le" người xem, hay hình tượng ma quỷ "giả trân" được tạo nên bằng kỹ xảo máy tính đều đã được cắt bớt. Phần lớn nhân vật từ con người đến thế lực tâm linh của Tết Ở Làng Địa Ngục đều được hóa trang tỉ mỉ một cách thủ công, từ đó mang đến cho khán giả cảm giác đáng sợ chân thực của máu me, thậm chí là "kinh dị thể xác" (body horror) đúng nghĩa.
Dù không còn "jump scare" dày đặc nhưng Tết Ở Làng Địa Ngục vẫn thành công tạo nên bối cảnh Làng Dâu quỷ dị, đáng sợ mà không phải ai cũng dám lui tới. Điểm cộng lớn nhất của bộ phim nằm ở phần nhìn, với chất liệu văn hóa Việt được khắc họa tỉ mỉ đến từng chiếc áo, chiếc mũ. Thêm vào đó, màu phim cũng là chi tiết then chốt thúc đẩy yếu tố kinh dị của phim lên đỉnh điểm, gieo rắc nỗi kinh hoàng lâu dài vào trí nhớ của người xem thay vì nỗi sợ tức thời, chóng vánh. Khán giả Việt hoàn toàn có thể tự tin gọi Tết Ở Làng Địa Ngục là phim kinh dị có chất kinh dị cổ điển xuất sắc nhất những năm gần đây.
Câu chuyện "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" sát nguyên tác
Mặt khác, Tết Ở Làng Địa Ngục vẫn là một thước phim "vừa đỏ, vừa thơm", tức được đầu tư về nội dung không kém gì hình ảnh. Đối chiếu với nguyên tác của tác giả Thảo Trang, bất kì ai cũng dễ thấy được nỗ lực bám sát đến "điên rồ" của ekip, thể hiện rõ nhất ở cách chia tập giống y như cách phân bố chương của truyện. Mở đầu với Người Chết Báo Mộng (gộp 2 chương đầu), sau đó lần lượt là Chuyến Đò Chở Vong, Rượu Sọ Người Rồi Cá Chép Rỉa Thịt...
Cách phân bố các tình tiết, sự xuất hiện của nhân vật cũng theo mạch truyện gốc, vừa thu hút khán giả xem phim vừa thỏa lòng đối tượng fan nguyên tác khó tính. Nhờ vậy, phần thông điệp chính của phim về luật nhân quả, việc làm thế hệ trước để lại hậu quả cho thế hệ sau được thể hiện nguyên vẹn, mạnh mẽ đúng như những gì tác giả muốn gửi gắm. Trải qua từng ngày cho đến Tết, người dân Làng Dâu sẽ hứng chịu hàng loạt tai ương như di chứng của phóng xạ, là sự suy vong của con cháu chỉ vì những vi bất nhân, tàn ác của cha ông năm xưa.
Quá mạo hiểm với phần mở đầu như "ru ngủ"
Việc bám sát nguyên tác của Thảo Trang giúp Tết Ở Làng Địa Ngục gây ấn tượng mạnh với khán giả của phim lẫn truyện. Song, đây lại là "ván cờ" khá mạo hiểm vì thực chất các chương đầu của câu chuyện khá chậm, mang tính dẫn nhập là chủ yếu. Yếu tố này đã phản ánh rõ rệt ở tập 1 và 2 của Tết Ở Làng Địa Ngục bản phim, tạo cảm giác dài dòng và lê thê đối với người xem. Chỉ khi đến cuối tập 2, khán giả mới phần nào "tỉnh giấc" nhờ loạt phân đoạn ghê rợn dồn dập, và bầu không khí kinh dị hấp dẫn mới chính thức rõ ràng hơn hẳn ở các tập 3 và 4.
Ngoài ra, việc tập hợp số lượng lớn diễn viên từ chính đến phụ, đủ cả 2 miền Nam - Bắc cũng mang đến thách thức lớn. Sự chênh phô của lối diễn khác biệt, cũng như năng lực của từng diễn viên khiến mạch phim nhiều lúc bị đứt đoạn. Cho đến hết tập 4, Quang Tuấn, NSƯT Phú Đôn (vai ông ăn xin) và Võ Tấn Phát (vai Tam Quỷ) là 3 cái tên có sự thể hiện ổn định nhất. Trong khi đó, Nguyên Thảo (vai vợ của Thập) chưa thật sự tỏa sáng, thậm chí có phần mờ nhạt và gượng gạo trong phim.
Còn lại, dàn diễn viên phụ thì lúc được, lúc không, chẳng hạn như ở cảnh Hạch qua đời dưới nước, nhiều người dân có phản ứng khác lạ, chưa hợp logic. Hoặc, phân đoạn những đứa trẻ chơi đùa trong tập 1 cũng dễ thấy có sự thiếu tự nhiên, khi lời thoại của đám trẻ quá "người lớn", theo kiểu học thuộc và chưa đúng lứa tuổi.
Chấm điểm: 3.5/5
Tuy vẫn còn thiếu sót nhưng Tết Ở Làng Địa Ngục vẫn là một bộ phim rất đáng xem, mang lại tín hiệu tốt cho dòng phim kinh dị Việt Nam nói chung. Chỉ mới trải qua 4 tập, ở phía trước của bộ phim vẫn còn nhiều chi tiết, nhiều nhân vật mới sắp xuất hiện. Chính vì vậy, khán giả vẫn có thể hi vọng Tết Ở Làng Địa Ngục có hành trình phát sóng bùng nổ và thành công, trở thành "bàn đạp" để bản điện ảnh Kẻ Ăn Hồn gặt hái thành tích vang dội, cũng như góp phần đưa tên tuổi của ekip Hoàng Quân - Trần Hữu Tấn lên một tầm cao mới.
Tết Ở Làng Địa Ngục lên sóng tập mới mỗi tối thứ Hai và thứ Ba hằng tuần.